Gần lắm... Trường Sa!-Bài 1: Gặp lại Trường Sa
(QBĐT) - Trường Sa... hai tiếng thiêng liêng mà mỗi người dân Việt luôn hướng về, như một phần máu thịt của mình. Trường Sa hiên ngang, anh dũng, kiên trung qua những ca từ “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/Anh thường nói rằng: Trường Sa lắm xa xôi/Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh ghềnh trúc san hô/Trường Sa ơi, biển đảo quê hương/Đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật/Đảo quê hương, anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi/Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi!...”. Trường Sa bây giờ thực sự không còn xa xôi nữa khi những chuyến tàu đang ngày đêm vượt muôn trùng sóng gió chở quê hương ra với Trường Sa. Một sáng tháng 5, tôi trở lại Trường Sa trên chuyến tàu như thế, cùng với các đại biểu Quảng Bình trong Đoàn công tác số 22 do Quân chủng Hải quân tổ chức thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Đúng 8 giờ ngày 20/5/2024, sau ba hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, tàu 561 chầm chậm rời cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), bắt đầu chuyến hải trình đưa Đoàn công tác số 22 thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trước khi khởi hành, đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương trước tượng đài các anh hùng liệt sỹ đoàn tàu không số...
Hữu duyên với tàu 561
Cuối năm 2015, cùng với hơn 100 phóng viên báo chí trong cả nước ra thăm, chúc Tết Nguyên đán cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa, tôi may mắn được đi trên tàu Khánh Hòa-01 mang số hiệu 561, tàu bệnh viện hiện đại bậc nhất của Quân chủng Hải quân vừa mới hạ thủy trước đó 3 năm (năm 2012). Lần đó, tàu 561 thực hiện chuyến hải trình ra Trường Sa khởi đầu từ quân cảng Cam Ranh.
Gần 10 năm sau, tôi lại được đặt chân lên tàu 561 với vai trò là thành viên Đoàn công tác số 22, trong đó có 30 đại biểu tỉnh Quảng Bình đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa. Lần này, tàu 561 xuất phát từ cảng Cát Lái.
Vừa ổn định vị trí của mình tại phòng D7 trên tàu 561, tôi nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Một gương mặt rắn rỏi, sạm đen vì sóng nước mặn mòi xuất hiện. Tiếng anh ngập ngừng: “Xin hỏi, có phải các anh ở đoàn Quảng Bình?”. Tiếng miền Trung nằng nặng khó lẫn: “Em là người Quảng Bình!”. Những thành viên trong phòng D7 xúc động, lần lượt bắt tay và ôm chặt lấy người lính biển: “Quê mình đây rồi!”.
“Quê mình đây rồi!”, chỉ từng ấy lời thốt lên mà gọn chặt, trĩu nặng nghĩa tình và càng thiêng liêng hơn vì ở giữa đại dương mênh mông, trên con tàu hiên ngang trực chỉ hướng Trường Sa. Người lính biển giới thiệu: “Em tên Trương Quốc Toản, sinh năm 1980, quê quán xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, thuộc Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân. Báo cáo các anh, trên tàu 561 có 2 con em quê Quảng Bình và hai rể Quảng Bình”. Biết tôi lần thứ hai đi Trường Sa trên tàu 561, Trương Quốc Toản khẳng định: “Anh hữu duyên với con tàu này thật rồi!”.
Thiếu tá Trương Quốc Toản nhập ngũ tháng 3/2002, hơn 22 tuổi quân, từng đóng quân tại các đảo: Tiên Nữ, Đá Đông A, Trường Sa Đông và Sinh Tồn Đông. Năm 2017, Toản mới nhận quyết định về bờ làm nhân viên tài chính ở Lữ đoàn 955.
Theo giới thiệu của Trương Quốc Toản, tôi tìm gặp đại úy Nguyễn Văn Xuân (SN 1988), quê quán xã Liên Thủy (Lệ Thủy), nhập ngũ tháng 3/2008, Vùng 4 Hải quân. Nguyễn Văn Xuân kể từng 23 lần tham gia tổ phục vụ các đoàn ra công tác tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Riêng hải trình với tàu 561, Nguyễn Văn Xuân đồng hành đến 16 chuyến. “Nhưng ít được gặp đồng hương Quảng Bình. Thấy đồng đội mình hội ngộ với người cùng quê hương... cảm giác nao nao khó tả lắm. Lần này thì thỏa lòng mong ước bấy lâu!”, Nguyễn Văn Xuân chân thành.
