Chuyện một người anh hùng
(QBĐT) - 85 tuổi đời, gần 60 năm “nhìn đời” bằng đôi mắt giả, nhưng trái tim người lính Cụ Hồ vẫn luôn ấm áp để làm điểm tựa giữa đời thường. Những câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang, cũng là một người lính viết về ông “Người mắt lành/Tựa vào người hỏng mắt trong chiến tranh/Để khỏi lạc lối/Thời bình…”, là điều chúng tôi cảm nhận được từ ông, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Lê Hữu Trạc (SN 1940), ở xã Xuân Ninh (Quảng Ninh).
1.000 ngày giữ đảo
Như những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi cùng thế hệ, năm 1962, chàng thanh niên Lê Hữu Trạc nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341 đóng quân ở Vĩnh Linh, Quảng Trị với nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến.
Năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, đảo Cồn Cỏ, được mệnh danh là “mắt thần” của miền Bắc trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Để bảo vệ “mắt thần”, Đại đội Lê Hồng Phong được lệnh cử một trung đội ra Cồn Cỏ.
“Lúc này, hàng ngày các tàu khu trục, tàu tuần dương bao vây đảo và trên đầu là máy bay quần thảo, nhiệm vụ rất gian khổ và hiểm nguy nhưng ai cũng mong được ra Cồn Cỏ. Để “cạnh tranh” cùng các đơn vị khác, tôi là Trung đội phó, Bí thư chi bộ đã họp tổ Đảng và trình bày sáng kiến cạo trọc đầu để tiết kiệm tối đa nước ngọt gội đầu khi ra đảo. Với lòng quyết tâm và sáng kiến đó, trung đội “cạo trọc” của chúng tôi đã được chỉ huy Đại đội Lê Hồng Phong lựa chọn ra giữ đảo Cồn Cỏ”, ông Trạc nhớ lại.
![]() |
Và đêm mùa hè tháng 7/1965, giữa muôn trùng sóng gió và sự bao vây của máy bay, tàu chiến địch, Trung đội 3 vượt 17 hải lý và đặt chân lên đảo tiền tiêu. Gần 1.000 ngày giữ đảo, ông không thể nhớ hết có bao nhiêu trận bom, bao nhiêu cuộc chiến. Dưới mưa bom bão đạn, hòn đảo có khi không còn một bóng cây, mặt đất bị cày đi xới lại. Vừa chiến đấu, ông và đồng đội vừa đào công sự, hầm hào. Có những thời điểm ác liệt, tiếp tế nhu yếu phẩm từ đất liền gián đoạn, họ phải sống cầm hơi, chặt chuối rừng vắt nước uống. Người lính này hy sinh, người lính khác xông lên thay thế. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống và thân xác mãi nằm lại trên đảo.
Ông Lê Hữu Trạc có 3 lần được công nhận danh hiệu “Dũng sĩ”. Với những cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 621/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho thương binh hạng 1/4 Lê Hữu Trạc. Ông là Chủ tịch Hội Người mù đầu tiên của tỉnh. Với tấm lòng của người lính, luôn đồng cam cộng khổ, là điểm tựa tin cậy của nhiều người mù, ông đã được Hội Người mù Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù”. |
“Sau này, tôi nghe lịch sử thống kê lại từ năm 1964-1968, có trên 1,3 vạn quả bom và hàng vạn quả rốc két ném xuống Cồn Cỏ; 172 lần tàu chiến bắn trên 4 nghìn quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ hứng chịu gần 40 tấn bom đạn và mỗi ha đất là 22,6 tấn. Còn lúc đó, chúng tôi chỉ biết ngày nào cũng bom rơi đạn nổ. Cồn Cỏ vô cùng ác liệt, nhưng phía sau chúng tôi có cán bộ, nhân dân Vĩnh Linh anh hùng, tình nghĩa sẵn sàng xung phong tiếp tế cho đảo. Tôi nhớ cụ Thục, tuổi ngoài 60, là “chuyên gia” theo dõi thời tiết. Mọi chuyến tiếp tế ra đảo hay đưa thương binh vào đất liền nhờ cụ mà “thuận buồm xuôi gió”, Cồn Cỏ nhờ đó mà vững vàng đến ngày chiến thắng!”, ông Trạc bồi hồi kể lại.
Mùa xuân năm 1968, ông được điều động vào đất liền, chỉ huy Đại đội Lê Hồng Phong với mục tiêu chặn đứng đường tiếp viện của địch lên chiến trường Khe Sanh. Đánh chặn tàu địch ở Cửa Việt, đánh sập cầu Bến Ngự, tiêu diệt đại đội thủy quân lục chiến, bắt sống trung úy Mỹ…, những sự kiện vang dội được ông kể lại một cách giản dị. Tháng 8/1968, khi là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu 4, trong một chuyến trinh sát trận địa ở phía Tây Vĩnh Linh để chống địch đổ bộ bằng đường không, ông bị vướng bom nổ chậm, chiến sĩ liên lạc đi cùng hy sinh tại chỗ còn ông bị hất tung và vỡ nhãn cầu cả 2 mắt...
![]() |
Điểm tựa giữa đời thường
Thương tích quá nặng, dũng sĩ Lê Hữu Trạc được đưa ra tuyến sau điều trị. 2 mắt bị hỏng, ông phải lắp mắt giả. Vĩnh viễn không thể trở lại chỉ huy chiến trường khi chỉ vừa 28 tuổi, nỗi buồn canh cánh trong lòng ông. Nhưng may mắn trong những ngày ở Trại an dưỡng Ba Vì, ông gặp cô gái quê Hà Tây Kim Thị Mão, vì cảm phục và yêu quý chàng trai Quảng Bình anh hùng, chất phác nên đã nhận lời yêu và làm vợ người thương binh “tàn nhưng không phế”. Năm 1972, cô gái Hà Tây dắt ông trở lại quê nhà Xuân Ninh và sống cuộc đời bình dị.
Phần lớn hồi ức của cựu binh Lê Hữu Trạc là về đồng đội. Đó là những câu chuyện về Đảo trưởng Trần Văn Thà, thủ trưởng của hàng chục người lính được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; là anh hùng Thái Văn A, Trần Văn Mật, là Đỗ Như Đệ, người liên lạc đã hy sinh trong chuyến trinh sát cùng ông… “Danh hiệu anh hùng của tôi được tô thắm bằng máu của đồng đội”, ông chia sẻ.
Tri ân và nhớ thương đồng đội, tự hào về quá khứ, tin tưởng ở tương lai, ông tỏa ra thứ năng lượng ấm áp, thiện lương và chân thành. Nghe ông kể chuyện, nỗi xúc động, tự hào về quá khứ của quê hương, của các thế hệ cha anh, cứ trào lên… Cuộc đời bi tráng và giản dị của Anh hùng LLVTND Lê Hữu Trạc và những đồng đội của ông, như câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang, chính là điểm tựa cho thế hệ hậu sinh không bị lạc lối giữa những cám dỗ đời thường.
Ngọc Mai