Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chông chênh nẻo về-Bài 1: Khổ sở vì… "lý lịch đen"

  • 06:59 | Thứ Sáu, 23/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được xã hội dang tay đón nhận, có công việc ổn định để hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện ma túy (CNMT) là mong muốn của hầu hết những người từng lầm lỡ, sa chân vào vũng lầy ma túy. Với họ, tìm được việc làm sau cai nghiện chính là “cánh cửa” để làm lại cuộc đời, giảm nguy cơ tái nghiện. Thế nhưng, với muôn vàn rào cản, “cánh cửa” ấy dần bị thu hẹp, khiến nẻo về của những con người từng lầm lỡ trở nên chông chênh, trắc trở.
 
Với “lý lịch đen” từng nghiện ma túy, không ít người sau khi cai nghiện thành công, mang hồ sơ đi xin việc làm nhiều nơi đều bị từ chối. “Nhàn cư vi bất thiện” lại thêm thiếu ý chí, bản lĩnh, họ lại “ngựa quen đường cũ”. Cứ thế, tái nghiện-cai nghiện lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn và cánh cửa đưa họ trở về hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời không còn rộng mở.
 
Ngồi dựa lưng vào gốc cây, lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má sau khi quét xong khoảng sân phía trước Cơ sở CNMT tỉnh, anh L.C.T. (SN 1987) ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) đưa mắt nhìn xa xăm, nhớ về khoảng thời gian hạnh phúc từng có với bao tiếc nuối. Những bữa cơm đầm ấm bên vợ con, những buổi tối cả nhà chở nhau đi dạo mát và cả những ân cần, chăm sóc của người vợ trẻ dành cho chồng… tất cả chỉ còn là quá khứ.
 
Từng có một gia đình yên ấm với vợ hiền và 3 đứa con ngoan nhưng anh T. đã tự mình đạp đổ tất cả khi vướng vào ma túy. Anh kể, là lái xe đường dài, làm việc với cường độ cao, nghe theo lời bạn bè, anh bập bẹ tập dùng ma túy vì cho rằng nó sẽ giúp mình tỉnh táo hơn trong những chuyến xe xuyên đêm, mất ngủ. Nhưng anh đâu biết rằng, đó là khởi đầu cho những chuỗi ngày u ám về sau của cuộc đời mình. Từ chỗ dùng thử, anh nghiện lúc nào không hay và dần không thể sống thiếu thuốc. Khi cơn “đói” thuốc ngày càng dày, anh bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, gia đình lục đục. Cuối năm 2012, với sự động viên của gia đình, người thân, anh T. đăng ký đi cai nghiện tại Cơ sở CNMT tỉnh.
Không có việc làm ổn định là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tái nghiện, trở lại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhiều lần.
Không có việc làm ổn định là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tái nghiện, trở lại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhiều lần.
“Sau khi CNMT thành công, tôi mang tâm trạng háo hức cùng biết bao dự định trở về. Điều tôi nghĩ đến đầu tiên là tìm một công việc khác đỡ áp lực, căng thẳng hơn nhưng với “lý lịch đen” từng nghiện ma túy, đến đâu xin việc người ta cũng lắc đầu từ chối. Cuối cùng, tôi đành trở lại với công việc lái xe đường trường. Lúc đó cũng quyết tâm lắm, thề không bao giờ dính đến ma túy nữa nhưng sau một thời gian, tôi lại “bập” vào nó, lần này sâu hơn, thê thảm hơn”, anh T. thở dài.
 
Đúng như lời anh T. nói, lần tái nghiện đó, anh mất tất cả, công việc, gia đình... Sau nhiều lần khuyên nhủ chồng không thành, bất lực, mệt mỏi, vợ anh quyết định ly hôn. Chới với trong tuyệt vọng, tháng 3/2023, anh T. trở lại Cơ sở CNMT tỉnh lần 2 với quyết tâm dứt bỏ hoàn toàn ma túy, làm lại cuộc đời.
 
