.

BĐBP tỉnh: Ứng phó hiệu quả với thiên tai

.
08:09, Thứ Sáu, 31/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, tình hình thiên tai, tai nạn trên vùng biển Quảng Bình diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp, giải pháp để ứng phó hiệu quả với sự cố, thiên tai và làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn...

Thống kê từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, năm 2017, ngoài 4 trận lũ lụt, 22 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường, tỉnh ta còn phải hứng chịu 3 cơn bão, 1 đợt áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, công trình hạ tầng cơ sở, sản xuất và đời sống của nhân dân.

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên vùng biển tỉnh ta đã xảy ra 82 vụ tai nạn trên biển. Hậu quả làm 36 người chết, 11 người mất tích, 64 người bị thương, chìm và hư hỏng 361 phương tiện tàu thuyền. Nguyên nhân chủ yếu là do hỏng máy, đâm va trên biển, mắc cạn, cháy nổ, rơi xuống biển mất tích...

Bước vào mùa mưa bão năm 2018, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về quy định quy chế phối hợp với các cấp trong ứng phó với sự cố, thiên tai và TKCN.

BĐBP tỉnh giúp người dân huyện Quảng Trạch lợp lại nhà bị hư hỏng do bão.
BĐBP tỉnh giúp người dân huyện Quảng Trạch lợp lại nhà bị hư hỏng do bão.

BĐBP tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất của các đơn vị; chủ động rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, nhất là việc phối hợp xử lý các vụ việc cụ thể; làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN; kêu gọi, bắn pháo hiệu báo bão, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu an toàn tại bến khi có bão, áp thấp nhiệt đới; duy trì nghiêm túc lực lượng, phương tiện thường trực, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ...

Thượng tá Trịnh Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết: "Cùng với nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng biển, thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã tổ chức nhiều đợt phổ biến, tuyên truyền, thực hiện các nội dung quan trọng, như: Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Luật Biển Việt Nam 2012; pháp luật hàng hải; phương pháp quan sát, phát hiện và phòng tránh tàu thuyền nước ngoài truy đuổi, vây bắt; quy định về  bảo đảm an toàn, thông tin liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá; hướng dẫn an toàn, xử lý một số tình huống nguy cấp trên biển; cấp phát hàng ngàn áo phao, túi thuốc y tế cho bà con ngư dân...".

Chỉ tính riêng năm 2017, lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng kêu gọi 4.922 lượt tàu/38.634 lượt lao động vào bờ tránh trú, neo đậu an toàn tại các âu thuyền trên địa bàn tỉnh.

BĐBP còn tổ chức tiếp nhận, chăm sóc y tế cho 22 thuyền viên bị nạn trên biển; điều động 9 lượt tàu, xuồng/61 lượt CBCS tham gia tìm kiếm cứu nạn 60 thuyền viên và lai dắt 7 tàu vào bờ an toàn; huy động trên 100 lượt CBCS tại các đồn biên phòng phối hợp với các ngành và ngư dân cứu, kéo nhiều tàu bị mắc cạn tại cửa biển Nhật Lệ, cửa Gianh, cửa Roòn; góp phần bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngư dân cũng như các hoạt động vận tải trên biển được thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh những thành tích đạt được, theo đánh giá của BĐBP tỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN của một số địa phương, đơn vị thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, chưa phát huy tốt hệ thống thông tin 2 chiều giữa BĐBP với tàu thuyền hoạt động trên biển; việc chuyển giao thông tin PCTT-TKCN giữa các bên đôi khi còn chậm, đã dẫn đến công tác điều động phương tiện TKCN đạt hiệu quả chưa cao; công tác điều tra xác minh thông tin về phương tiện, người bị nạn còn chậm; trang bị, phương tiện bảo đảm  thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN của các đơn vị còn thiếu thốn, chưa đồng bộ, kéo theo khả năng hoàn thành nhiệm vụ chưa cao, nhất là đối với những vụ việc xảy ra ở khu vực biển xa...

Thượng tá Cao Xuân Phú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ tâm sự, trên thực tế công tác PCTT-TKCN gặp nhiều khó khăn do xuất phát từ nhiều nguyên nhân , như: việc phối hợp tuyên truyền về PCTT-TKCN của một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; nhiều ngư dân còn chủ quan, bị động; khi có tình huống xấu xảy ra, biện pháp xử lý còn chậm, lúng túng; nhiều tàu vận tải, phương tiện hành nghề của ngư dân trang bị hệ thống thông tin liên lạc còn thiếu, sơ sài; một số phương tiện tàu cá chưa đăng ký lắp đặt thiệt bị AIS; kỹ năng của một số thuyền trưởng, ngư dân còn hạn chế trong việc phát tín hiệu cấp cứu, thông tin về tai nạn thiếu kịp thời, nội dung chưa đầy đủ, thiếu chính xác, làm chậm quá trình triển khai phương án TKCN; khu vực neo đậu tàu thuyền nhiều nơi chưa thuận lợi cho việc ứng cứu tàu bị nạn; một số luồng lạch do bồi lắng khiến phương tiện lưu thông dễ bị mắc bị cạn; công suất tàu thuyền của các đơn vị BĐBP không đáp ứng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển khi sóng to, gió lớn (từ cấp 7, 8 trở lên)...

Dự báo tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2018 có thể   diễn biến bất thường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố trên biển. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch về điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải cho người, phương tiện, thông tin liên lạc trước khi rời bến; thường xuyên huấn luyện, diễn tập xử lý tình huống sát với tình hình thực tế; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; kết hợp chặt chẽ công tác phối hợp TKCN với bảo vệ chủ quyền vùng biển...

V.L-Đức Trí
 

,