"Đánh thức" những dòng sông-Bài 2: Du lịch đường sông Quảng Bình: Bao giờ vươn ra "biển lớn"?
(QBĐT) - Trên hành trình khám phá dòng Mê Kông, chúng tôi bắt gặp ánh nhìn trăn trở của. người con quê hương Quảng Bình-nhà báo Lương Bích Ngọc, cố vấn Tổng Biên tập báo VietNamNet. Đã từng đi qua nhiều dòng sông trên thế giới, trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên sông, chị luôn mang theo trăn trở về những dòng sông quê nhà: Đẹp, giàu tiềm năng nhưng đến bao giờ du lịch đường sông Quảng Bình mới thực sự vươn ra “biển lớn”?
>>> "Đánh thức" những dòng sông-Bài 1: Trên dòng Mê Kông
Không thiếu tiềm năng
Năm 2019, sản phẩm du lịch tham quan quần thể danh lam thắng cảnh và các làng nghề truyền thống trên tuyến sông Chày-sông Son của Công ty TNHH Oxalis Holiday (thuộc Công ty TNHH MTV Oxalis) được đưa vào khai thác. Trải nghiệm sản phẩm này, du khách sẽ được đi thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông Son, sông Chày (Bố Trạch), rồi tham quan mô hình đan lát mây tre, mô hình làm bánh đúc, bánh xèo, các công trình nhà thờ trên địa bàn và cảm nhận cuộc sống bình yên của người dân hai bên bờ sông. Đây được coi là một trong những sản phẩm du lịch đường sông tiên phong tại Quảng Bình, vừa gắn với việc khai thác vẻ đẹp của các dòng sông, vừa góp phần gìn giữ giá trị văn hóa địa phương.
Cũng trên dòng sông Son, việc khai thác sản phẩm tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn cũng kéo theo sự phát triển hoạt động của các đội thuyền du lịch. Du khách trước khi khám phá hai hang động này sẽ được đi thuyền trên sông, ngắm nhìn cuộc sống của người dân đôi bờ sông và chiêm ngưỡng trời mây, sông nước tuyệt đẹp nơi vùng đất di sản.
Trên dòng sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới), Công ty TNHH Nhật Lệ Travel cũng đã khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan các danh thắng, di tích lịch sử. Mới lạ, độc đáo, sản phẩm này cũng thu hút sự quan tâm của du khách tuy nhiên số lượng khách trải nghiệm vẫn chưa được như kỳ vọng.
Quảng Bình có hệ thống sông ngòi đa dạng, trong đó, có các con sông lớn và mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử như sông Gianh, Nhật Lệ, Kiến Giang, sông Son… Hệ thống sông này sẽ mang đến nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch đường sông, như phát triển sản phẩm du thuyền nghỉ dưỡng cao cấp trên sông Nhật Lệ đáp ứng nhu cầu của du khách muốn trải nghiệm cảm giác thư giãn giữa dòng sông, kết hợp với khám phá cảnh quan và ẩm thực địa phương. Các con sông cũng có thể trở thành cầu nối để du khách tiếp cận với các làng nghề truyền thống, vừa tăng thêm trải nghiệm cho du khách, vừa giúp bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa. Ngoài ra, các tour khám phá rừng nguyên sinh dọc theo sông Gianh hay các tuyến du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên có thể trở thành sản phẩm thu hút du khách yêu thích du lịch mạo hiểm và bảo vệ môi trường.
Xây dựng câu chuyện du lịch
Trở lại câu chuyện của du thuyền La Marguerite, Focus Travel lấy tên của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras, người nổi tiếng với tác phẩm văn học giàu cảm xúc và chất thơ “Người tình” (L’Amant)-đặt cho du thuyền trên sông Mê Kông như là cách để tôn vinh di sản của Marguerite Duras. Ý tưởng ấy cũng gợi lên hình ảnh về một hành trình du lịch đầy hoài niệm và cảm xúc, khám phá các vùng đất Đông Dương xưa, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Mê Kông-nơi mà tác phẩm của bà lấy cảm hứng.
Hành trình trên du thuyền này không chỉ là khám phá thiên nhiên, mà còn là sự kết nối với quá khứ và những câu chuyện văn hóa sâu sắc, như chính văn chương của Duras. Câu chuyện từ chính cái tên của La Marguerite tạo nên sức hút ban đầu hấp dẫn du khách khi đặt chân lên du thuyền, bắt đầu hành trình khám phá vùng đất Tây Nam bộ.
