.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Lực lượng vũ trang Quảng Bình 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Thứ Hai, 15/12/2014, 10:09 [GMT+7]

1. Hội nghị Việt Minh tỉnh ngày 4-7-1945 và sự ra đời của lực lượng vũ trang  Quảng Bình

Ngày 4-7-1945, Hội nghị Việt Minh toàn tỉnh với sự tham gia của 30 cán bộ chủ chốt đã họp tại Trại sản xuất An Sinh (thuộc xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy). Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là quyết định tổ chức lực lượng tự vệ tập trung của tỉnh và các huyện, đồng thời triển khai thành lập một số chiến khu, khu căn cứ cách mạng huấn luyện quân sự, mua sắm, rèn đúc vũ khí trang bị cho lực lượng tự vệ.

Ngày 17-8-1945, Hội nghị Việt Minh họp tại Đồng Hới để nhận lệnh khởi nghĩa của Trung ương do đồng chí Tố Hữu trực tiếp truyền đạt. Hội nghị đã quyết định lấy ngày 23-8-1945 làm ngày khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh và giao cho lực lượng vũ trang với các đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, từ những tổ, đội tự vệ đầu tiên được ra đời tập trung huấn luyện tại căn cứ Võ Xá (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), lực lượng vũ trang Quảng Bình đã nhanh chóng trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những ngày tháng đầu tiên trực tiếp bảo vệ chính quyền non trẻ ở địa phương, đồng thời cùng toàn dân tích cực chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp.

Với ý nghĩa trọng đại của Hội nghị lịch sử đó, thể theo nguyện vọng và đề nghị của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Bình, ngày 21-6-1998, Tư lệnh Quân khu 4 đã ký Quyết định số 286/QĐ-TL công nhận ngày 4-7-1945 là Ngày thành lập Lực lượng vũ trang Quảng Bình.

2. Lực lượng vũ trang Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Ngày 27-3-1947, khi thực dân Pháp tiến công cửa biển Nhật Lệ, cũng ngày hôm đó, một bộ phận lực lượng vũ trang tỉnh do đồng chí Lê Thanh Đồng chỉ huy đã đánh trận đầu tiên ngăn chặn bước tiến quân thù, mở màn cuộc kháng chiến gian lao và anh dũng, các lực lượng vũ trang Quảng Bình đã trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc, lập nên những chiến công vang dội.

Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.  Ảnh: Hoàng Cuối
Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Hoàng Cuối

Đó là chiến thắng Tiên Lương (10-8-1948), tiêu diệt 14 lính Pháp, diệt Phó tỉnh trưởng và Phủ trưởng Quảng Trạch; Chiến thắng Xuân Bồ (20-5-1950), "500 giặc Pháp không mồ vùi thây"; Chiến thắng La Hà, Phù Trịch (tháng 2-1950) máu giặc thù, nhuộm đỏ nước sông Gianh; chiến thắng Sen Bàng khai thông tuyến giao liên, nối chiến khu với vùng địch hậu; Chiến thắng Ba Đồn (tháng 5-1952) đập tan tuyến "phòng thủ phía Bắc, giải phóng huyện Quảng Trạch"... Đó là những chiến tích lớn được ghi vào lịch sử dân tộc như chiến dịch Lê Lai (12-1949 - 1-1950), chiến dịch Phan Đình Phùng (15-6-1950). Đó là những làng chiến đấu Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hưng Đạo, Hiển Lộc nổi tiếng ở cả 3 vùng kháng chiến, vùng địch hậu và vùng tạm chiếm.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân trong tỉnh đã đánh 6.140 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và bắt sống 9.957 tên địch; vận động 9 cuộc binh biến, kêu gọi 3.619 sỹ quan và binh lính địch trở về với nhân dân; thu 730 súng các loại và 8 máy vô tuyến điện, phá hủy 118 xe quân sự và 3 ca nô, bắn bị thương 1 máy bay của địch. 3 liệt sỹ: Lâm Úy, Cao Thế Chiến và Trương Văn Ly được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. Hàng chục đơn vị, địa phương và hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ, nhân dân được tặng huân, huy chương các loại.

