.

Truyền thống Công an nhân dân Việt Nam 70 năm qua (19-8-1945 - 19-8-2015)

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:29 [GMT+7]

II. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành

(Tiếp theo)

1. Công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)

Chính quyền cách mạng non trẻ vừa được thành lập đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, vận mệnh của dân tộc như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, tiến hành bóc gỡ nhiều tổ chức phản động, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng.

Đặc biệt, ngày 12-7-1946, Nha Công an Trung ương đã khám phá vụ án phản cách mạng ở Số 7, phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội; phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân đồng loạt tấn công, bóc gỡ 40 trụ sở Quốc dân Đảng, bắt trên 100 tên phản động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CAND đã cùng quân và dân cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng Công an xung phong Hà Nội và Công an các địa phương đã tham gia tiến công, tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể, bảo vệ vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản quốc dân và tản cư nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự.

Trong vùng địch tạm chiếm, CAND đã xây dựng cơ sở nắm tình hình, tham gia diệt ác, phá tề, trừ gian, trấn áp bọn mật thám, phản động nguy hiểm, tổ chức nhiều trận đánh ngay trong lòng địch. Tổ Điệp báo A13 của Ty Điệp báo, Nha Công an Trung ương đã đưa người vào hàng ngũ địch, nắm được nhiều tin tức có ý nghĩa chiến lược phục vụ công tác đánh địch. Ngày 27-9-1950, tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, Tổ Điệp báo A13 đã sử dụng một khối lượng lớn thuốc nổ đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin (Thông báo hạm lớn nhất của Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ) diệt hơn 200 sỹ quan, thuỷ thủ và binh lính Pháp. Chiến công vang dội đó đánh dấu bước trưởng thành của CAND và sự thất bại thảm hại của các cơ quan tình báo, phản gián Pháp.

Trong vùng tự do và hậu phương căn cứ cách mạng, CAND đã bố trí lại lực lượng trinh sát, bảo vệ vũ trang và tổ chức Công an xã; đẩy mạnh phong trào “Ba không” ở Bắc Bộ, “Ngũ gia liên bảo” ở Nam Bộ, góp phần đấu tranh chống hoạt động do thám, gián điệp và bọn phản động tay sai; phối hợp với các lực lượng vũ trang bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, bảo vệ hậu phương và khu căn cứ kháng chiến. Ở các tỉnh Nam Bộ, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc phối hợp với các lực lượng vũ trang, dũng cảm chiến đấu cản bước tiến của quân Pháp.

Ngày 23-9-1945, Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ và Sóc Trăng đã bảo vệ chuyến tàu chở các chiến sỹ cách mạng từ Côn Đảo trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng. Ngày 12-11-1945, Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ bí mật tập kích vào sở chỉ huy của quân Pháp tại thị trấn Cái Răng, diệt 20 tên. Tháng 12-1945, lực lượng trinh sát Khánh Hoà đột nhập vào sân bay Nha Trang đốt cháy và phá hỏng 3 máy bay, tiêu hủy 5.000 lít xăng của địch.

Trên khắp các chiến trường, nhất là trong các chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông năm 1947, chiến dịch Biên Giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, lực lượng Công an đã phối hợp với lực lượng Quân báo tổ chức tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ bí mật quân sự, bảo vệ an toàn giao thông liên lạc và các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, bảo vệ an toàn lãnh tụ và các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến; phát động phong trào “Bảo mật, phòng gian”; phong trào “Ba không” trong nhân dân; tổ chức phá tề, trừ gian, bao vây kinh tế địch; bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích. Đáng chú ý, năm 1954, lực lượng Công an đã khống chế, sử dụng toán gián điệp ở Thái Nguyên để thu thập tin tức, tình hình của địch, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng với quá trình chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng CAND luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển lớn mạnh không ngừng. Ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL thống nhất các Sở Liêm phóng, Sở Cảnh sát trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ.

Ngày 13-3-1947,  Bộ Nội vụ ra Nghị định số 36-NĐ “Ủy quyền cho Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu thiết lập quận Công an trong phạm vi các tỉnh”. Ngày 16-5-1947, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất quyết định bỏ Sở Công an Bắc Bộ và Sở Công an Trung bộ, lập Công an các Khu. Ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Giám đốc Công an khu XII, trong thư Người đã dạy cán bộ, chiến sỹ Công an phải rèn luyện Tư cách người Công an cách mệnh, là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Ngày 10-10-1950, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 438/NV về việc thành lập Ban Công an xã. Ngày 12-5-1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW, quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam (trực thuộc Bộ Nội vụ). Ngày 3-1-1952, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 9-NĐ về việc thành lập Công an huyện.

Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 141-SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tại cuộc họp từ ngày 27-8 đến 29-8-1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam.

Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân; đấu tranh bài trừ lưu manh, trộm cướp, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an đã nêu cao khí phách kiên cường, dũng cảm, lập công xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên), Võ Thị Sáu (Công an quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Thị Lợi (Điệp báo Công an Hà Nội), Cao Kỳ Vân (Công an Bắc Giang), Trần Thành Ngọ (Công an Hải Phòng), Phan Khắc Trình, Trần Bình (Công an Hà Nội), Bửu Đoá (Công an Khánh Hoà), Nguyễn Xuân Thưởng (Công an Thừa Thiên- Huế)...

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Công an tỉnh

(Còn nữa)