.

Già làng, trưởng bản, người có uy tín: Vốn quý trong công tác giữ gìn ANTT

.
07:49, Thứ Hai, 13/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Việc tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa trong công tác bảo vệ ANTT đã thực sự mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các già làng, trưởng bản không những động viên bà con dân tộc thiểu số sinh sống tại bản làng thi đua lao động sản xuất, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà còn vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội ở bản làng.

Mới đây, 40 già làng, trưởng bản, người có uy tín đại diện cho hơn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa đã có dịp chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa, đầm ấm được Công an huyện Minh Hóa tổ chức tại xã Trọng Hóa.

Ở địa bàn huyện Minh Hóa, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 4 xã dọc tuyến biên giới, đó là xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Thông qua già làng, trưởng bản và người có uy tín, các cơ quan chức năng trên địa bàn bàn huyện, đặc biệt là lực lượng Công an huyện Minh Hóa đã vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, đồng thời tham gia phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phạm tội, xây dựng thế trận an ninh ở khu vực biên giới vững chắc.

Nổi bật là: Tuyên truyền cho bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và thực hiện tốt 5 nội dung của cuộc vận động theo Đề án 05 của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, là cơ sở để xây dựng “Thôn, bản văn hóa”, “Gia đình văn hóa” trong đồng bào dân tộc. Trong phát triển kinh tế có ông Hồ Pheo, Cao Quý Nhèng, Đinh Minh Thân ở xã Dân Hóa; chị Hồ Thị Thanh ở xã Trọng Hóa, anh Trần Xuân Tư ở xã Thượng Hóa.

Bằng kinh nghiệm của mình, họ đã truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ bà con là người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nhờ vậy đời sống tinh thần và vật chất của quần chúng nhân dân nơi đây ngày càng được nâng cao, kinh tế đã đi vào ổn định, không còn tình trạng thiếu đói.

Công an huyện Minh Hóa luônbám địa bàn để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín.
Công an huyện Minh Hóa luôn bám địa bàn để nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín.

Nhận thấy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có tầm ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến đời sống của bà con, Công an huyện Minh Hóa, với vai trò cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của huyện, đã luôn tranh thủ động viên sự giúp đỡ, hợp tác của các già làng, trưởng bản trong công tác bảo đảm ANTT ngay tại bản làng.

Trong thời gian qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã hăng hái cung cấp rất nhiều tin có giá trị, giúp lực lượng Công an điều tra làm rõ 17 vụ/19 đối tượng phạm tội và 76 vụ/111 đối tượng vi phạm hành chính, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo TTATXH tại địa phương.

Điển hình như ông Cao Xuân Xiêm, ông Hồ Chăn ở xã Dân Hóa; ông Cao Tiến Thuỳnh ở xã Thượng Hóa; ông Cao Duy Ư ở xã Hóa Sơn;  ông Hồ Bun, Hồ Xinh ở xã Trọng Hóa.

Là một trong những già làng tiêu biểu tham dự cuộc gặp mặt, ông Trương Văn Bá, bản Phú Minh, xã Thượng Hóa chia sẻ: “Được tham dự cuộc gặp mặt này tôi vui lắm. Các già làng, trưởng bản ở các dân tộc khác nhau nhưng đều thể hiện tình cảm gắn bó, thân thương và nêu cao vai trò gương mẫu trong việc tuyên truyền, vận động con cháu, người thân và nhân dân trong cộng đồng nơi mình sinh sống chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các nội dung trong quy ước, hương ước của thôn bản góp phần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

Một thực tế cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số dọc tuyến biên giới có nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu, những năm trước đây nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hay kết hôn nhưng không đăng ký, con sinh ra không được đăng ký khai sinh kịp thời.

Từ tình hình trên, tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín như anh Hồ Đon, ông Hồ Nhâm ở xã Dân Hóa; các ông Hồ Xằn, Hồ Xoi, Hồ Pung ở xã Trọng Hóa; các ông Cao Ngọc Chuẩn, Cao Tiến Nhồng ở xã Hóa Sơn, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và lực lượng vũ trang huyện đã tích cực tiếp xúc, vận động bà con dân tộc xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trái thuần phong mỹ tục và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên những tình trạng như trên không còn xảy ra.

Thượng tá Lê Thanh Hòa, Phó Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, Minh Hóa là địa bàn có vị trí địa lý quan trọng về quốc phòng-an ninh, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài gần 89km.

Với trách nhiệm, sự hiểu biết cũng như khả năng thuyết phục nhân dân, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn huyện Minh Hóa đều phát huy tốt thế mạnh của mình để triển khai hiệu quả các mô hình công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, làm cho đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện và sự giác ngộ của nhân dân được nâng cao.

Vì vậy, quần chúng nhân dân luôn có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, không để kẻ địch và các phần tử xấu lôi kéo, móc nối và có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này góp phần rất lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Già làng, trưởng bản, người có uy tín là vốn quý trong công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở bởi chính độ tuổi, kinh nghiệm sống, uy tín trong cộng đồng và sự tâm huyết của họ. Với những đóng góp của mình, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trong thời gian tới.

N.O-V.H
 

,