Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Băng qua cơn lũ dữ

  • 09:05 | Chủ Nhật, 01/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày đêm người dân Quảng Bình oằn mình vật lộn với cơn lũ lịch sử vừa qua, cũng là lúc hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phải dầm mình trong mưa lũ để cứu dân. Những bữa ăn lương khô lót dạ vội vã thay cơm ngay trên biển nước, rồi có lúc phải đối mặt với cả hiểm nguy, nhưng họ bảo, hơn lúc nào hết, đây là lúc nhân dân đang rất cần mình.  
 
Lao vào cơn lũ
 
Ngày 26-10-2020, nghĩa là mấy ngày sau khi nước lũ rút trên địa bàn huyện Lệ Thủy, thiếu tá Nguyễn Văn Huy, cán bộ Trạm kiểm soát Đồn BP Nhật Lệ và đồng đội vẫn còn bám địa bàn giúp người dân khắc phục hậu quả do lũ gây ra. Thiếu tá Huy chia sẻ: “Đây là nhiệm vụ cấp trên giao phó và cũng là trách nhiệm của bộ đội với người dân. Ở đâu, nhân dân cần, ở đó có chúng tôi”.
 
Sinh ra ở TP. Đồng Hới, với gần 20 năm công tác trong lực lượng BĐBP, chưa bao giờ anh trực tiếp chứng kiến những giây phút người dân gần như tuyệt vọng đến thế. Trước thiên nhiên, con người sao nhỏ bé quá chừng. Cho đến giờ đây, anh Huy và đồng đội không thể nhớ hết mình đã cứu bao nhiêu người dân bị mắc kẹt trong lũ.
 
Lúc đó, anh và đồng đội chỉ nghĩ phải làm sao để cứu hết mọi người. Bất kể đó là ai, ở đâu và bất kể thời gian nào. Hễ có người kêu cứu, anh em cán bộ, chiến sỹ BP lại băng qua cơn lũ đến với nhân dân. Họ cũng không kịp nghĩ đến những sóng gió, hiểm nguy, bất trắc có thể gặp phải.  
BĐBP cứu dân trong lũ dữ.
BĐBP cứu dân trong lũ dữ.
Sáng 19-10, khi hàng chục vạn người dân Quảng Bình đang ngập chìm trong nước lũ, thiếu tá Huy cùng đồng đội nhận lệnh lập tức hành quân lên huyện Lệ Thủy cứu dân. Cứu dân như cứu hỏa. Vừa lên đến nơi, anh cùng đồng đội bắt tay vào triển khai nhiệm vụ. Không quen địa hình, con nước, nhưng ở đâu có dân, ca nô cứu hộ của các anh có mặt ở đó.
 
Thiếu tá Huy kể, trên đường đến vùng rốn lũ thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy để cứu dân, khi ngang qua thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, thấy ca nô của bộ đội, nhiều người dân liền ra chặn lại kêu cứu. Không chút suy nghĩ, anh cùng đồng đội quyết định vào ứng cứu. Gia đình này có 2 cụ già và 1 người đang bị bệnh.
 
Lúc này, nước lũ đã vào nhà và ngập quá đầu người. Trong khi đó, ca nô không thể tiếp cận. 2 cụ già tuổi đã cao, sức yếu không thể dùng áo phao, anh em phải bơi vào nhà, rồi dùng chiếc tủ lạnh để làm phao, lần lượt bồng từng người ra ngoài đưa lên ca nô, đi tránh lũ.
 
Sau khi đưa được 3 người trong gia đình này đến được nơi an toàn, các anh cùng đồng đội tiếp tục di chuyển đến thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy để cứu dân lúc 18 giờ tối. Cảnh hàng trăm con người, từ già trẻ, lớn bé ngoi ngóp trên trên mái nhà giữa biển nước chờ lực lượng cứu hộ đến đưa đi di tản, cứ như trong kịch bản của một bộ phim "bom tấn" về các thảm họa thiên nhiên.
 
Chưa bao, giờ anh Huy nhìn thấy người dân tuyệt vọng đến thế. Anh và đồng đội chỉ kịp nghĩ phải làm sao, thật nhanh chóng đưa hết hàng trăm con người này đến nơi an toàn, trước khi trời tối hẳn. Phải đến gần 23 giờ đêm, người dân cuối cùng mới được đưa lên ca nô đi di tản.
 
Giữa đêm khuya hôm ấy, anh và đồng đội còn tiếp tục quay lại thôn Vinh Quang lần cuối để kiểm tra lại vì lo sợ còn có người dân sót lại trong lũ. Anh Huy nhớ lại, suốt những ngày đêm đó, anh em cán bộ, chiến sỹ BĐBP dầm mình trong nước lũ. Đến thời gian để ăn vội miếng lương khô cũng không có. Đói, rét và cả mệt mỏi, nhưng mỗi khi đưa được 1 người dân đến nơi an toàn, ai cũng thấy ấm lòng.
 
