Nhật ký Trường Sa
(QBĐT) - Trở về với cuộc sống thường nhật nhiều ngày sau chuyến hải trình đầy cảm xúc, nhưng vào 5 giờ mỗi sáng, tôi lại choàng tỉnh giấc và nghe văng vẳng những âm thanh quen thuộc: “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”! Có lẽ không chỉ với riêng tôi, mà trong ký ức những thành viên Đoàn công tác số 22 ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, chuyến đi mãi mãi là ký ức khó quên.
Ngày mới ở Sinh Tồn Đông
Sau bao mong ước, cuối cùng tôi cũng được đến Trường Sa. 8 giờ ngày 20/5/2024, tàu 561 (Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) hú còi tạm biệt cảng Cát Lái, mang theo 210 đại biểu rẽ sóng ra khơi. Đoàn Quảng Bình có 30 thành viên, ai cũng bồi hồi và háo hức trên hành trình đến với Trường Sa.
Sau gần 48 giờ lênh đênh trên biển, 6 giờ 30 phút ngày 22/5, chúng tôi đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông, điểm dừng chân đầu tiên của hành trình. Trong ánh bình minh, hòn đảo hiện ra xanh mát, hiên ngang, vững chãi và đầy sức sống giữa mênh mông biển trời. Đón chúng tôi là trung tá, Chỉ huy trưởng Đỗ Văn Diễn, quê ở xã An Thủy (Lệ Thủy)-niềm vui như được nhân đôi.
Sinh Tồn Đông (thuộc xã đảo Sinh Tồn) là tuyến đầu nóng bỏng do chỉ cách các bãi Huy Gơ (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988) gần 8km, cách bãi Ba Đầu (Trung Quốc thường xuyên tập trung tàu đánh bắt hải sản trái phép) khoảng 14km.
Sinh Tồn Đông bây giờ xanh mát bóng bàng vuông, phong ba, phi lao vươn mình mạnh mẽ trước sóng gió biển khơi... Buổi giao lưu giữa các thành viên đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông, trong đó có những người con quê hương Quảng Bình đầy ấm cúng, thân tình. Chúng tôi cùng hát cho nhau nghe, trao tặng nhau những món quà ấm áp mà cây bàng vuông là món quà đặc biệt thấm đẫm hình ảnh Trường Sa bình dị, anh hùng.
Nước mắt tri ân
Chiều 22/5, tàu cập bến đảo Len Đao, nằm trên rạn san hô, là một trong những đảo tuyến đầu của quần đảo Trường Sa. Đoàn Quảng Bình vinh dự được đặt tên là Tổ Len Đao và đại diện đoàn gặp gỡ, phát biểu cùng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đang kiên cường giữ đảo.
Dù là đảo chìm với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng Len Đao bây giờ có hệ thống điện năng lượng mặt trời bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sĩ. Nhà văn hóa đa năng là trung tâm văn hóa thể thao, nơi nghỉ ngơi đồng thời là công trình phòng thủ vững chắc. Trong số cán bộ, chiến sĩ công tác tại Len Đao có đồng chí Cao Anh Hùng, quê xã Đồng Hóa và Đoàn Anh Tuấn, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa); Võ Huy Hoàng, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn). Cuộc gặp gỡ những người lính đồng hương giữa đảo diễn ra bùi ngùi và vội vã bởi 15 giờ 30 phút, đoàn công tác đã phải trở lại tàu… vì khi thủy triều xuống sẽ có nguy cơ mắc cạn.
Rời đảo Len Đao trở về trên boong tàu 561 đang được thả neo, 16 giờ, đoàn làm lễ tri ân, tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 36 năm về trước. Phóng tầm mắt ra khơi xa, thu trọn hình bóng Gạc Ma, Len Đao và vùng biển thanh bình, xanh mát mắt, dù năm tháng đã lùi xa nhưng tôi vẫn cảm nhận được dấu tích về trận chiến bi hùng, nơi có 13 người con quê hương Quảng Bình cùng những người đồng đội đã bám trụ vững vàng đến phút giây cuối cùng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và kết thành “vòng tròn bất tử” giữa sóng nước Trường Sa. Máu thịt các anh hòa vào biển cả, để vùng biển Gạc Ma trở thành nghĩa trang đặc biệt với tên gọi “Nghĩa trang đỏ”.
Trong ráng chiều, trên nền nhạc Hồn tử sĩ, chúng tôi gửi những đóa hoa, những con hạc giấy vào lòng biển như gửi cả tấm lòng yêu thương son sắt của hậu phương dành cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo quê hương. Nhìn theo những bông hoa và hạc giấy bồng bềnh trên ngọn sóng, trôi về phía đảo Gạc Ma, nhiều người trong chúng tôi đã không kìm được nước mắt.
Trong chuyến đi này, có một thành viên đặc biệt, đó là Nguyễn Đình Thế (SN 1985 tại xã Ngư Thủy, Lệ Thủy), con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Sau hơn ba thập kỷ, anh đã có mặt tại vùng biển Gạc Ma, vinh dự cùng Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 22 dâng vòng hoa tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ, trong đó có người cha thân thương của mình. Cuối cùng thì di nguyện của người thân, nỗi nhớ thương và ước mơ đau đáu của anh Nguyễn Đình Thế cũng thành hiện thực trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.
