Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Điều chỉnh cách đánh trong trận then chốt chiến dịch

  • 08:10 | Thứ Hai, 05/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sau nhiều năm dùng không quân đánh phá quyết liệt, nhưng không thể nào ngăn chặn được đường vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn của ta, đầu năm 1971, Mỹ chủ trương tiến hành cuộc tiến công chiến lược với nỗ lực cao nhất của ngụy quân Sài Gòn, có sự chi viện của quân Mỹ vào các khu vực mà chúng cho là "yết hầu" trên đường vận tải chiến lược của ta.
 
Thực hiện chủ trương chiến lược trên, Mỹ- ngụy dồn lực lượng, tổ chức ba cuộc hành quân lớn, tiến hành đồng thời trên ba hướng đánh vào tuyến vận chuyển chiến lược của ta, trong đó có cuộc hành quân mang tên "Lam Sơn 719" đánh ra khu vực Đường 9-Nam Lào, nhằm đánh phá hành lang chiến lược, phá hủy hệ thống kho tàng hậu cần của ta trên đất Lào và cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Sê Pôn, nằm cách biên giới Việt-Lào 42km về phía tây.
 
Phát hiện địch bắt đầu mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719", Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tăng cường thêm lực lượng cho Binh đoàn 70 mở chiến dịch phản công tiêu diệt quân địch. Ngày 4-2-1971, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 51/QĐ-QP thành lập Mặt trận Đường 9-Nam Lào (gọi tắt là Bộ tư lệnh 702). Bộ tư lệnh chiến dịch xác định: Khu vực tác chiến chủ yếu từ Bản Đông đến Lao Bảo, khu vực ngăn chặn địch ở Tây Bắc Bản Đông-Cha Ky, khu vực đánh giao thông, kìm chân địch ở Đông Lao Bảo, Sa Mưu, Đông Hà, Cửa Việt. Hướng phản công chủ yếu từ hướng bắc vào khu vực các điểm cao 315, 553, 543, Bản Đông, Lao Bảo. Hướng phản công thứ yếu từ phía Nam vào khu vực dãy Phu Rệp, các điểm cao 550, 537. 
Bộ đội Sư đoàn 320 tiêu diệt cứ điểm địch trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971. Ảnh tư liệu
Bộ đội Sư đoàn 320 tiêu diệt cứ điểm địch trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971. Ảnh tư liệu
Ngày 17-2-1971, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng Trung đoàn Bộ binh 64 (Sư đoàn 320), Trung đoàn Pháo binh 45, một đại đội xe tăng thực hiện trận đánh then chốt tiêu diệt căn cứ 31 của địch ở điểm cao 543. Tại đây, địch khá mạnh và tổ chức phòng thủ chặt chẽ, Trung đoàn 64 vận dụng cách đánh bao vây, đánh lấn, tiến tới tiến công tiêu diệt gọn quân địch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung đoàn 64 vào triển khai vây lấn, từ ngày 18-2-1971, pháo binh chiến dịch liên tục bắn phá các mục tiêu trong căn cứ địch ở khu vực điểm cao 543, chế áp trận địa pháo địch ở A Rinh, Tà Púc. Phát hiện ta triển khai tiến công, địch cho máy bay đến bắn phá xung quanh Căn cứ 543 và cho 20 lần chiếc trực thăng đổ quân xuống Tà Năng, phối hợp với 1 đại đội từ Pây Út sang định đánh vào phía sau đội hình tiến công của ta, nhưng bị Tiểu đoàn 9 vận động tiến công tiêu diệt. Nhận thấy hướng chủ yếu khó phát triển, ngày 24-2, trung đoàn đưa Đại đội 7 (Tiểu đoàn 8) và Đại đội 9 (Tiểu đoàn 9) vào, hình thành hướng vây lấn chủ yếu từ phía Đông Nam, hướng vây lấn từ phía Đông Bắc là thứ yếu; hướng từ phía Tây Bắc trở thành hướng thứ yếu 2.
 
5 giờ ngày 25-2-1971, từ các trận địa vây lấn, quân ta được pháo binh chi viện tiến công, nhưng bị địch đẩy lui, buộc phải sử dụng pháo binh bắn phá vào đội hình phòng ngự của địch và kiềm chế các trận địa pháo ở A Rinh, Tà Púc, chi viện cho bộ binh vây lấn tiếp. 10 giờ ngày 25-2, phát hiện địch có dấu hiệu rút chạy, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 64 tiến công dứt điểm. Trước sức tiến công mạnh, nhất là lực lượng xe tăng của ta bất ngờ xuất hiện, quân địch tháo chạy về mỏm E. Chớp thời cơ đó, các hướng quân ta nhanh chóng tiến công. Bị quân ta đánh mạnh, toàn bộ quân địch co cụm ở mỏm A (điểm cao 543). Được pháo binh và xe tăng chi viện, quân ta thọc sâu, chia cắt, diệt từng mục tiêu, đánh chiếm từng hầm ngầm. Đến 16 giờ ngày 25-2, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng và Ban Tham mưu Lữ đoàn 3 dù, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí, khí tài của địch, bắn rơi 19 máy bay các loại.
 
Trận then chốt đầu tiên của chiến dịch thắng lợi, trước hết là do Bộ tư lệnh chiến dịch xác định chính xác khu vực tác chiến chủ yếu, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chủ lực với lực lượng tại chỗ tạo nên thế trận đánh địch rộng khắp, căng kéo địch, buộc chúng phải tạm dừng ở khu vực mà ta đã dự kiến trước. Trên hướng tiến công chủ yếu, ta đã xác định chính xác sở chỉ huy lữ đoàn địch ở căn cứ 31 là mục tiêu chủ yếu của trận then chốt chiến dịch. Ta còn nắm chắc địch, từ đó tổ chức tạo thế, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt rất sáng tạo, tập trung một lực lượng pháo binh, cao xạ đủ mạnh để kiềm chế lực lượng không quân và pháo binh địch, tổ chức lực lượng chốt chặn và có lực lượng dự bị mạnh, vừa đánh địch ứng cứu giải tỏa, vừa sẵn sàng tăng cường cho lực lượng vây lấn tiến công địch.
 
Trong quá trình vây lấn, tiến công, khi phát hiện điểm yếu của địch, ta đã kịp thời thay đổi hướng tiến công chủ yếu cho phù hợp, sử dụng xe tăng vào hiệp đồng với bộ binh công kích; khi phát hiện địch có hiện tượng rút chạy, Bộ tư lệnh chiến dịch đã kịp thời lệnh cho các đơn vị nhanh chóng tiến công dứt điểm.
 
Trận then chốt thắng lợi đã bẻ gãy hoàn toàn cánh quân phía bắc Đường 9 của địch, phá vỡ kế hoạch thiết lập căn cứ hỏa lực nhằm bảo vệ sườn phía bắc và chi viện cho cánh quân chủ yếu tiến công lên Sê Pôn của địch; đồng thời, tạo điều kiện cho các hướng khác của chiến dịch kìm chân địch, bảo vệ được hành lang vận chuyển chiến lược.
 
Theo Vũ Hồng Khanh(Báo Quân đội Nhân dân)