Không riêng gì La Marguerite mà mỗi điểm đến trong suốt hành trình đều mang trong mình những câu chuyện về quá khứ, hiện tại và cả những kỳ vọng về tương lai. Mỗi địa danh dọc hai bên bờ sông đều được gắn hồn bằng những câu chuyện về con người, truyền thống, hay quá khứ lịch sử, từ đó tạo nên sức hấp dẫn và có khả năng gợi mở cảm xúc mạnh mẽ trong lòng du khách. Bởi một hành trình không chỉ đơn thuần là việc di chuyển từ điểm A đến điểm B, mà là một trải nghiệm sống động được thổi hồn bởi những câu chuyện.
Nhà báo Lương Bích Ngọc khẳng định, Quảng Bình có hệ thống sông ngòi đáng tự hào bởi vẻ đẹp nên thơ và giá trị văn hóa, lịch sử mà mỗi dòng sông đang chứa đựng. Thế nhưng, từ tiềm năng ấy, việc khai thác trở thành các sản phẩm du lịch đường sông cần tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm, trong đó việc xây dựng câu chuyện cho mỗi sản phẩm chính là chìa khóa tạo ra sự khác biệt, kết nối cảm xúc mạnh mẽ với du khách.
Những câu chuyện về lịch sử, huyền thoại, văn hóa và người dân sống quanh các dòng sông giúp tăng thêm chiều sâu, ý nghĩa cho sản phẩm, biến chuyến đi không chỉ là hành trình khám phá cảnh quan mà còn là trải nghiệm đa sắc màu. Bản thân mỗi dòng sông với chiều sâu lịch sử đã là một câu chuyện đầy xúc cảm. Đó là những huyền thoại về dòng sông Nhật Lệ qua những thăng trầm của lịch sử, là sông Gianh giới tuyến trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh hay sông Son với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…
Tuy nhiên, điều quan trọng là biến câu chuyện từ lời kể thành trải nghiệm thực tế. Khách du lịch cần được “sống” trong câu chuyện qua các hoạt động cụ thể như tham quan, tương tác với người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực bản địa và tham gia các lễ hội truyền thống.
Muốn thành công phải độc đáo
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt (TP. Hồ Chí Minh) là người có nhiều năm gắn bó và tham gia nhiều chuyến khảo sát điểm đến tại Quảng Bình. Mới đây nhất, tháng 8/2024, ông đã dành trọn 1 ngày để đi thuyền dọc bờ sông Son, tìm hiểu những tiềm năng và cơ hội đầu tư sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho rằng muốn phát triển du lịch đường sông, vấn đề tiên quyết là phải giải bài toán về nhân lực tại chỗ. Chính quyền, người dân thực sự quan tâm đến phát triển du lịch đường sông, tâm huyết với ý tưởng đó, lúc ấy mới thu hút được các nhà đầu tư. |
Ông Mỹ cho rằng, để phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, Quảng Bình cần chú trọng đến việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, phương tiện và nhân lực. Cái khó nhất của du lịch đường sông hiện nay là vấn đề đăng kiểm phương tiện. Khơi thông được “điểm nghẽn” này rồi mới nghĩ đến những yếu tố tiếp theo. Đặc biệt, để du lịch đường sông Quảng Bình phát triển, giữ được chân du khách, địa phương cần dẹp được nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông. Không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ quên những lợi ích lâu dài.
Theo ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Focus Travel, bất kỳ dòng sông nào cũng có điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch, chỉ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét các khía cạnh về nguồn lực. Sông Quảng Bình ngắn và dốc nên nếu đầu tư du thuyền cao cấp như trên sông Mê Kông là không khả thi mà cần những phương án phù hợp. “Con thuyền chỉ là một phương tiện di chuyển, lưu trú, còn muốn giữ chân được du khách thì phải có sản phẩm thực sự độc đáo của địa phương, nếu không thì đi trên con sông nào cũng như nhau cả. Quảng Bình cần có những câu chuyện, địa danh và món ăn đặc trưng, để du khách không chỉ trải nghiệm sự thanh bình trên dòng sông mà còn cảm nhận được dấu ấn văn hóa địa phương”, ông Hiếu khẳng định.
Những dòng sông Quảng Bình hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa, dòng sông giao thông và dòng sông kinh tế… mang lại nguồn lợi cho địa phương nếu biết khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông. Muốn du lịch đường sông vươn ra “biển lớn”, Quảng Bình phải xây dựng được những kế hoạch dài hơi, khơi thông “điểm nghẽn”, có chính sách phù hợp để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư.
Diệu Hương