Tự hào "pháo đài thép" trên biển
Trong chuyến hải trình lần này, chúng tôi còn được đến thăm các đảo Đá Đông C, Đá Tây A, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Mỗi hòn đảo, nhà giàn đều mang trong mình những câu chuyện, những ký ức hào hùng của các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Đá Đông C là 1 trong 3 đảo thuộc cụm đảo Đá Đông, mặc dù là đảo chìm, không gian sinh hoạt, huấn luyện rất hạn chế, nhưng đảo có vị trí phòng thủ trọng yếu. Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải đối mặt với rất nhiều gian khó, nhưng họ chính là điểm tựa tin cậy để ngư dân các tỉnh trong khu vực yên tâm đánh bắt, khai thác thủy hải sản.
Thuộc cụm đảo Đá Tây, gồm: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C trải dài trên rặng san hô, đảo Đá Tây A đẹp tựa viên ngọc và hiên ngang, kiêu hãnh giữa biển khơi. Đây cũng là nơi tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão, nhận nước ngọt miễn phí, mua đá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm phục vụ các chuyến đánh bắt xa bờ.
Năm 2023, đảo đón 16 hộ dân đầu tiên, là những người đồng hành tin cậy, gắn bó cùng cán bộ, chiến sĩ trong hành trình giữ gìn biển, đảo quê hương. Tại đây, chúng tôi thật sự xúc động khi được gặp cư dân đặc biệt, hộ dân thứ 16, anh Lê Văn Linh quê Hạ Trạch (Bố Trạch) cùng vợ và con gái định cư trên đảo Đá Tây A gần 1 năm. Cảm xúc khó diễn tả hết thành lời, các thành viên đoàn công tác và công dân Quảng Bình ở đảo Đá Tây A hàn huyên không dứt cho mãi đến phút chia tay đầy bịn rịn.
Rời Đá Tây A, chúng tôi đến Trường Sa Lớn và không khỏi ngỡ ngàng bởi hòn đảo xanh màu cỏ cây và rộn ràng nhịp sống. Điện, đường, trường trạm, các công trình quân sự, văn hóa… bình yên, thiêng liêng và gần gũi là điều mà chúng tôi cảm nhận được ở Trường Sa Lớn, nơi được mệnh danh là “trái tim” của quần đảo Trường Sa.
Điểm cuối trên hành trình của đoàn công tác là nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Đứng trước “pháo đài thép” khiêm nhường giữa bốn bề sóng gió, tôi chợt nhớ những câu thơ từng đọc: “Các anh sống gần mây hơn gần đất/Sóng mênh mông nửa nước với nửa trời/Trời với nước chia đôi nhà ở giữa…”, tôi càng thấu hiểu hơn nỗi nhọc nhằn, gian khổ của những người lính trong hành trình gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tạm biệt Trường Sa!
“Đất liền yêu Trường Sa”, “đất liền tạm biệt Trường Sa” là lời chia tay của chúng tôi với những người lính đảo. Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông C, Đá Tây A, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/8 Quế Đường, những cánh tay vẫy chào, những nụ cười và cả nước mắt bịn rịn phút chia xa… cứ khuất dần, cuối cùng chỉ còn lại mênh mông sóng biển.
14 giờ ngày 26/5, tàu 561 thẳng hướng cảng Cát Lái, đưa đoàn công tác trở lại đất liền. Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt những “pháo đài thép”, chúng tôi mang theo những ký ức đẹp về biển, đảo và những người lính kiên cường, anh dũng. Tự hứa với lòng mình nơi hậu phương sẽ luôn nỗ lực sống, cống hiến, là điểm tựa vững chắc để những người lính yên tâm chắc tay súng giữ vững biển trời quê hương. |
Hành trình trở lại đất liền của những thành viên Đoàn công tác số 22 mang theo bao kỷ niệm và trải nghiệm quý giá. Đó là những ngày đêm lênh đênh trên biển, không có sóng điện thoại, các tổ công tác mang tên những hòn đảo thi tìm hiểu về biển, đảo, thi cờ tướng, thi hoa hậu hải trình 22 và cả những “bữa tiệc âm nhạc”.
Không chỉ biểu diễn văn nghệ, hát cho nhau nghe để quên đi sóng gió, ai cũng cố dành dụm một tiết mục đặc sắc để lên đảo hát tặng cán bộ, chiến sĩ. Mỗi lần âm thanh quen thuộc vang lên “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta...” trái tim tôi lại thổn thức. Cũng bài hát ấy, cũng giai điệu ấy, nhưng khi hát giữa biển trời và những người lính đảo, cảm xúc mang lại thật mới mẻ, diệu kỳ.
Và tôi nhớ những ánh mắt, nụ cười, câu chuyện của những người lính trẻ, rất trẻ, vừa nhập ngũ, khi giữa phong trần của sóng gió Trường Sa vẫn còn sót lại đôi nét thơ ngây của cậu học trò vừa rời ghế nhà trường. Những chàng trai mười tám đôi mươi dõng dạc và trang nghiêm trả lời về nhiệm vụ thiêng liêng của người lính đảo khi Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác hỏi chuyện đời sống, công tác và những khó khăn, gian khổ mà họ đang đối mặt. Tự đáy lòng mình, chúng tôi cầu mong cho những người lính luôn bình an, mạnh khỏe, vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, kiên cường như những hòn đảo, nhà giàn nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Và tôi tin mai này, trong những bài giảng của mình, cô giáo Phạm Thị Gấm (SN 1982), giáo viên địa lý Trường THCS Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới), một thành viên đặc biệt của đoàn Quảng Bình, có chồng là trung tá Bùi Xuân Thêm đã 18 năm gắn bó với Trường Sa, hình ảnh biển, đảo sẽ thêm phần tươi đẹp, thân thương và gần gũi.
Phạm Thị Hân
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh