Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bài ca người lính

  • 16:03 | Thứ Sáu, 30/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều năm trước, dưới bầu trời xanh và bồng bềnh mây trắng của ngày tháng tư lịch sử, tôi tình cờ chụp được bức ảnh người cựu binh bước đi trên cầu Hiền Lương với những bước đi phóng khoáng và mắt cười nhẹ nhõm. Ngắm hình ảnh đó, tôi chợt liên tưởng đến câu thơ giản dị và chân thực trong bài học ngày thơ ấu cùng thanh âm những bài ca về người lính!
 
“Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!”
 
Trong hành trình làm báo của mình, tôi từng may mắn gặp rất nhiều những cựu chiến binh. Họ là chiến sĩ Điện Biên với chiến thắng “chấn động địa cầu”; là người từng có mặt trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đưa non sông thu về một mối; là chiến sĩ lái xe tiếp lương, tải đạn cho đồng đội trong chiến tranh biên giới năm 1979; là người lính giữ biển đảo Trường Sa với trận Gạc Ma bi hùng… 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng động viên tân binh trước giờ nhập ngũ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng động viên tân binh trước giờ nhập ngũ.
Tất cả những người cựu binh tôi đã gặp, khi nhớ về quá khứ, về những năm tháng chiến đấu vì Tổ quốc, đều rưng rưng xúc động. Trước khi trở thành người lính, họ là nông dân chí thú ruộng vườn, là những thanh niên vừa rời ghế trường phổ thông, là sinh viên sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc!
 
Cùng với tình yêu Tổ quốc trong trái tim mỗi người, chiến tranh, với sự khốc liệt và gian khổ, đã hun đúc, rèn giũa họ trở thành những người con trung kiên, bất khuất, vì nước quên mình. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống vì tự do của dân tộc. Nhiều người khác trở về đời thường sau khi bỏ lại một phần thân thể ở chiến trường trong những cuộc chiến. Sự hy sinh của họ khó có thể nói hết bằng lời. Và đổi lại sự hy sinh đó là đất nước hòa bình, non sông liền một dải, không còn những hiệp định, những cây cầu, những dòng sông ngăn cách đôi bờ, ngăn cách những tấm lòng…
 
Bước ra từ những cuộc chiến, xếp lại bộ quân phục và những tháng năm làm người lính vào trong ký ức, họ trở lại đời thường, tiếp tục chí thú với ruộng vườn, mê mải bút nghiên, sống cuộc đời bình dị. Niềm tự hào lớn lao nhất của họ là đã cống hiến sức mình cho độc lập dân tộc, mang lại bình yên cho mọi nhà! Những vết thương trên thịt da và cả vết thương lòng qua những cuộc chiến, nhờ sự bao dung, rộng lượng, cũng đã lành lặn, để những ngày tháng tư như bây giờ, niềm vui thêm phần trọn vẹn, để “Mùa xuân này về trên quê ta/Khắp đất trời biển rộng bao la/Cây xanh tươi ra lá trổ hoa…”!
 
Hoa hồng và cây súng
 
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Những năm tháng ấy, khi dư âm của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn còn hiện diện qua những hố bom, qua hình ảnh “anh thương binh vẫn đến trường làng…” thì chiến tranh biên giới phía bắc và biên giới tây nam nổ ra. Dù vẫn còn rất nhỏ nhưng lúc đó, qua câu chuyện của những người lớn, qua bản tin thời sự phát trên đài mỗi ngày, chúng tôi đã hiểu được lệnh “tổng động viên” là gì và cảm nhận không khí sục sôi của ngày ra trận! 
"Bài ca người lính" giữa thời bình.
Những năm tháng ấy, mọi người được nghe rất nhiều lần bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên với những ca từ mộc mạc “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”. Những ngôi nhà bao năm chiến tranh chỉ có bóng dáng mẹ già, con thơ và những người phụ nữ, chỉ mới được đón người đàn ông, trụ cột của gia đình trở về sau cuộc chiến chưa được bao lâu, nay lại bắt đầu những cuộc đưa tiễn mới. Hình ảnh những người lính “Mang trong mình còn lắm vết thương/Người vẫn hiên ngang ra chiến trường…” không chỉ là minh chứng rõ nét cho tình yêu người lính và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mà đó chính là tâm thế của dân tộc Việt Nam trước họa xâm lăng!
 
Cùng với nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đã giúp những người chưa từng biết đến khói lửa chiến tranh như chúng tôi sự hình dung sống động về cuộc chiến bảo vệ độc lập tự do qua ca khúc “Hát mãi khúc quân hành”. “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/Ta yêu sao làng quê non nước mình…”, tiếng lòng của người lính mộc mạc, chân thành và cũng đầy quyết tâm, quả cảm. Có lẽ vì thế nên nhiều thập kỷ đã trôi qua, những ca khúc về các cuộc chiến tranh giữ nước vẫn in sâu trong trái tim và ký ức bao thế hệ!
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng viết: “Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng bất cứ cuộc chiến tranh nào đã nổ ra thì nhân loại không được phép lãng quên. Dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc vì nền độc lập và tự do của mình!”. Có biết bao thế hệ những người lính đã đồng hành cùng dân tộc, vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng, dòng sông, con suối hay hy sinh một phần thân thể. Họ mãi mãi hiện diện trong những thanh âm và hình ảnh của bài ca người lính giản dị nhưng đầy quyết tâm, quả cảm và ngập tràn tình yêu Tổ quốc.
 
Không lãng quên quá khứ hào hùng và đau thương, nhưng nhân dân Việt Nam, trong đó có những người lính, đã khép lại những ngày tháng cũ, cùng nhìn về phía trước, sống với niềm vui và hy vọng của ngày mới. Hạnh phúc và bình yên hiện diện trong những nếp nhà, bên những cánh đồng, dòng sông và phố xá thị thành tươi trẻ, tràn căng sức sống mới, trong những bước chân phóng khoáng và ánh mắt cười nhẹ nhõm của những người cựu binh trên cầu Hiền Lương ngày tháng Tư đầy nắng.
 
Với riêng những người lính, khúc quân hành mãi mãi ngân vang trong trái tim họ, để chỉ cần đất nước lâm nguy, họ lại sẵn sàng lên đường, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc!
 
Ghi chép của Diệp Đồng