Chứng tích Đèo Đá Đẽo
(QBĐT) - Đèo Đá Đẽo, giáp ranh giữa huyện Bố Trạch và Minh Hóa là một trong những “tử huyệt” trên hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Với địa hình hiểm trở, nơi đây là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay, hạm đội Mỹ nhưng cũng là nơi thể hiện ý chí sắt đá của đồng bào, chiến sĩ, nhất là lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) với tinh thần “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”...
Ngày hòa bình đã trọn vẹn nửa thế kỷ, nhưng với các cựu TNXP, những ký ức thời gian khổ, khó khăn và cả hy sinh vẫn chưa bao giờ quên. Họ là những mảnh ghép của một thời hoa lửa, một thời hào hùng của dân tộc…
Toạ độ máu và hoa
Đèo Đá Đẽo-cái tên đã gợi lên sự khó khăn, hiểm trở. Đoạn đường đèo ấy dài khoảng hơn 15km, xuyên qua những dãy núi trùng điệp là “bức tường” địa giới tự nhiên của hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa. Có chuyện vui kể lại rằng, khi thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Đá Đẽo, người ta phải dùng các thiết bị máy móc hiện đại để đào, gọt từng phiến đá sắc cứng như thép từng chút, từng chút. Nhưng đến hôm sau thì những phiến đá núi ấy lại trồi lên như cũ. Nhiều người nói vui là “đá đèo nảy mầm”. Chuyện vui nhưng để nói lên sự gian truân khi mở đường qua đèo Đá Đẽo. Ấy vậy mà, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm, hàng nghìn con người dưới mưa bom bão đạn vẫn kiên trì khoét núi mở đường cho xe vận tải chở hàng hóa, vũ khí vào miền Nam.
Nhiều cựu TNXP kể lại, khi các đơn vị nhận lệnh mở đường xuyên qua đèo Đá Đẽo cực kỳ vất vả bởi những thớ đá núi cực kỳ sắc cạnh, rắn chắc trong khi việc mở đường chủ yếu bằng thủ công. Mồ hôi, nước mắt và cả máu của bộ đội, của TNXP, của dân công hỏa tuyến đã thấm vào từng thớ đá núi để rộng đường cho xe qua.
![]() |
Mở được đường nhưng giữ đường luôn thông suốt mới là nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn nhất. Với địa hình hiểm trở, một bên vách núi dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm, đèo Đá Đẽo được xem là một trong những “tử huyệt” trên hệ thống đường Trường Sơn. Giai đoạn 1965-1972, tọa độ này hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn từ máy bay và cả pháo từ tàu chiến ngoài biển bắn vào.
Những năm chiến tranh, đơn vị của bà Đinh Thị Hiền (SN 1948) ở xã Trung Hóa (Minh Hóa) được giao nhiệm vụ “giữ” trục đường đoạn qua đèo Đá Đẽo. Bà Hiền về nhận nhiệm vụ từ đầu những năm 1967, đây là giai đoạn máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Gần như liên tục mỗi ngày, máy bay quần thảo, rải bom vào khu vực đèo nhằm cắt đứt nguồn hậu cần của quân ta vào Nam. Bà kể, có những thời điểm, máy bay địch thả pháo sáng, đánh phá suốt đêm. Bà cùng đồng đội phải thức trắng, cứ hết tiếng bom lại lao lên khỏi hầm, người khuân đá mở đường, người dò bom nổ chậm, người làm “cọc tiêu sống” hướng dẫn xe qua đèo.
Dưới mưa bom, bão đạn nhưng suốt nhiều năm trời, hàng nghìn bộ đội, TNXP luân phiên nhau túc trực bám đường, bám đèo với quyết tâm “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm…”.
“Có những trận mất hẳn thính giác nhiều ngày mới hồi phục do sức ép của bom nổ. Còn có những hôm trời sáng, xong nhiệm vụ về lại đơn vị nhưng người cứ bần thần vì nhận tin có đồng đội hy sinh, hay bị thương phải chuyển về tuyến sau điều trị. Nhưng rồi, hết tiếng bom nổ lại lao lên mặt đường…”, giọng của cựu TNXP Đinh Thị Hiền như nghẹn lại.
