Lửa từ… "lòng đất"
(QBĐT) - Thị xã Đồng Hới những ngày sau thời điểm ngày 4/4/1965 chìm đắm trong nỗi đau thương khi một thị xã đẹp tươi, êm đềm bên dòng Nhật Lệ phút chốc bị hủy diệt bởi bom đạn của giặc Mỹ. Ngay sau đó, theo chủ trương, người dân thị xã được sơ tán lên Đồng Sơn, nhưng những người ở lại vẫn tiếp tục bám trụ, chiến đấu, giữ đất, giữ làng, giữ biển trời. Và ngay ở phường Hải Thành, vẫn còn đó vẹn nguyên ký ức về những giao thông hào, những hầm chiến lược và cả một lò rèn đỏ lửa, minh chứng cho lòng quả cảm, sức sáng tạo của thế hệ đi trước.
Gặp lại cựu chiến binh Trần Thanh Hồng (SN 1942), ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) trong những ngày tháng 4, nhắc về ký ức xưa, ông vẫn giữ sự nhiệt huyết, sục sôi của thời làm dân quân bám làng, bám biển. Ông kể, giai đoạn năm 1964-1965, ông vừa làm công nhân Xí nghiệp cơ khí 3/2 Quảng Bình, vừa tham gia dân quân của xí nghiệp, vừa phối hợp với dân quân thôn Đồng Thành, phường Hải Thành tuần tra bảo vệ dọc bờ biển. Tháng 3/1965, ông tái ngũ làm lái xe thuộc biên chế Tỉnh đội.
Ông chính là nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia trận đánh trả bọn biệt kích Mỹ ngụy lần đầu tiên xâm nhập bằng đường biển của dân quân Đồng Thành, ngày 30/6/1964. Giai đoạn đó, ông có biết đến nhà hầm tổng đài chỉ huy sâu trong lòng đất có sức chứa 100 người tại thôn Đồng Thành. Căn hầm là nơi hội họp sinh hoạt an toàn, tránh được pháo tàu, bom bi, bom sát thương. Ông xúc động nhớ lại, em gái ông, liệt sỹ Trần Thị Nồng, là người yêu của Anh hùng liệt sỹ Trương Pháp, đã hy sinh ngay ở khu vực hầm chỉ huy này.
![]() |
Ông Hoàng Hoa Tương (SN 1944), ở phường Hải Thành, nguyên giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ, thời điểm đó là dân quân thuộc trung đội dân quân Đồng Thành. Ông nhớ lại, chủ trương của Thị ủy, Thị đội là phải kiên quyết bám trụ, “một tấc không đi, một ly không rời”, do đó sau khi giải quyết cho nhân dân đi sơ tán, Chi ủy Chi bộ Đồng Thành tiếp tục lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân, củng cố hầm hào chắc chắn để duy trì lâu dài. Trong đó, khu vực tiểu khu 10 thôn Đồng Thành được xác định là địa bàn trọng điểm xung yếu và quan trọng của thị xã Đồng Hới. Chi bộ vận động các gia đình đảng viên, hộ dân tự nguyện dỡ nhà lấy gỗ, ván làm hầm. Ngoài hầm chỉ huy rộng lớn, còn có hệ thống hào nối các hầm và nối ra tận sát bờ biển.
“Đồng Thành thời điểm bấy giờ dọc ngang là hệ thống hầm hào, công sự, minh chứng cho sự gan dạ, dũng cảm, sáng tạo, bám trụ để bảo vệ quê hương của những người con vùng biển. Và một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi chính là sự xuất hiện của tổ rèn do ông Hoàng Văn Minh làm tổ trưởng với sự ra đời của hàng nghìn chông sắt, xẻng, lưỡi câu… nhằm đối phó và cản bước tiến bằng bộ binh của Mỹ ngụy có thể đổ bộ”, ông Hoàng Hoa Tương nhớ lại.
Và chúng tôi đã may mắn tìm gặp được người tổ trưởng của tổ rèn năm đó, ông Hoàng Văn Minh hiện sống ở phường Hải Thành cùng vợ mình-bà Hoàng Thị Cải, nữ dân quân năm xưa cùng đồng đội bắn rơi một máy bay Mỹ vào ngày 28/11/1967. Chàng thanh niên 17 tuổi năm xưa “dám” đảm đương trách nhiệm tổ trưởng tổ rèn nay đã bước sang tuổi 78, nhưng ký ức về ngày tháng lịch sử đó vẫn không thể nào quên.
