Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Học Bác từ những việc làm cụ thể

  • 10:32 | Thứ Hai, 18/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là lực lượng đóng quân ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh không chỉ làm tốt nhiệm vụ canh giữ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà thông qua những việc làm của mình, họ còn mang đến cho người dân nơi đây một cuộc sống mới, ấm no và đủ đầy hơn. Bằng những cách làm riêng có của mình, họ luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ.
 
Những ngày đầu tháng 5 này, cùng với người dân ở miền xuôi, người Mày (dân tộc Chứt) ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa) cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông-xuân. Cánh đồng lúa nước vàng ươm (rộng gần5 ha) trở nên tấp nập đông vui như ngày hội. Tiếng cười nói rộn ràng, vang khắp cả một góc núi. Người lớn, trẻ nhỏ, thanh niên, ai nấy đều hăng say làm việc, người gặt lúa, người bó lúa. Điều đặc biệt, trên cánh đồng này, còn thấp thoáng bóng dáng những người lính mang quân hàm xanh vừa gặt lúa vừa hướng dẫn cho bà con.
Tình quân dân trên cánh đồng lúa Ka Ai
Tình quân dân trên cánh đồng lúa Ka Ai
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng, đại úy Bùi Khánh Toàn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo) cho biết: “Cánh đồng lúa nước Ka Ai là cánh đồng có diện tích lớn nhất trong số các mô hình lúa nước do BĐBP tỉnh triển khai suốt dọc dải biên giới phía Tây của tỉnh. Từ khi cánh đồng được xây dựng năm 2013 đến nay, BĐBP chúng tôi phải kiên trì bám bản, bám ruộng để vừa vận động, vừa bắt tay chỉ việc hướng dẫn trực tiếp cho bà con làm theo. Vụ lúa năm nay được mùa hơn mọi năm. Năng suất đạt khoảng 4,3 tấn/ha”.
 
Thấy chúng tôi, Trưởng bản Ka Ai Cao Xuân Xiêm hồ hởi khoe: “Lúa năm nay được mùa, nên bà con vui cái bụng lắm”. Dù năm nay đã 61 tuổi, nhưng Trưởng bản Cao Xuân Xiêm vẫn còn vẻ háo hức như ngày đầu tiên thấy cây lúa nước cắm rễ nơi đây. Ông kể, ngày trước, cuộc sống và cái ăn của đồng bào ở đây hầu hết đều phụ thuộc vào núi rừng. Thế nhưng, lối sống chặt đốt, cốt trỉa, phát rừng làm rẫy vẫn không đủ ăn. Làm rẫy chỉ đủ ăn vài tháng, thời gian còn lại, người dân phải vào rừng lấy măng, củ mài ăn. Từ khi có ruộng lúa nước của BĐBP, bà con ấm cái bụng và no đủ hơn trước nhiều.
 
Ông vẫn còn nhớ như in, ngày đầu tiên nghe BĐBP nói chuyện làm lúa nước ở đây, ai nấy đều không tin ở giữa chốn núi rừng này, nước không có, lại có thể làm ruộng được. Trong suy nghĩ của bà con lúc đó, lúa nước chỉ dành riêng cho người người dưới xuôi thôi. Bà con người Mày, người Khùa ở đây đã quá quen với cái chân đi rừng, cái tay làm rẫy, nên khi nghe chuyện, họ lại càng không tin. Ngày bộ đội dẫn được nước, đưa máy cày về làm ruộng, họ tò mò ùa ra xem. Nhưng làm như thế nào để hạt lúa nảy mầm, sống và phát triển thành cây lúa thì bà con chịu.
 
Ban đầu, khi BĐBP hướng dẫn làm cỏ cho cây lúa, bà con còn không phân biệt được đâu là cây lúa, đâu là cây cỏ. Rồi vụ lúa đầu tiên nảy hạt, bộ đội lại phải tự đi gặt, tuốt lúa và mang đến từng nhà phát cho bà con. Ông Cao Xuân Xiêm chia sẻ: “Đến cái ăn của bà con đã có bộ đội giúp cho, lúc bệnh tật, ốm đau cũng đã có bộ đội chữa trị. Quả thật, dân bản có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của BĐBP. Thêm một tin vui nữa là thời gian tới, Ka Ai tiếp tục được BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu trong xây dựng bản nông thôn mới”.
BĐBP đưa máy tuốt lúa vào phục vụ bà con.
BĐBP đưa máy tuốt lúa vào phục vụ bà con.
Không chỉ có bản Ka Ai, trải dọc trên 2 tuyến biên giới, nhiều năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã trực tiếp nhận đỡ đầu 13 thôn, bản biên giới khó khăn và 1 xã nội địa với nhiều công trình, việc làm hiệu quả thiết thực; xây dựng, duy trì 4 mô hình giúp dân trồng lúa nước ở bản Tân Ly, Rục Làn, Ka Ai, Chăm Pu với tổng diện tích gần 20ha; triển khai thành công các mô hình nuôi lợn bản địa, nuôi gà ri thuần chủng tại xã Hóa Sơn, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), trồng dứa ở xã Truờng Sơn (huyện Quảng Ninh), triển khai thí điểm trồng cây macca ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) với tổng kinh phí hơn 610 triệu đồng.
 
Ngoài ra, các đồn Biên phòng đã xây dựng 10 công trình đường điện dài hơn 15,5km tại 10 thôn, bản với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân; nhận đỡ đầu cho 81 em học sinh nghèo (trong đó 8 em học sinh Lào), nuôi dưỡng 23 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các đồn Biên phòng...
 
Đại tá Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Chúng tôi xác định, việc học tập và làm theo Bác, phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, thiết thực và mang lại hiệu quả thực tế. Là lực lượng đóng quân trên các địa bàn biên giới, BĐBP tỉnh nhận thức được những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để sẻ chia những khó khăn, giúp đỡ bà con nâng cao đời sống.
 
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng lãnh đạo gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, xác định các vấn đề trọng tâm mang tính đột phá, cấp thiết để chỉ đạo thực hiện phù hợp với nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị mình. Với tinh thần đó, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cán bộ, chiến sỹ và các đơn vị trong toàn lực lượng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo lời Bác, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới”.
 
Dương Công Hợp