.

Khai mạc Khóa huấn luyện Sỹ quan Hậu cần Liên hợp quốc tại Việt Nam

.
09:40, Thứ Tư, 17/04/2019 (GMT+7)

Thông qua Khóa huấn luyện này, các học viên sẽ tiếp thu được những kiến thức hữu ích, làm cơ sở để ứng dụng vào công tác kế hoạch về bảo đảm hậu cần cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại lễ khai mạc. (Ảnh: Xuân Thịnh/TTXVN phát)
Các đại biểu chụp ảnh chung tại lễ khai mạc. (Ảnh: Xuân Thịnh/TTXVN phát)

Ngày 16-4, Khóa huấn luyện Sỹ quan Hậu cần Liên hợp quốc do Việt Nam và Canada phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul đồng chủ trì Lễ khai mạc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh qua thực tiễn triển khai hơn 70 năm, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc khôi phục, duy trì hòa bình và tái thiết đất nước sau xung đột trên thế giới. Trong đó, Canada luôn là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đóng góp lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với hơn 125.000 quân nhân và cảnh sát được triển khai tới các phái bộ Liên hợp quốc. Canada còn là điểm sáng trong việc đưa ra các sáng kiến quan trọng và nhận được sự đồng thuận cao, có tính chiến lược lâu dài, bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cảm ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Canada đã tạo điều kiện để hai bên tổ chức Khóa huấn luyện Sỹ quan Hậu cần Liên hợp quốc.

Khai mac Khoa huan luyen Sy quan Hau can Lien hop quoc tai Viet Nam hinh anh 2Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu. (Ảnh: Xuân Thịnh/TTXVN phát)
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu. (Ảnh: Xuân Thịnh/TTXVN phát)

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động đa phương; tích cực phối hợp với các quốc gia trên thế giới tổ chức nhiều hoạt động trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, nhất là với các quốc gia châu Á Thái Bình dương và các quốc gia đã hợp tác với Việt Nam thời gian qua.

Bảo đảm hậu cần là một ngành khoa học phức tạp có ý nghĩa vô cùng thiết yếu đối với sự thành công của một phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam cho rằng thông qua Khóa huấn luyện này, các học viên sẽ tiếp thu được những kiến thức hữu ích, làm cơ sở để ứng dụng vào công tác kế hoạch về bảo đảm hậu cần cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong tương lai.

Bà Deborah Paul bày tỏ hy vọng, thông qua hoạt động đồng tổ chức khóa huấn luyện lần này sẽ làm nền tảng cho các cơ hội hợp tác huấn luyện tiếp theo giữa hai quốc gia trong tương lai.

Khai mac Khoa huan luyen Sy quan Hau can Lien hop quoc tai Viet Nam hinh anh 3Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Deborah Paul phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Xuân Thịnh/TTXVN phát)
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Deborah Paul phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Xuân Thịnh/TTXVN phát)

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết khóa huấn luyện Sỹ quan Hậu cần Liên hợp quốc sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 27-4, tham dự có 28 học viên, gồm 13 học viên Việt Nam và 15 học viên quốc tế đến từ 10 nước là các quốc gia đối tác của Chương trình Hợp tác huấn luyện Quốc phòng (MTCP).

Khóa huấn luyện có sự tham gia giảng dạy của năm giảng viên quốc tế đến từ Canada và Cộng hòa Sierra Leone cùng hai giảng viên Việt Nam.

Khóa huấn luyện nhằm trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cơ bản của Sĩ quan Hậu cần Liên hợp quốc cho các học viên; góp phần giúp Việt Nam tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong tổ chức các khóa huấn luyện về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở huấn luyện gìn giữ hòa bình đủ năng lực tổ chức các khóa huấn luyện quốc tế, tiến tới được công nhận và đạt tiêu chuẩn của Liên hợp quốc.

Ngoài các nội dung lý thuyết, trong chương trình Khóa huấn luyện còn có các bài tập thực hành về thực hiện nhiệm vụ của Sĩ quan Hậu cần Liên hợp quốc như đàm phán về nội dung Bản ghi nhớ (MOU) giữa Liên hợp quốc và nước cử quân về việc đóng góp lực lượng, trang bị tham gia nhiệm vụ tại phái bộ Liên hợp quốc; lập kế hoạch, báo cáo về công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bồi hoàn theo yêu cầu và theo thỏa thuận của Liên hợp quốc với quốc gia cử quân; tập bài tổng hợp về công tác bảo đảm phái bộ...

Theo P.V (TTXVN/Vietnam+)

,