Vọng mãi chiến tích hào hùng
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa (Minh Hóa), bà Đinh Thị Thu Hiệp (SN 1946) không giấu được xúc động khi nhớ về những năm tháng thanh xuân gian khổ mà không kém phần hào hùng. Ở ngưỡng 80, cái tuổi gần đất xa trời, những câu chuyện về cuộc đời dần phai nhạt theo thời gian nhưng với bà Hiệp, quãng thời gian làm TNXP phục vụ mở đường, giữ tuyến trên đường Trường Sơn thì không thể nào quên.
![]() |
Bởi, có lẽ ở đó có những ký ức oanh liệt cùng đồng đội. Vóc người nhỏ nhắn, nhưng nhiều người sẽ không ngờ người TNXP năm ấy từng là “cọc tiêu sống” biết bao lần bị bom vùi trên đèo Đá Đẽo. Năm 1972, bà Hiệp được phong tặng Anh hùng Lao động vì những cống hiến quên mình, góp phần xây dựng đường Trường Sơn huyền thoại.
Bà Hiệp kể: Năm 1965, bà viết đơn tình nguyện tham gia TNXP và sau đó được phân công về làm nhiệm vụ ở đèo Đá Đẽo. Bà cùng đồng đội là những người đầu tiên bổ nhát cuốc mở rộng cung đường trên đèo. Và những năm sau đó, khi chiến tranh leo thang, bà cùng đồng đội ngày đêm bám đường, bám đèo gỡ từng quả bom, vác từng thùng đạn, kiện hàng dưới mưa bom về nơi tập kết. Bà Hiệp cũng là người sáng tạo ra cách tạ đá, nhồi mìn… để tăng năng suất khi vận chuyển đá lấp hố bom hay gỡ bom nổ chậm. Cuối những năm 1967, khi mái phía Tây đèo Đá Đẽo bị dính bom nổ chậm trúng tim đường. Nhiều bộ đội, TNXP đã hy sinh khi tiếp cận. Sau đó, một mình bà cầm theo ống mìn vào trận địa kích nổ bom. Những sáng kiến của bà sau đó được truyền đạt lại cho đồng đội và các đơn vị trên cung đường khiến thương vong giảm hẳn.
Năm 2013, đèo Đá Đẽo được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và là một trong 37 di tích của nhóm di tích lịch sử đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. |
Những năm ác liệt ấy, bà Hiệp cùng nhiều đồng đội cũng đã biến mình thành “cọc tiêu sống”, dẫn dắt hàng nghìn lượt xe vượt qua các bãi bom, trận mìn hai bên chân đèo Đá Đẽo để về nơi tập kết an toàn. Sau ngày hòa bình, bà Hiệp về lại quê hương mới lập gia đình nhưng di chứng sức ép của bom nổ đã làm điếc hẳn một bên tai. Nhưng với bà Hiệp, được hưởng cuộc sống hòa bình là đã may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Trên cung đường đèo ấy, mỗi vách đá, mỗi hố bom đều thấm mồ hôi và máu của bà và các đồng đội.
Bà Hiệp tâm sự, những đồng đội trên đèo Đá Đẽo ngày ấy, có những người mãi mãi ở lại với tuổi thanh xuân, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Nhưng biết thế nào được, bởi phía trước là miền Nam ruột thịt, là Tổ quốc trong tim. Nhiệm vụ của TNXP là thông đường, để những đoàn xe chạy suốt, người này ngã xuống, người khác đứng chân vào…
Ngày nay, cung đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Đá Đẽo đã được mở rộng, những đoạn cua “tay áo” vẫn đủ cho 2 làn xe tránh nhau và dễ di chuyển hơn vì thông thoáng, ít xe cộ qua lại. Trên đỉnh đèo, dòng chữ được khắc trên bia Di tích lịch sử quốc gia đèo Đá Đẽo: “Trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ 1965 đến 1972” như chứng tích của một thời đạn bom, một thời hào hùng của dân tộc vẫn mãi vọng về...
Xuân Phú