Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gần lắm... Trường Sa!-Bài 2: Nhà số 16 trên "đảo thép" Đá Tây A

  • 07:07 | Thứ Ba, 04/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cụm đảo Đá Tây thuộc thị trấn Trường Sa gồm 3 điểm đảo: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C trải dài trên rặng san hô theo hướng Đông Bắc-Tây Nam khoảng 7 hải lý. Thành lập ngày 28/10/1987, qua 37 năm xây dựng, phát triển, cụm đảo Đá Tây bây giờ sừng sững, hiên ngang, kiêu hãnh giữa biển khơi, nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đặc biệt, “đảo thép” Đá Tây A còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân...
 
 
“Làng chài” trên biển
 
Trung tá Nguyễn Quang Trung, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A kiêm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa hỏi tôi: “Anh đến Đá Tây A lần thứ mấy rồi?”, “Cảm nhận của anh khi trở lại sau gần 10 năm?”. Tôi trả lời: “Lần thứ hai, dịp đầu tiên vào năm 2015”. “Chỉ gói gọn trong hai chữ, bất ngờ!”.
 
Bất ngờ... vì thời điểm năm 2015, Đá Tây A chỉ là những gian nhà nhỏ xây theo kiểu đảo chìm. Còn hiện tại, nếu bốn bề không giáp đại dương bao la, Đá Tây A giống một làng chài khang trang, hiện đại ở một miền quê biển nào đó trên đất liền: Những con đường bê tông thẳng tắp, thoáng rộng chạy dưới tán bàng vuông, tra, phi lao rợp bóng mát; ngôi chùa khang trang, mặt tiền hướng biển Đông an bình; lớp học vang tiếng trẻ i tờ đọc bài; từng căn nhà của cư dân đảo mái ngói đỏ san sát kề nhau, phía ngoài cổng đều treo cờ Tổ quốc; trước đảo là âu tàu rộng mênh mông có hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ đang neo đậu.
 
Hơn 20 năm bám biển, ông Vũ Trí Thuấn (tỉnh Hải Dương), Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) đảo Đá Tây thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên đảo Đá Tây A. “Làng chài trên biển” hay “Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển” là những tên gọi thân thương mà ngư dân dành cho cán bộ, chiến sĩ, người dân Đá Tây A, trong đó có sự đóng góp của Trung tâm DVHCNC”, ông Thuấn cho hay.
Đảo Đá Tây A.
Đảo Đá Tây A.
Âu tàu đảo Đá Tây A rộng hơn 13ha, sức chứa trên 200 tàu cá xa bờ. Khu DVHCNC rộng 8ha bao gồm hệ thống kho hàng, kho đông lạnh, nhà máy sản xuất nước đá, xưởng cơ khí sửa chữa, bồn nhiên liệu, bồn trữ nước ngọt... đáp ứng cơ bản những nhu cầu thiết yếu cho ngư dân bám biển dài ngày, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
 
Ngư dân Trần Lê Minh Cương, thuyền trưởng tàu BD-94726-TS đến từ tỉnh Bình Định chia sẻ: “Những âu tàu và các khu DVHCNC tại quần đảo Trường Sa thường xuyên đón tiếp tàu cá ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ trở vào đến neo đậu. Âu tàu đảo Đá Tây A gần 20 năm nay đã trở thành “mái nhà” chung rất an toàn cho ngư dân, nhất là vào mùa mưa bão”.
 
Theo ông Vũ Trí Thuấn, năm 2023, Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây A cung ứng 282.686 lít dầu, 29 tấn lương thực, thực phẩm, 115.648 cây đá, 2.427m3 nước ngọt miễn phí cho ngư dân; đồng thời lai dắt, cứu hộ, sửa chữa thành công 40 tàu hư hỏng. Trong quý I/2024, trung tâm thực hiện cung ứng thêm 100.600 lít dầu, 2 tấn lương thực, thực phẩm, 26.222 cây đá, 463m3 nước ngọt miễn phí và sửa chữa thành công 5 tàu...
 
Cư dân đặc biệt của Đá Tây A
 
Từ âu tàu, tôi trở lại hội trường Nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam ở trung tâm đảo Đá Tây A, nơi đang diễn ra các hoạt động trao quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác trên đảo. Trưởng đoàn công tác Quảng Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu chỉ vào một thanh niên mang trang phục dân quân, giới thiệu: “Đây là cư dân đặc biệt của Đá Tây A”. Người thanh niên cười hồn hậu: “Quê ơi! Tôi người Quảng Bình”. Đặc biệt... vì trong tổng số 16 hộ dân sinh sống trên Đá Tây A, chỉ duy nhất một hộ người Quảng Bình và định cư tại ngôi nhà số 16.
 
