Quảng Bình, từ những bước chân ngày ấy…
(QBĐT) - Hơn 60 năm trước-năm 1963, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Quảng Bình. Không ngờ, vùng rừng núi heo hút ấy-đường 12A qua đèo Mụ Giạ chỉ ít năm sau trở thành một địa danh nổi tiếng. Những sự tích về con đường đặc biệt này, nơi in dấu chân hàng triệu người con đất Việt, là chất liệu quý giá giúp tôi viết nên cả nghìn trang sách, báo. Giữa những ngày vui Quảng Bình kỷ niệm các cột mốc lịch sử trong quá trình hình thành và phạt triển, tôi bỗng nghĩ đến ba nhân vật đã đặt chân đến Quảng Bình từ hơn một thế kỷ trước và ghi lại dấu ấn đặc biệt với dải đất hẹp này mà chưa phải ai cũng biết.
Tôi nghĩ đến trước hết, nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Không hẳn là tình cờ, nơi quan lính phò nhà vua lập căn cứ chống quân xâm lược gần 140 năm trước (khoảng từ năm 1886-1888) lại chính là địa bàn Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559) từng chọn đóng trụ sở. Trong tập ký sự “Vì sự sống con đường” của tôi có đoạn viết: “Vua lần ra xóm Khe Ve và sai quân lính đắp lũy đất độ hai thước tây... Cách một tháng, tây ở Bãi Đức kéo vào. Hai bên đánh nhau ngót một ngày ở cửa khe. Vì đường hiểm, tây dàn quân không được, bị thua phải kéo về Bãi Đức…” (Dẫn theo một tài liệu viết năm 1931).
Chuyện vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp trên vùng đất huyện Minh Hóa đã có không ít sách, báo nói đến. Gần đây, tôi mới biết sử gia người Pháp Francois Thierry trong cuốn sách “Kho báu kinh thành Huế” đã viết về 2 cuộc chiến năm 1886, đại úy Hugot và trung úy Camus bị giết bởi những mũi tên tẩm thuốc độc của “du kích” người Mường khi chúng tấn công để bắt vua Hàm Nghi… (Theo tôi, các tộc người Khùa, người Mày trên vùng núi Minh Hóa hiện nay là hậu duệ của những “người Mường” này).
Để giết được hai sĩ quan Pháp, hẳn đã có những người Mường hy sinh. Có thể nói, đây là những liệt sỹ chống Pháp đầu tiên trên đất Quảng Bình. Những anh hùng khuyết danh nơi rừng sâu, núi hiểm này, dù vũ khí trong tay chỉ là cung nỏ, đã dạy cho bọn xâm lược bài học mà mãi đến trận Điên Biên Phủ 1954 chúng mới hiểu ra!
***
Nhân vật thứ hai, trớ trêu thay, lại là một người Pháp-linh mục Leopold Michel Cadiere (L.C). Tên tuổi L.C. rất thân thuộc đối với giới nghiên cứu Việt Nam ở nhiều quốc gia, bởi ông là chủ bút Tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó và cho đến nay là nguồn cung cấp nhiều tư liệu gốc về miền Trung cho giới nghiên cứu, trong đó có hàng trăm trang viết về Quảng Bình từ hơn một thế kỷ trước. Vì thế, người ta nhớ đến ông là một “Nhà Việt học” hơn là một linh mục-chức vị dễ gây ra những ngộ nhận.
Xin trích ít dòng trong chuyến đến Đồng Hới đầu tiên được in lần thứ 3 trong bộ sách 1.000 trang do nhà giáo-dịch giả Đỗ Trinh Huệ biên soạn: “Tháng 7/1893, nghỉ hè đã đến,... tôi làm một chuyến du hành ra Quảng Bình... Ôi, con đường cái quan hồi ấy, cát đâu là cát, cát chuyển di, cát mù mịt, cát nóng bỏng suốt cả đoạn đường 50 cây số!... Có đôi nơi người ta trải chút rơm ở giữa đường nhằm làm giảm bớt cái nóng bỏng của cát…”.
L.C. sinh năm 1869, tức ông đặt chân lên Quảng Bình lần đầu lúc mới 24 tuổi, cách nay 131 năm. Một chàng trai từ nước Pháp-trung tâm văn hóa châu Âu thời đó, rời bỏ gia đình và mọi tiện nghi đời sống hiện đại, đến cái nơi không có cả đường đi, nên chàng đã phải thốt lên: “Khi mới đến, tôi nhủ thầm: “Ôi làm sao nơi này mà có thể ở nổi được!”. Vậy mà sau khi ở Đồng Hới một năm rưỡi, được cử đến nơi khác, L.C. đã viết: “Lúc phải rời nhiệm sở này, nước mắt tôi bỗng tràn ra, hóa ra nơi này đã quá thu hút tôi rồi…”.
Vì thế, L.C. đã ở Quảng Bình đến 9 năm, trong đó 6 năm ở vùng Cù Lạc, Phong Nha (Bố Trạch). Nhớ lại thời kỳ ở đây, L.C. đã viết một đoạn dài về chuyện “hổ”. Qua đây, bạn đọc sẽ thấy “ông tây” L.C. đã hiểu sâu sắc con người ở vùng quê hẻo lánh Quảng Bình như thế nào: “… Người Việt sống ở những vùng nhiều hổ thường ít nói đến nó. Họ không dám gọi tên cọc, khái, mà gọi trịnh trọng bằng “ông”, bằng “mệ”, hoặc bằng “ngài”. Lắm lúc họ dùng cả một cụm từ, hoặc một danh xưng vô ngã, cả những hữu từ lóng (để hiểu ngầm) như yên, không yên, hoặc sợ, lện, động. Và thế là mọi người đều hiểu”.
Cũng trong thời gian L.C. “đi thực tế” tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa ở Quảng Bình, ông đã ghi lại nhiều huyền thoại, giai thoại về các loài vật, từ con chim “từ quy”, con rươi, đến con chim tu hú, “con vạc, chim rụ rị, đa đa, cò, chuột chù; cả nhóm này bài bạc với nhau…”. Chợt nhớ, các nhà nghiên cứu gần đây rất thích thú về “Văn học sinh thái”. Có thể nói, những trang viết của L.C. thuộc lớp “khai canh” dòng văn học này. L.C. còn đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ truyền thống họ tộc và gia đình ở Việt Nam…
Sống lâu dài, gần gũi với dân chúng, có lần ông đã tâm sự: “… Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ. Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ…vì những đức hạnh tinh thần…”. Cũng vì thế, khi đã già yếu, người ta định đưa ông về Pháp nhưng ông một mực từ chối: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây!”. L.C. đã được toại nguyện, ông qua đời năm 1955 tại Huế như nhà bác học Pháp Yersin đã nằm lại vĩnh viễn tại Nha Trang…
***
Người thứ ba cùng lứa tuổi với L.C., là một nhà tư sản dân tộc-nhà báo có xuất thân rất đặc biệt Bùi Huy Tín (1875-1963). Tiến sĩ (TS.) sử học Nguyễn Khắc Thái đã có bài viết công phu “Những dấu ấn của Bùi Huy Tín trên đất Quảng Bình” in trong cuốn sách của Trần Viết Ngạc viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật này (NXB Hồng Đức năm 2023).
Từ thuở ấu thơ, Bùi Huy Tín là một đứa bé đi lạc trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, được một đại úy Pháp đem về nuôi. Viên đại úy này về Pháp, bàn giao cậu cho một đồng ngũ. Khi ông này chuẩn bị lên tàu đưa cậu về Pháp cho ăn học thì cậu bé trốn ở lại quê hương. Đó là sự tiên báo về sự nghiệp thể hiện lòng yêu nước của Bùi Huy Tín về sau.
Không theo chân viên sĩ quan về Pháp, nhưng Bùi Huy Tín nhờ biết học hỏi kiến thức và cung cách làm ăn của các doanh nhân người Pháp sang Việt Nam nên từ năm 27 tuổi đã tham gia công trình đường sắt Việt Trì-Lào Cai. Riêng tại Quảng Bình, từ năm 1922, ông đã thầu nhiều công đoạn trên đường sắt Vinh-Đông Hà và cả các công trình trên Quốc lộ 1, “góp phần đưa vùng đất Quảng Bình kết nối với các địa phương khác trong cả nước qua hai tuyến giao thông huyết mạch…”.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Bùi Huy Tín đã mở ra nhiều đồn điền và công trình đắp đập ngăn mặn, cải tạo sinh thái vùng đầm phá Hạc Hải rộng khoảng 1.000ha. Theo TS. Nguyễn Khắc Thái, các đồn điền Bùi Huy Tín mở ra “cho tới nay vẫn là những điểm nhấn kinh tế nông nghiệp quan trọng”, như: Kim Lũ (Tuyên Hóa), Phú Quý (Bố Trạch), Cẩm Ly (Lệ Thủy).
Đánh giá về những công trình mà Bùi Huy Tín xây dựng trên nhiều vùng đất rộng lớn của Quảng Bình, TS. Nguyễn Khắc Thái nhận định: Khác với các nhà đầu tư chỉ nhắm khai thác tài nguyên thuần túy, “Bùi Huy Tín nghĩ ngay đến việc vừa khai thác những lợi thế của tài nguyên, vừa tìm cách cải tạo sinh thái […]. Bùi Huy Tín không ngần ngại đầu tư vào những vùng miền mà ở đó nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…”.
Bùi Huy Tín còn là một nhà báo có công chủ trương hai tờ “Thực nghiệp dân báo” và tiếp đó là “Tràng An báo” với hàng trăm số báo phản ánh kịp thời 3 sự kiện chính trị chấn động suốt từ Nam chí Bắc là phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, lễ tang Phan Châu Trinh và cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ngang nhiên bày tỏ sự kính trọng đối với hai cụ Phan và các chiến sĩ cách mạng, trong một chế độ thuộc địa. Chính vì thế, mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định dành một con đường mang tên Bùi Huy Tín…
***
Do hiểu biết hạn chế, tôi chỉ có thể nhắc đến ba nhân vật trong hàng triệu người đã đặt chân đến Quảng Bình trong hơn bốn thế kỷ qua. Nhưng một sự ngẫu nhiên lý thú, ba con người đó lại thể hiện ba phẩm chất tốt đẹp có giá trị cho đến tận hôm nay. Vua Hàm Nghi-lòng yêu nước; L.Cadiere-tôn trọng bản sắc văn hóa các vùng đất và Bùi Huy Tín-tư duy phát triển kinh tế đa ngành, hiện đại.
“Người là hoa của đất”. Cũng có thể nói, ba phẩm chất cao quý của ba nhân vật kể trên là ba “bông hoa” đẹp không phai tàn qua thời gian và đã góp phần sinh thành “quả ngọt” chính là Quảng Bình hôm nay đang ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Hy vọng một ngày không xa, đi trên vùng đất từng gánh vác trọng trách “nhịp cầu nối hai miền đất nước”, du khách gần xa sẽ gặp những con đường mang tên Hàm Nghi, L.Cadiere và Bùi Huy Tín-ba nhân vật đã góp phần “mở cõi” Quảng Bình ngày xưa…
Nguyễn Khắc Phê