![]() |
Ông kể, 17 tuổi, ông tham gia trung đội dân quân Đồng Thành. Trung đội lúc bấy giờ được chia làm các tuyến thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Lực lượng trẻ nòng cốt tham gia tuần tra, cảnh giới, phối hợp với lực lượng Công an vũ trang Nhật Lệ, dân quân Đồng Phú và Quang Phú, đồng thời sản xuất, đào hầm hào công sự, diễn tập và giúp dân làm hầm trú ẩn. Một tuyến trực tiếp tham gia lao động sản xuất, biên chế trên các đội thuyền có vũ trang “tay chèo, tay súng”, gặp địch đánh địch, gặp cá đánh cá, quyết không rời biển khơi. Một tuyến làm nhiệm vụ vận tải bằng thuyền chuyên chở lương thực, vũ khí, hàng hóa.
Thời điểm đó cần rất nhiều xẻng để đào công sự, anh em hậu cần lại thiếu xoong, nồi… Lúc bấy giờ, từ một máy bay rơi ngoài biển, anh em đưa vào 1 thùng tiếp nhiên liệu bằng sắt khá lớn. Ông liền đề xuất sử dụng thùng này để chế tạo đinh, xẻng. Được sự đồng ý của cấp trên, ông mạnh dạn đề xuất xây dựng tổ rèn, do ông làm tổ trưởng, cùng 5 đồng chí khác. Địa điểm lò rèn đặt ngay cạnh hầm chỉ huy.
Cuốn “Lịch sử Đảng bộ phường Hải Thành, giai đoạn 1930-2005” ghi lại về giai đoạn lịch sử này: “Hàng chục ngàn viên bờ lô được dân quân huy động làm hầm hào đi lại tránh được rủi ro khi bị phi pháo, từ tàu chiến bắn vào và róc-két, hỏa tiễn các loại bom do máy bay ném. Mặt khác, lực lượng dân quân tổ chức xây dựng hệ thống phòng thủ với 170 hầm trú ẩn, 8km giao thông hào, dùng thuyền chở hàng trăm mét khối đất sét ở Phú Hải về đắp công sự phòng tuyến bắn máy bay địch bằng súng bộ binh tầm thấp ở khu vực đồi 26, cột đèn hải đăng và cửa biển Nhật Lệ...”. |
Nhiệm vụ đầu tiên là phải làm đủ 30 chiếc xẻng cho anh em trung đội, ông nhớ lại, ông chưa bao giờ rèn xẻng nên suy nghĩ trằn trọc phải làm được xẻng đủ công năng, nhưng phải nhẹ, dễ sử dụng. Thùng sắt nhiên liệu được đập phẳng, ông lấy chiếc xẻng làm mẫu rồi cắt ra theo mẫu sẵn. Phần gò đã có một đồng chí từ Xí nghiệp cơ khí 3/2 hỗ trợ, vừa làm vừa hướng dẫn cho tổ viên của tổ rèn cách làm. Chiếc xẻng đầu tiên ra đời trong sự vui mừng của toàn tổ rèn.
Cứ thế, ông và đồng đội làm thêm xẻng, rồi chuyển sang làm xoong, chảo… và nhất là chông sắt. Khoảng 10 chông được đặt trên tấm gỗ tầm 30×50cm, mũi chông đập bẹp, chặt nhọn và có ngạnh sắc. Hàng nghìn chông sắt, lưỡi câu được tổ rèn làm ra trong giai đoạn này...
Sau này, người cựu chiến binh Hoàng Văn Minh còn tham gia “Chiến dịch Hòn La”-một trong những chiến dịch vận tải lớn nhất trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà Trung ương giao cho Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đảm nhận. Nhưng ký ức về một lò rèn đỏ lửa trong lòng thị xã hoang tàn, đổ nát năm nào vẫn được lưu dấu mãi. Ngọn lửa lò rèn đỏ rực khi đó như thêm nung nấu ý chí sắt đá của những người con làng biển nói riêng, toàn thị xã nói chung về niềm tin kiên quyết bám trụ sản xuất-chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đã tròn 60 năm kể từ khi lửa lò rèn rực sáng và thế hệ sau sẽ mãi không quên một thời oanh liệt đó của cha ông.
Mai Nhân