Vực Tròn, xanh mướt màu ấm no
(QBĐT) - Gần nửa thế kỷ qua, hồ thủy lợi Vực Tròn (Quảng Trạch) vẫn miệt mài cung cấp nguồn nước ngọt lành, biến những vùng đất khô cằn cỏ dại thành cánh đồng lúa xanh mướt màu ấm no. Và hôm nay, Vực Tròn tiếp tục mang thêm sứ mệnh mới, là nơi cung cấp nước ngọt cho Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước…
Nhường “làng” cho vực tròn
Hơn 40 năm trước, hàng vạn người đã có mặt trên vùng đất cằn cỗi phía Nam dãy Hoành Sơn (Quảng Trạch) để cùng nhau “phá đá, đào đất” chặn dòng sông Loan, xây dựng hồ chứa nước Vực Tròn-công trình thủy nông lớn nhất Quảng Bình lúc bây giờ (thời điểm đó đang là tỉnh Bình Trị Thiên).
Gần 80 tuổi, ông Đinh Xuân Phú (SN 1945), nguyên Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi, nguyên Trưởng ban công trường hồ thủy lợi Vực Tròn, vẫn hồ hởi nói chuyện với chúng tôi về những ngày cùng hàng vạn người “đào đất, lấp sông” trên công trình thủy lợi này. Đã hơn 40 năm qua đi nhưng trong ký ức của ông vẫn rổn rảng tiếng cuốc xẻng, tiếng hò hát tựa hôm qua.
Ông Phú cho biết, những năm sau khi đất nước thống nhất, người dân sinh sống trên mảnh đất khô cằn thuộc huyện Quảng Trạch (cũ) luôn mong ước có một hệ thống thủy lợi dẫn nước về những thửa ruộng quanh năm chỉ trồng được sắn, khoai vì khô hạn. Theo ước nguyện của người dân, trong thời kỳ 1976-1989, ở tỉnh Bình Trị Thiên có nhiều công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư, trong đó có hồ thủy lợi Vực Tròn (khởi công năm 1980, hoàn thành năm 1986).
“Ngày đó đất nước còn khó khăn, phương tiện máy móc không có, việc xây dựng công trình thủy lợi phải dùng sức người là chủ yếu. Để bảo đảm công trình thi công đúng tiến độ, hàng vạn người ở các địa phương đã được huy động. Trên công trường thủy lợi Vực Tròn lúc cao điểm nhất có thể lên đến 12.000 người, trung bình thì khoảng 5.000-6.000 người”, ông Phú chia sẻ.
Bà Bùi Thị Tuyết (SN 1961, ở xã Quảng Hưng), một trong những thanh niên có mặt sớm nhất ở đại công trường này nhớ lại: “Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hình ảnh công trường thủy lợi Vực Tròn ngày ấy vẫn như mới hôm qua. Xây hồ lúc đó gian khổ, vất vả lắm. Bữa ăn không đủ no, chỉ toàn là khoai, sắn độn với mì hột, bàn tay của ai cũng chai sần song lúc nào cũng sôi nổi, hừng hực khí thế thi đua, vừa lao động vừa ca hát vang cả một vùng”.
Nằm ở thượng nguồn, xã Quảng Hợp không được hưởng lợi trực tiếp từ hồ thủy lợi Vực Tròn. Vậy nhưng, để triển khai thi công công trình, đã có 2 thôn của xã là Hợp Trung và Hợp Hạ phải di dời.
Kể về câu chuyện này, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu chia sẻ: “Lúc triển khai xây dựng hồ Vực Tròn, tôi còn đang rất nhỏ, nhưng nghe bố mẹ kể lại, người dân Quảng Hợp nói chung, 2 thôn Hợp Trung và Hợp Hạ nói riêng rất đồng tình, ủng hộ. Họ đã quyết định nhường đất, dời làng đến nơi ở mới, tất cả vì sự phát triển của quê hương”.