Đưa quê hương đến Trường Sa
Sau hải trình kéo dài 47 tiếng đồng hồ... 6 giờ ngày thứ ba kể từ khi rời cảng Cát Lái, tàu 561 cập đảo Sinh Tồn Đông. Trực tiếp ra tận cầu cảng đón đoàn công tác là trung tá, Chỉ huy trưởng Đỗ Văn Diễn quê ở xã An Thủy (Lệ Thủy). Anh cho biết: “Trên đảo Sinh Tồn Đông có 4 cán bộ, chiến sĩ người Quảng Bình gồm tôi và Ma Quốc Anh, Hoàng Nam Hùng cùng ở TX. Ba Đồn và Lê Đức Anh, quê Quảng Ninh. Chúng tôi thực sự không dám tin khi được đón tiếp, gặp gỡ 30 đồng hương ngay giữa quần đảo Trường Sa. Hạnh phúc quá lớn, khó diễn tả hết bằng lời”.
Biết trung tá Đỗ Văn Diễn là con em Lệ Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Phong Phú và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thủy Phan Hồng Đăng đã dành hầu hết thời gian thăm đảo Sinh Tồn Đông để gần gũi, thăm hỏi, động viên.
“Cuộc sống người lính đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng chúng tôi, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ người Quảng Bình vẫn luôn luôn trau dồi bản lĩnh, giữ vững truyền thống anh hùng của quê hương “Hai giỏi”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Tổ quốc, Quân đội, nhân dân giao phó. Gặp quê hương giữa biển đảo Trường Sa trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần quá lớn lao mà chúng tôi không thể cân, đo, đong, đếm được. Bây giờ, Trường Sa không còn quá xa xôi mà trở nên gần gũi với đất liền. Vì Tổ quốc, quê hương đang ở bên mình”, trung tá Đỗ Văn Diễn chia sẻ.
Tạm biệt những người con Quảng Bình trên đảo Sinh Tồn Đông, Đoàn công tác số 22 tiếp tục thăm các điểm đảo khác theo lịch trình: Len Đao, Đá Tây A, Đá Đông C, Trường Sa (thị trấn Trường Sa)... Tự hào thay, ở tất cả các đảo đoàn công tác đến đều có con em Quảng Bình. “Quê ơi! Tôi người Quảng Bình”, tiếng miền Trung nằng nặng thốt lên từ những người lính đảo, sao thấy thân thương, thiêng liêng đến lạ!
Trở lại tàu 561, tôi đem từng câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ người Quảng Bình trên các đảo mà đoàn công tác gặp gỡ, chuyện trò kể lại cho thiếu tá Trương Quốc Toản, anh tự hào: “Ở đất liền, khi sinh sống, học tập xa quê, gặp đồng hương đã quý. Hội ngộ với đồng hương tại quần đảo Trường Sa rất hiếm. Đời lính đảo may lắm mới có cơ hội, mà cơ hội chỉ đếm trên đầu ngón tay nên sự trân quý càng nhân lên gấp bội. Chỉ cần gần nhau, tự tin giới thiệu “Quê ơi! Tôi người Quảng Bình” là niềm tin, hạnh phúc không bao giờ phai”. |
Trên đảo Len Đao, tôi “điểm danh” có các chiến sĩ: Cao Anh Hùng, xã Đồng Hóa; Đoàn Anh Tuấn, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa); Võ Huy Hoàng, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn)... Tôi tiếp tục hội ngộ với Đoàn Khánh Linh (thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh), Nguyễn Văn Chiến (xã Liên Thủy, Lệ Thủy) ở đảo Trường Sa. Và tại nhà giàn DK1/8 Quế Đường, giữa nhiều gương mặt sạm đen nắng gió, sóng nước Trường Sa tôi bắt gặp chàng sĩ quan ra-đa trẻ Lê Hồng Thắng đến từ huyện Quảng Ninh...
Hôm đoàn công tác thăm đảo Đá Tây A, hay tin có đồng hương Quảng Bình, trung tá Nguyễn Hồng Quân, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây C xin phép cấp trên rồi dùng thuyền CQ chạy sang Đá Tây A để gặp. Trò chuyện với trưởng đoàn Quảng Bình Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trung tá Nguyễn Hồng Quân xúc động: “Vui lắm, hạnh phúc lắm thủ trưởng ạ! Có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra chúng em hội ngộ đồng hương Quảng Bình với nhiều người như thế. Chúc thủ trưởng và đoàn công tác có một chuyến hải trình thăm Trường Sa an toàn”.
Chỉ với chút thời gian ngắn ngủi... dù không muốn nói lời chia tay nhưng trung tá Nguyễn Hồng Quân bắt buộc phải quay về đảo Đá Tây C. “Thủy triều xuống, rạn san hô trồi lên... ca-nô sẽ không tiếp cận được đảo”-anh lưu luyến bảo-“Quê hương Quảng Bình an lòng, tin tưởng vào chúng em, những người lính Trường Sa. Khi quê hương, đất nước vì Trường Sa thì Trường Sa sẽ luôn vì đất nước, quê hương”.
Ngô Thanh Long
>>> Bài 2: Nhà số 16 trên “đảo thép” Đá Tây A