.

Bảo vệ an ninh-quốc phòng tuyến biên giới gắn với phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Sáu, 18/09/2015, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Thượng Trạch (Bố Trạch) là địa bàn có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào. Trên địa bàn có đường 20 và cửa khẩu phụ Cà Roòng-Noọng Ma do các đồn Biên phòng Cà Roòng, Cồn Roàng và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng phụ trách. Trong những năm qua, công tác bảo vệ an ninh-quốc phòng tuyến biên giới được cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng chú trọng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xác định đây là một địa bàn xung yếu mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng chung của toàn huyện, trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật được huyện Bố Trạch đặc biệt chú trọng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn tuyến biên giới, chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện và xã Thượng Trạch phối hợp với các Đồn Biên phòng duy trì và thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền sâu rộng  các quy định, pháp luật có liên quan trong các tầng lớp nhân dân.

Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nắm được những vấn đề cơ bản trong thực hiện liên quan đến công tác bảo vệ an ninh biên giới, nhất là Luật Biên giới quốc gia.

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Đồn Biên phòng, các địa phương đã  xây dựng quy chế trong thực hiện phong trào tự quản; nội dung quy chế đã làm rõ phạm vi tự quản bao gồm: tự quản đường biên, cột mốc biên giới, tự quản về an ninh trật tự; đồng thời cũng đã xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp uỷ, chính quyền xã, trách nhiệm của trưởng, phó thôn, bản và các hộ gia đình trong tham gia phong trào tự quản.

Lực lượng vận động quần chúng, trinh sát của Đồn Biên phòng Cà Roòng và đội tăng cường công tác cơ sở của Ban CHQS huyện đã thường xuyên bám sát địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, hướng trọng điểm, các bản giáp biên với nước bạn Lào. Tổ chức bồi dưỡng, trao đổi cho trưởng bản, cán bộ chiến sỹ dân quân và nhân dân nắm vững địa lý lịch sử, các dấu hiệu trên thực địa của đường biên, vị trí các cột mốc biên giới; qua đó nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm của từng người dân.

Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác biên giới tại xã Thượng Trạch.
Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác biên giới tại xã Thượng Trạch.

Lực lượng dân quân và nhân dân đã tích cực tham gia các hoạt động cụ thể để giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc như: tuần tra kiểm soát biên giới, phát quang đường biên, cột mốc... nhằm kịp thời báo cho trưởng thôn, bản và các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm quy chế biên giới. Nhờ vậy, phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới” được đẩy mạnh, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững, hệ thống mốc quốc giới được bảo vệ nguyên trạng.

Bên cạnh đó, các Đồn Biên phòng trên địa bàn đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, quản lý tạm trú, tạm vắng trong khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ địa bàn, theo dõi giám sát hoạt động của các đối tượng, duy trì thực hiện nền nếp quy chế khu vực biên giới đất liền, quy chế cửa khẩu đất liền.

Tiếp tục triển khai rà soát người di cư tự do và kết hôn không giá thú theo thoả thuận giữa Chính phủ nước Việt Nam và Chính phủ Lào; Biên bản cuộc họp Đoàn đại biểu biên giới và Biên bản thực hiện thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa hai tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn...

Song song với công tác bảo vệ an ninh-quốc phòng, vấn đề phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới đất liền cũng được huyện Bố Trạch quan tâm phối hợp thực hiện. Trong những năm qua, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ có hiệu quả của các Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn, tình hình kinh tế-xã hội trên tuyến biên giới đất liền thuộc địa bàn huyện Bố Trạch đã đạt được những kết quả quan trọng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ từ điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác; cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi có chuyển biến tốt; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.

Cụ thể: trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh chuyển dịnh cơ cấu kinh tế, khuyến khích phát triển chăn nuôi, phát huy lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập hộ gia đình. Nhờ đó, từ chỗ chưa thể tự túc về lương thực, đến nay tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm trên địa bàn xã Thượng Trạch đạt 380 tấn; tổng đàn trâu bò bình quân hàng năm là 1.587 con; đàn lợn bình quân hàng năm 1.120 con...

Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư từ các chương trình 134, 135 của nhà nước và chương trình kiên cố hóa trường học, những năm qua tuyến biên giới đất liền trên địa bàn huyện Bố Trạch đã được đầu tư xây dựng hạ tầng như trường học, nhà công vụ giáo viên, trạm y tế, cứng hoá 2,5 km đường thôn bản, xóa nhiều nhà tạm... Cùng với đó, công tác giáo dục, y tế được quan tâm giúp đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Tuy nhiên, do địa hình phân bố rộng, trình độ dân trí còn thấp nên vấn đề bảo vệ an ninh-quốc phòng tuyến biên giới gắn với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn còn nhiều thách thức. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý biên giới, huyện cần chủ động phối hợp với lực lượng Biên phòng đóng trên địa bàn tiếp tục tuân thủ nghiêm chế độ tuần tra đơn phương và chủ động phối hợp với các đơn vị phía bạn Lào tuần tra song phương, giữ gìn đường biên, cột mốc; có biện pháp ngăn chặn việc khai thác lâm sản, đánh bắt động vật hoang dã trái phép; tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là buôn bán ma tuý qua biên giới.

Cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể xã Thượng Trạch cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống mới trong đồng bào, từng bước xoá bỏ những hủ tục, hạn chế thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, di dịch cư tự do và kết hôn không giá thú. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giúp dân phát triển sản xuất, duy trì đưa cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng về sinh hoạt tại các chi bộ ở bản, cùng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn...

Thanh Hải