Chạy đua cùng thời gian
 
Trong đợt lũ vừa qua, trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Đồn trưởng Đồn BP Ngư Thủy, cũng đã chỉ huy một tổ công tác gồm 7 cán bộ, chiến sỹ lên đường đến các vùng rốn lũ trên địa bàn huyện Lệ Thủy để cứu dân. Ám ảnh nhất với trung tá Tú chính là tiếng kêu khóc của người dân trong mưa lũ và hình ảnh những người dân được cứu gặp lại người thân. “Có chứng kiến được thời khắc sinh tử đó, mới cảm nhận được nỗi kinh hoàng của lũ lụt.
 
Hễ cứ nghe tiếng người dân kêu cứu trong lũ, anh em gần như quên đi tất cả những nỗi sợ hãi và hiểm nguy, chạy đua cùng với thời gian để cứu dân. Bởi nếu chậm một chút, tính mạng của người dân trong lũ sẽ gặp nguy hiểm.”, anh Tú cho biết.
   Tiếp tế lương thực cho người dân.
Tiếp tế lương thực cho người dân.
Anh Tú kể, từ ngày 18-10, ngày đầu tiên tổ công tác được lệnh đến thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy để di tản người dân. Khi ca nô cứu hộ vừa đến đầu thôn đã nghe tiếng kêu cứu. Anh lệnh cho tổ công tác đưa ca nô vào sâu trong xóm để tìm dân. Sau một hồi vật lộn với sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sỹ đã tiếp cận và cứu hộ được 2 gia đình 4 người lên ca nô an toàn.
 
Chuyến thứ 2, khi tổ công tác từ trụ sở UBND xã Sơn Thủy quay trở lại thôn Vinh Quang, trong mưa lũ, anh em nghe thấy tiếng khóc rất lớn của một người phụ nữ. Anh cho ca nô vào tìm kiếm thì thấy 2 vợ chồng một người dân đang ngồi trên thân cây cao ở gần đó, khóc lóc thảm thiết vì tài sản, nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi. Sau khi hỏi han, động viên, các chiến sỹ BĐBP dìu 2 người lên ca nô.
 
“Trong hàng trăm cuộc giải cứu người dân kẹt trong lũ dữ, không có tình huống nào giống tình huống nào. Ca nô cứu hộ lớn không thể len lỏi vào các ngõ hẻm của nhà dân, nên anh em đã kết bè chuối để vào nhà từng người dân để ứng cứu. Vất vả nhất khi phải ứng cứu những trường hợp người già, trẻ em và những người đau ốm, tàn tật rất nặng.
 
Giữa mênh mông biển nước, họ không thể tự di chuyển hoặc dùng phao được, mà anh em phải vận dụng tất cả những đồ vật nhặt được có thể nổi trên mặt nước, để di chuyển họ ra ngoài mà không bị ướt. Trên ca nô cứu hộ, chúng tôi còn có 1 cán bộ quân y để sẵn sàng sơ cứu cho người dân khi bị nạn.”, anh Tú cho hay.
 
Duy có một trường hợp, mà cho đến giờ đây, anh Tú cùng đồng đội không bao giờ quên. “Đó là ngày 20-10, trong lúc ứng cứu người dân ở xã An Thủy, tổ công tác nhận được tin có một phụ nữ ở thôn Tân Lệ đang chuyển dạ, chuẩn bị sinh. Ngay lập tức, anh em cho ca nô nhanh chóng di chuyển đến ứng cứu. Lúc này, ngôi nhà nơi sản phụ này ở đã bị ngập sâu chỉ còn mái nhà. Anh em phải phá mái nhà, đưa người phụ nữ này chui qua nóc nhà để xuống. Chưa hết, trong lúc di chuyển sản phụ này đến Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, ai nấy đều lo lắng, không biết xử lý thế nào nếu chị sinh ngay trên ca nô, trong khi bốn bề đều là nước lũ, sóng to, gió lớn, trời lại mưa như trút nước. May sao, chúng tôi vẫn kịp đưa chị đến bệnh viện.”, trung tá Tú thở phào. 
 
“Có ca nô của bộ đội... là sẽ được cứu”
 
Anh Phan Thanh Lương, người thân của sản phụ Bùi Thị Kim Hương, thôn Tân Lệ, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) kể: “Ngày hôm đó, nước lũ đang lên rất nhanh. Ngôi nhà chị Hương đang tránh lũ, nước đã dâng lên gần ngang mái. Chị Hương lại có dấu hiệu chuyển dạ, chờ sinh. Nếu không có phương tiện chuyên dụng và sự có mặt kịp thời của BĐBP, thì tính mạng của 2 mẹ con sẽ rất nguy hiểm. Trong khi đó, gia đình và người thân muốn giúp cũng không thể giúp được. Gọi cho lực lượng cứu hộ địa phương, thì thuyền quá nhỏ, không thể chịu được sóng lớn. Chỉ khi có ca nô của bộ đội xuất hiện mới biết chắc chắn là sẽ được cứu”.
 
Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết cho biết: “Cơn lũ vừa qua là một trận đại hồng thủy. Mặc dù địa phương đã tổ chức lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhưng lũ lên nhanh và sóng to, gió lớn, lực lượng tại chỗ của xã cũng không thể ứng cứu hết người dân. May sao, có sự ứng cứu kịp thời của lực lượng BĐBP và các lực lượng vũ trang khác, nếu không sẽ khó mà lường tính được thiệt hại về người”.  
 
Dương Công Hợp