Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống tội phạm

  • 14:59 | Thứ Ba, 06/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong 5 năm qua (2016-2020), tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự (ANTT). Tuy nhiên, hoạt động của một số loại tội phạm có thời điểm diễn biến khá phức tạp, xảy ra những vụ án rất nghiêm trọng, phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận…
 
Để tăng cường thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm (PCTP) đến năm 2020, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia, nhằm nâng cao nhận thức về PCTP.
 
Qua đó, các lực lượng chức năng đã kịp thời thông báo phương thức, thù đoạn của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật để nhân dân đề cao cảnh giác, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội.
 
Là cơ quan thường trực thực hiện chương trình này, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các cấp phối hợp tổ chức hơn 7.195 hội nghị tuyên truyền PCTP ở khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường với khoảng 550 ngàn lượt người tham gia.
 
Cùng với việc phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, nên từ năm 2016 đến nay, nhân dân đã cung cấp cho công an trên 21 ngàn nguồn tin, trong đó có 11.600 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm.
 
Ngoài ra, lực lượng Công an đã thực hiện hiệu quả công tác nắm, theo dõi, quản lý, giáo dục đối tượng tại các xã, phường, thị trấn; triệu tập răn đe, giáo dục trên 12.000 đối tượng, đưa trên 1.500 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, tổ chức quản lý giam giữ 3.888 đối tượng…
Lực lượng Công an bắt giữ vụ vận chuyển pháo trái phép.
Lực lượng Công an bắt giữ vụ vận chuyển pháo trái phép.
Trong 5 năm thực hiện chương trình, Công an huyện Lệ Thủy là một trong 16 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTP, giữ gìn bình yên cuộc sống của nhân dân.
 
Thượng tá Trần Đức Tới, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho hay, để nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân trong PCTP, lực lượng Công an đã xây dựng 65 thông báo, tuyên truyền thủ đoạn, hoạt động của các loại tội phạm: cướp tài sản, cướp tiệm vàng, trộm đột nhập, mua bán người, cố ý gây thương tích, trộm cắp gia súc, gia cầm, sử dụng công nghệ cao lợi dụng hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng, lợi dụng dịch vụ bưu chính mua bán vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
 
Hiện địa bàn huyện Lệ Thủy có tổng số 68 mô hình, điển hình được xây dựng, củng cố, tiếp tục duy trì hoạt động trên 192 khu dân cư. Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lệ Thủy tích cực bám sát địa bàn cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
 
Nhờ vậy, tình hình ANTT cơ bản được giữ vững ổn định, các vụ phạm pháp hình sự xảy ra đều được tập trung điều tra, làm rõ nhanh chóng được chính quyền và nhân dân trên địa bàn đánh giá cao.
 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào PCTP đã được Công an tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh… tập trung đẩy mạnh. Đó là, Hội LHPN các cấp đã tập trung củng cố, nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia PCTP, tệ nạn xã hội có hiệu quả như: “Chi, tổ phụ nữ không có chồng, con vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Vùng giáo bình yên”, “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”…
 
Mặt trận các cấp đã triển khai nhiều chủ trương giải pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT từ cơ sở. Qua đó, củng cố, duy trì 487 đội xung kích, 4.450 tổ an ninh nhân dân, 22 ban bảo vệ dân phố, 815 nhóm liên gia tự quản…; duy trì hiệu quả 103 mô hình tiêu biểu về tuyên truyền, vận động nhân dân PCTP, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ANTT gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
 
Đối với vùng đồng bào có đạo, các cấp Mặt trận trong tỉnh đã tăng cường vai trò phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống các loại tội phạm gắn với phong trào thi đua “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” mà trọng tâm là 10 nội dung “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa)
Tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa)
Theo ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, để thực hiện có hiệu quả hơn công tác PCTP gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” trong thời gian tới, Ủy ban MTTQVN tỉnh đề xuất một số vấn đề, như: Cần chú trọng việc phối hợp thường xuyên giữa Mặt trận các cấp, các tổ chức đoàn thể với ngành Công an, các ban, ngành liên quan cùng cấp trong quá trình triển khai các chương trình phối hợp, nhất là trong xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư; vận động cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và người tiêu biểu, uy tín thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ ANTT, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
 
Quá trình triển khai thực hiện công tác PCTP và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải được lồng ghép chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí cho cơ sở, khu dân cư, để tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình điểm có chất lượng, hiệu quả trong công tác PCTP, tệ nạn xã hội, nhất là các mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, từ đó tạo sức lan toả và có tác dụng thiết thực ở khu dân cư.
 
Dự báo trong những năm tiếp theo, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, như: phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm sẽ ngày càng manh động, liều lĩnh, tinh vi; sự liên kết chặt chẽ giữa các loại tội phạm thành ổ, nhóm phạm tội hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Sự xuất hiện của các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lợi dụng không gian mạng tiềm ẩn nguy cơ phát triển với nhiều hình thức khác nhau. Tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy… tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp với hình thức ngày càng tinh vi, quy mô lớn. Do vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia, tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện có hiệu quả công tác PCTP trong thời gian tới.
 
Trần Minh Văn