3. Lực lượng vũ trang Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Những năm chống Mỹ cứu nước, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình trở thành hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn. Nhớ lời Bác Hồ dạy khi Người vào thăm Quảng Bình: “Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì, Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải bảo đảm đánh thắng chúng trước hết...”, lực lượng vũ trang Quảng Bình tiếp tục được củng cố, xây dựng. Ngoài lực lượng bộ đội chủ lực đóng trên địa bàn, các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh, của huyện (thị xã), lực lượng dân quân tự vệ các cơ sở được tổ chức biên chế chặt chẽ, quân số lên tới gần 15 vạn, được học tập chính trị, huấn luyện quân sự chu đáo và thực sự trở thành lực lượng xung kích trong lao động sản xuất, đủ sức làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, sử dụng không quân đánh phá miền Bắc, Quảng Bình trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của chúng. Lực lượng vũ trang Quảng Bình được chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Từ 5-8-1964 - 1-1973, một lần nữa chiến tranh nổ ra suốt 9 năm trời trên đất Quảng Bình. Máy bay Mỹ đánh phá ban đêm, ta đánh đêm; đánh phá ngày, ta đánh ngày; lưới lửa tầm thấp, tầm cao sẵn sàng tiêu diệt máy bay địch. Trên không, trên biển, trên đất liền, giặc trời, giặc biển hay gián điệp biệt kích, ở đâu có kẻ thù là ở đó có tiếng súng tiêu diệt địch lập chiến công của lực lượng vũ trang.

Kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các lực lượng vũ trang Quảng Bình đã bắn rơi 704 máy bay Mỹ, bắt sống hàng chục giặc lái; bắn chìm và bắn cháy 86 tàu chiến; vây bắt 41 vụ gián điệp biệt kích, tiêu diệt và bắt sống 119 tên.

Không chỉ đánh giặc bảo vệ quê hương, lực lượng vũ trang Quảng Bình còn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Các tiểu đoàn 45, 46, 49, Đại đội trinh sát đặc công, Tiểu đoàn Nhật Lệ đã vượt sông Bến Hải, vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Trị Thiên (B5), chiến trường Trung Lào, tổ chức chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt, bắt sống 7.265 tên Mỹ - Ngụy, bắn rơi phá hủy 83 máy bay, xe tăng, xe bọc thép. Các đơn vị thanh niên xung phong, dân quân tự vệ bám trụ vững chắc, kiên cường kịp thời mở luồng thông tuyến, chuyển hàng chục vạn tấn hàng ra tiền tuyến.

Trên các tuyến đường, trên các trọng điểm với quyết tâm "xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc xương". Giao thông vận tải đã trở thành một mặt trận đầy gian nan thử thách. Từ chiến dịch VT5 - vận chuyển hàng theo đường biển vào Nam của quân và dân Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới đến chiến dịch Hòn La, đưa hàng ngàn tấn gạo vượt từ trường, thủy lôi, pháo kích, bom tọa độ từ Hòn La vào đất liền đã làm bè bạn khâm phục, kẻ thù kinh ngạc.

Tên tuổi những đại đội gái pháo binh Ngư Thủy, khẩu đội gái Võ Ninh, Lộc Ninh, trung đội lão dân quân Đức Ninh, rồi quân dân Thanh Trạch, Quảng Phúc, Cảnh Dương, Quảng Đông, Tiến Hóa... và biết bao gương mặt tiêu biểu khác trên mảnh đất Quảng Bình “Hai giỏi” vẫn sống mãi với thời gian như một sự minh chứng hùng hồn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện đầy hy sinh gian khổ mà chói ngời biết bao chiến công vẻ vang oanh liệt.

Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc đó, ngày 30-10-1978, lực lượng vũ trang Quảng Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Từ năm 1967-2014, có 167 địa phương, 38 cá nhân được tuyên dương danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", 473 bà mẹ được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; trên 46 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đặc biệt từ năm 1964-1969, quân dân Quảng Bình 7 lần được Hồ Chủ tịch gửi thư khen, 10 đơn vị vinh dự được Người tặng cờ "Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược".

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn nữa)