Lê Văn Linh (SN 1979), quê quán xã Hạ Trạch (Bố Trạch), Nguyễn Thị Hoàng Yến (SN 1986) ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) và Lê Ánh Dương (SN 2018), 3 cư dân của nhà số 16. Linh là chồng, Yến vợ Linh, Ánh Dương-con gái thứ hai của họ. Đón tiếp đồng hương Quảng Bình đến thăm, Lê Văn Linh khóc ngon lành, những giọt nước mắt hạnh phúc. Vì lâu lắm rồi, từ ngày tình nguyện ra sinh sống ở Trường Sa mới được gặp người quê, nói tiếng quê, vui theo câu chuyện mang đến từ quê.
Đoàn Quảng Bình gặp gỡ, chuyện trò với vợ chồng Linh-Yến.
Đoàn Quảng Bình gặp gỡ, chuyện trò với vợ chồng Linh-Yến.
Hai mươi bốn năm trước, Lê Văn Linh nhập ngũ thuộc Vùng 3 Hải quân tham gia xây dựng quần đảo Trường Sa. Anh từng đóng quân trên các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, đến cuối năm 2003 thì ra quân. Thời gian làm công nhân ở TP. Nha Trang, Lê Văn Linh gặp gỡ chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, thấy “duyên duyên thì yêu” rồi “nên đôi, nên đũa”, về chung một nhà. Năm 2013, hai vợ chồng sinh con trai đầu lòng Lê Đăng Khôi và đến năm 2018 thì đón thêm con gái Lê Ánh Dương.
 
Có công việc ổn định tại TP. Nha Trang nhưng biển, đảo Trường Sa vẫn luôn canh cánh trong tâm hồn Lê Văn Linh. Những kỷ niệm về cuộc sống người lính biển, về thời gian Linh sát cánh cùng đồng đội chắc tay súng giữ vững biển, đảo biên cương Tổ quốc được anh kể lại với vợ hàng đêm. Rồi không biết từ bao giờ, tình yêu biển, đảo cứ lớn dần trong tâm hồn chị Nguyễn Thị Hoàng Yến.
 
Giúp chồng thực hiện ước mơ thêm một lần cống hiến nhiệt huyết cho Trường Sa, chị Yến âm thầm viết đơn tình nguyện xin làm công dân trên đảo Đá Tây A. Tháng 3/2023, đơn gửi đi, đến tháng 6/2023, chị Yến nhận phản hồi, hai vợ chồng được chọn.
 
“Lúc đó, cảm xúc khó diễn tả hết. Nếu cả gia đình cùng ra Trường Sa thì hạnh phúc trọn vẹn, nhưng vì ở Trường Sa chỉ có các lớp học mầm non và tiểu học nên vợ chồng quyết định gửi cháu Lê Đăng Khôi lại cho ông bà ngoại tại đất liền chăm sóc, giúp cháu học lên bậc trung học cơ sở. Thời gian trôi qua nhanh, hai vợ chồng ổn định cuộc sống trên đảo Đá Tây A cũng gần trọn một năm”, Lê Văn Linh bồi hồi nhớ.
 
 
Ra đảo, Lê Văn Linh tham gia lực lượng dân quân ngày đêm canh giữ biển trời. Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến chăm lo tổ ấm gia đình, đưa đón, dạy dỗ con. Khi có khách đến thăm đảo, chị Yến cùng với mọi người tiếp khách chu đáo, tận tình.
 
Tranh thủ chút thời gian trên đảo Đá Tây A, đoàn Quảng Bình ghé thăm nhà số 16. Trong ngôi nhà ấm cúng, Lê Văn Linh xúc động: “Một năm nay mới được nghe tiếng quê. Đón nhận những tình cảm ấm áp từ quê hương. Cảm giác như đang ở quê mình”.
 
Phút chia tay, tôi kịp ghi lại hình ảnh cô bé Lê Ánh Dương với đôi mắt trong veo, hồn nhiên tìm từng chiếc vỏ ốc, vỏ sò tặng các bác, các cô, chú đồng hương Quảng Bình. Lời con trẻ ngây thơ hẹn ngày tái ngộ khiến ai cũng nao nao lòng quay mặt đi... giấu cảm xúc dâng trào trên khóe mắt.
 
Tạm biệt vợ chồng Lê Văn Linh, Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu nhắn nhủ: “Hai mươi năm trước, Linh đã là người lính đảo Trường Sa. Hai mươi năm sau Linh tình nguyện ra lại Trường Sa tiếp tục hành trình giữ gìn, xây dựng biển, đảo. Quê hương Quảng Bình luôn vững tin gia đình Linh và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa, trong đó có con em tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 3: Gặp nhau trên quần đảo Trường Sa

tin liên quan

Hành trình "thức giấc"

(QBĐT) - "Một Việt Nam thu nhỏ", "viên kim cương xanh" hay "vùng đất của những bí ẩn bất tận"… không đơn giản mà những mỹ từ này được khoác lên cho du lịch Quảng Bình. Từ một tỉnh nghèo "chang chang cồn cát", Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển ngành Du lịch để địa phương trở thành một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. 

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Không cam chịu số phận

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm bên đường vào bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), rất nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng ở gian phòng khách. Một điều hiếm thấy ở những bản làng xa xôi lại hiện diện nơi ngôi nhà bà Hồ Thị Pấy-người phụ nữ phải trải qua những năm tháng cùng cực nhưng không cam chịu số phận, đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.