.

Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ đang đạt nội dung thực chất

Thứ Sáu, 05/06/2015, 09:22 [GMT+7]

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: Sau tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ, quan hệ quốc phòng đang đạt được những nội dung về thực chất.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Ashton Carter tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội đàm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Ashton Carter tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội đàm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Bà Hằng cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại Giao ngày 4-6 tại Hà Nội: Tuyên bố này phù hợp với lợi ích của cả hai nước. Chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter cũng đã mở ra những nội dung hợp tác hết sức quan trọng nhằm đưa mối quan hệ giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới.

Nhận định thêm về Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Những nội dung mà hai quốc gia đã thống nhất không những giúp tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau mà còn chú trọng đến yếu tố không làm phương hại đến an ninh các nước khác.

Trước đó, ngày 1-6, Bản tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ đã chính thức được ký kết trên cơ sở Bản ghi nhớ được ký năm 2011.

Tuyên bố bao gồm 5 nội dung: tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.

Liên quan đến vấn đề nóng được dư luận quan tâm gần đây, về việc tàu cứu nạn Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc cản trở khi qua đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết: Phía Việt Nam hiện đang kiểm tra thông tin này.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa. Việc Việt Nam cử tàu cứu nạn ra vùng biển này là rất bình thường, hợp pháp, phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như quốc tế; đặc biệt phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trước đó, theo thông tin từ một số phương tiện truyền thông, tàu SAR 412 trên đường đi cứu nạn một ngư dân bị suy tim tại vùng biển Hoàng Sa, qua khu vực đảo Tri Tôn thì bị tàu hải quân Trung Quốc cản trở. Mặc dù vậy, tàu SAR 412 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa ngư dân gặp nạn vào bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, những thuyền viên trên tàu cho biết họ gặp phải sự cản trở của tàu hải quân mang số hiệu 841 của Trung Quốc cả lúc đi và về.

Trả lời về quan điểm của phía Việt Nam trước vụ chìm tàu trên sông Trường Giang đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc ngày 1-6 vừa qua, Phó phát ngôn viên Phạm Thu Hằng cho biết phía Việt Nam hết sức xúc động khi nhận được thông tin trên.

“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính Phủ, nhân dân Trung Quốc cũng như những người gặp nạn. Việt Nam cũng tin tưởng những nỗ lực của Chính Phủ Trung Quốc sẽ sớm hoàn thành việc tìm kiếm những người gặp nạn,” bà Hằng nhấn mạnh.

Theo Xuân Sơn (Vietnam+)