Góp công dựng xây quê hương
Tròn 6 năm thi công với khí thế “Ăn cơm chấm muối cũng ừ/Đi làm thủy lợi cực chừ, sướng sau”, hàng vạn con người, dù ăn uống thiếu thốn, cơm độn sắn khoai không đủ no, nhưng vẫn hào hứng lao động, đã làm nên công trình hồ thủy lợi Vực Tròn.
Năm 1986, công trình hồ Vực Tròn hoàn thành, với dung tích hơn 50 triệu m3, đã tạo ra bước đột phá thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện Quảng Trạch, biến những vùng đất khô cằn quanh năm chỉ trồng được sắn, khoai thành những cánh đồng lúa 2 vụ, xua đi đói nghèo, cơ cực của hàng vạn người dân vùng hạ du của huyện (bao gồm cả TX. Ba Đồn sau này).
Nói về đại công trình thủy lợi Vực Tròn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phạm Minh Cảnh chia sẻ: “Quê tôi ở xã Quảng Xuân, là thế hệ lớn lên sau ngày đất nước thống nhất nhưng qua lời kể của cha mẹ, ông bà, thì vùng đất các xã vùng hạ lưu của hồ Vực Tròn trước đây toàn là “đồng khô, cát trắng”.
Người dân nơi đây, bao đời còng lưng trên những thửa ruộng chỉ trồng được sắn khoai, luôn ước mơ cháy bỏng là có đủ nước để trồng được hạt lúa, để có bữa cơm không phải độn khoai, độn sắn. Và khi công trình hồ thủy lợi Vực Tròn hoàn thành, ước mơ tưởng chừng xa vời đó đã thành hiện thực, nhiều mùa lúa vàng trĩu bông, nặng hạt đã không phụ công người”.
Ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (đơn vị vận hành, khai thác hồ Vực Tròn) chia sẻ: Hồ Vực Tròn hiện có dung tích 53,123 triệu m3, xếp thứ 3 trên địa bàn tỉnh, sau hồ Rào Đá và hồ An Mã. Vực Tròn đang cung cấp nước tưới cho hơn 2.000ha đất, trong đó, hơn 1.500ha lúa, hơn 500ha màu và nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, hiện hồ Vực Tròn cũng đang cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước sạch Quảng Châu, công suất 10.000m3/ngày đêm (3,65 triệu m3/năm) và cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I với lưu lượng khai thác 9.600m3/ngày đêm (khoảng 2,6 triệu m3/năm). Hiện, hồ Vực Tròn đang được lập dự án, thẩm định bản vẽ kỹ thuật để sửa chữa, nâng cấp dung tích hồ chứa lên hơn 64,4 triệu m3. |
Theo ông Phạm Minh Cảnh, không chỉ dừng lại nông nghiệp, ngày nay hồ Vực Tròn còn có thêm “trọng trách” mới, là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, môi trường, phát triển du lịch sinh thái. Hiện ở hồ Vực Tròn đã có Nhà máy nước sạch Quảng Châu và Nhà máy cung cấp nước ngọt cho Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Ông Nguyễn Hào Quang, Giám đốc Công ty Biwase Quảng Bình (đơn vị khai thác, vận hành Nhà máy nước sạch Quảng Châu) cho biết, từ nguồn nước mát lành của hồ Vực Tròn, qua công nghệ hiện đại, tân tiến của nhà máy, người dân huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn đã được cung cấp nguồn nước sạch, an toàn cho sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, hồ thủy lợi Vực Tròn vẫn miệt mài đưa nguồn nước mát lành, cung cấp cho những cánh đồng, những làng quê ngày càng trở nên trù phú, xinh đẹp. Đặc biệt, với việc cung cấp nguồn nước ngọt cho Khu Kinh tế Hòn La, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, hồ Vực Tròn đang góp sức không nhỏ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Và trong hành trình phát triển mới này, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi không quên và luôn tri ân bao thế hệ tiền nhân đã làm nên công trình mang dấu ấn thời đại như Vực Tròn.
Phan Phương