“Gia đình tan vỡ, con cái ly tán là cái giá mà tôi phải trả vì sa chân vào ma túy. Lần này, tôi quyết tâm rồi, phải làm lại cuộc đời để các con không còn hổ thẹn vì có một người cha như mình”, anh T. quả quyết. Quyết tâm là thế, nhưng từ sâu bên trong người đàn ông ấy vẫn canh cánh nỗi lo-sau CNMT còn có chỗ nào nhận anh vào làm việc?
 
30 tuổi đời nhưng có đến 12 năm dính tới ma túy và 5 lần phải vào Cơ sở CNMT tỉnh để mong dứt bỏ được ma túy, anh C.T.H. (SN 1994) ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) đã không còn mơ mộng về một tương lai tươi đẹp như lúc vào đây lần 1, lần 2 nữa. Vốn là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định, nghe theo lời rủ rê của đám bạn xấu, H. tập dùng ma túy.
 
“Cũng tự nhủ là hút cho biết, thử một lần chắc không nghiện nhưng rồi lại có lần 2, lần 3 và tôi đã thành con nghiện, không dứt ra được. Giờ nghĩ lại, giá như ngày đó mình bản lĩnh một chút, không nghe theo đám bạn, thì bây giờ cuộc đời đã không tăm tối như thế nhưng sai lầm nào cũng phải trả giá...”, anh H. bộc bạch. 
 
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 197 người nghiện ma túy, 195 người sử dụng trái phép chất ma túy, 1.112 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Người nghiện tập trung trong độ tuổi từ 16-30 và có xu hướng dịch chuyển từ nghiện các chất ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroin, cần sa) sang ma túy tổng hợp. Thành phần đối tượng nghiện tập trung chủ yếu vào nhóm có trình độ văn hóa thấp, đối tượng có tiền án, tiền sự, người không có việc làm, thu nhập ổn định.

Sau mỗi lần rời Cơ sở CNMT tỉnh, loay hoay tìm kiếm việc làm ổn định nhưng không thành, anh H. đi xuất khẩu lao động. Nơi đất khách, nhiều lúc cô đơn, áp lực với công việc lại thêm thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình, anh lại tìm đến ma túy. Cứ thế, hết lần này đến lần khác, H. tái nghiện. “Vẫn biết là do bản thân mình thiếu bản lĩnh, quyết tâm nhưng nếu có một công việc ổn định ở quê nhà để dành thời gian chuyên tâm vào đó thì biết đâu, tôi không sa ngã đến mức này”, anh H. buồn bã.

Thực tế cho thấy, CNMT đã khó, làm sao để người nghiện sau cai hòa nhập cộng đồng, không tái nghiện lại càng gian nan. Trong quá trình ấy, việc giúp họ ổn định công việc đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

“Mong muốn có một công việc ổn định sau chặng đường lầm lỡ không chỉ là niềm mong mỏi của người nghiện mà còn là trăn trở của gia đình họ và chính quyền địa phương, các ngành chức năng. Bởi lẽ, điều này không những tạo điều kiện cho người nghiện có cơ hội hoàn lương, mà còn giúp họ tránh nguy cơ tái nghiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đa số các đối tượng sau CNMT về địa phương không có việc làm ổn định khiến họ trở nên “nhàn cư vi bất thiện”, dễ sa ngã vào con đường cũ nếu không có đủ ý chí, bản lĩnh. Điều này lý giải vì sao số đối tượng tái nghiện, trở lại Cơ sở CNMT tỉnh lần 2, lần 3, thậm chí lần 4, 5 không hề ít. Chỉ tính riêng trong năm 2023, có 14 đối tượng tái nghiện trở lại cơ sở và từ đầu năm 2024 đến nay là 6 đối tượng”, Giám đốc Cơ sở CNMT tỉnh Trần Đình Quý chia sẻ.

Tâm An

>>> Bài 2: Nới rộng “khe cửa hẹp”

 

tin liên quan

Tạo "sức bật" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số-Bài 2: "Vùng khó" chuyển mình

(QBĐT) - Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh đã từng bước "thay da đổi thịt". Những bản làng vùng cao như khoác lên mình chiếc áo mới-chiếc áo của ấm no.

Tạo "sức bật" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số-Bài 1: Để người dân "an cư, lạc nghiệp"

(QBĐT) - Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.