"Tháng 5 năm 1990 sẽ đến tháng mười!"
(QBĐT) - Cũng như mọi người, tôi chờ đón lễ kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (1/7/1989-1/7/2024) trong tâm thế của người cùng thời, với hy vọng sẽ được nhớ về những kỷ niệm tuổi thanh xuân ở vào một giai đoạn đầy gian khó nhưng rất sôi động. Lật giở những trang ghi chép cũ và lần theo ký ức, tôi ngẫu nhiên gặp những tư liệu, theo góc nhìn của mình, về những ngày đầu tái thành lập của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Bình (nay là Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình), cũng cần chia sẻ như ví dụ sống động về một trong rất nhiều trường hợp vượt khó đi lên của thời đã qua.
“Bao giờ cho đến tháng mười?” là câu hỏi vui tu từ mà tôi dành cho nhạc sĩ Thái Quý, Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Bình vào thời điểm đoàn vừa mới được thành lập trong muôn vàn khó khăn, với ngụ ý là bao giờ thì đoàn sẽ có chương trình nghệ thuật hoàn chỉnh ra mắt phục vụ nhân dân. Nhạc sĩ trưởng đoàn không chút do dự, “bắt trend” câu hỏi, trả lời: “Tháng 5 năm 1990 sẽ đến tháng mười! Lúc đó chúng tôi sẽ trình làng 2 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp”.
Như vậy, nếu mọi việc đúng theo nhạc sĩ Thái Quý tiên liệu thì từ con số không, mà chỉ trong vòng 7-8 tháng sau ngày tái lập tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh sẽ có thể có đủ hành trang nghệ thuật để lên đường đi công diễn. Đó không chỉ là quyết tâm lớn của đoàn, mà còn là của ngành Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và cả của lãnh đạo tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp của nhân dân.
Nhớ lại vào thời điểm này, khu vực TX. Đồng Hới từng có buổi biểu diễn của đoàn ca nhạc, điện ảnh Chánh Tín, Bảo Yến... thu hút đến hơn 3.000 khán giả địa phương vào xem trong tình trạng rất lộn xộn, hoặc chỉ với một chương trình văn nghệ quần chúng của trường học tổ chức nhân dịp khai trương nhà văn hóa phường cũng có gần 500 người xem và tán thưởng… thì quyết tâm sớm ra mắt đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh của các cấp, ngành là rất hợp tình người.
Tuy nhiên, thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực của đoàn ở thời điểm này đã khiến cho chính những người trong cuộc cũng bối rối chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu: Diễn viên gần như không có, trang thiết bị sân khấu (dàn âm thanh, đạo cụ, phục trang…) đã phải cho thanh lý vì không sử dụng được nữa. Ban đầu, đoàn được bố trí ở tạm tại căn nhà 6 gian đã tụt mái.
Đó là ngôi nhà của Bảo tàng tỉnh cũ tại trung tâm Cộn, bên cạnh hội trường Tỉnh ủy trước khi nhập tỉnh. Trụ sở tạm thời khá chật chội: Phòng ở của nữ diễn viên khoảng 30m2, phòng làm việc và luyện tập khoảng 7m2, không giường chõng, bàn ghế. Trước mắt, mọi tiết mục nghệ thuật của đoàn sẽ được thai nghén và ra đời tại không gian chật hẹp này.
Trong hoàn cảnh tái lập lại tỉnh mới, từ công sở đến tư gia đều gặp khó khăn về nơi ở, có được một chốn nương thân như thế cũng đã là khá lắm rồi và ý thức được điều đó, nên khi tiếp nhận quyết định thành lập Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh của UBND tỉnh, từ trưởng đoàn đến các thành viên ít ỏi còn lại đều đồng lòng, tỏ rõ quyết tâm làm lại từ đầu để xây dựng đoàn.
Theo quyết định thành lập, đoàn được “định biên” 25 người, trong đó có 5 hợp đồng, nhưng thời điểm ấy, tất cả số này đang ở đâu đó trên khắp địa bàn tỉnh, đoàn sẽ phải cho người đi tuyển chọn, mời họ về. Để tạo dựng nên hình hài ban đầu từ con số không, đoàn đã phác thảo một dự toán kinh phí, rất nhỏ so với mệnh giá hiện nay, mà có lẽ cũng cần phải chép ra đây vài con số xác định làm ví dụ, bởi nó đã từng là một phần của lịch sử: Khoảng 2.450 nghìn đồng để thi tuyển diễn viên, 2 triệu đồng để may trang phục biểu diễn loại tầm tầm, 5 triệu đồng để mua một dàn âm thanh…
Trước khó khăn chung, đầu năm 1990, ngành VH-TT tổ chức hội nghị VH-TT toàn tỉnh lần thứ 1, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác VH-TT trước mắt và những năm tiếp theo. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp theo hướng lấy ca múa nhạc làm chính, mang bản sắc và phong cách Quảng Bình; kiện toàn đội ngũ diễn viên, tập huấn chuyên môn; xây dựng chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp để ra mắt biểu diễn phục vụ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ và tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đầu tiên trong thời kỳ tái lập tỉnh Trần Sự xác định: “Hoạt động VH-TT phải gắn với thực tế cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới tỉnh nhà. Văn công trực diện với người xem, phải được người xem chấp nhận. Tôi tin sẽ có bài hát hay về Quảng Bình về thời kỳ đổi mới”.
Khoảng 3 tuần sau khi nhận quyết định thành lập, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh đã có hình hài của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà cửa được sửa chữa, tân trang và nới rộng, âm thanh, đạo cụ được sắm mới, diễn viên múa được tập các đơn nguyên kỹ thuật trong những bộ đồng phục mới may, diễn viên hát học xướng âm trên những dãy bàn ghế mới đóng… Kinh phí trang trải cho khối lượng công việc này, theo nhạc sĩ Thái Quý phần lớn do ngân sách cấp, một phần do Sở VH-TT cho mượn hoặc mượn tạm, còn lại là nhờ sự hảo tâm giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể. Chẳng hạn, Liên đoàn Lao động tỉnh ủng hộ 20 cái giường, Xí nghiệp đại tu ô tô A3 đăng cai giùm đoàn một đêm trình diễn báo cáo kết quả vòng 2 tuyển chọn diễn viên…
Đêm biểu diễn báo cáo kết quả tuyển chọn diễn viên của đoàn đã diễn ra đúng kế hoạch và để lại thiện cảm sâu sắc trong lòng khán giả về truyền thống cũng như tiềm năng nghệ thuật của quê hương. Sau đó một thời gian, tranh thủ mọi nguồn lực, gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn, đào tạo, luyện tập chuyên môn, đúng như dự kiến của nhạc sĩ trưởng đoàn Thái Quý, đêm 19/5/1990, tại rạp Đồng Sơn, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh chính thức ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên. Chương trình gồm 3 phần với nhiều tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc ca ngợi Bác Hồ, truyền thống quê hương.
Từ thành công đêm công diễn đầu tiên ấy, đoàn tu chỉnh, nâng cao tính nghệ thuật chương trình để tham gia hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 sau 8 tháng thành lập. Lần đầu tham gia hội diễn, đoàn đã gặt hái thành công bước đầu đáng khích lệ: Bộ VH-TT-Thể thao tặng bằng khen toàn đoàn và 4 huy chương bạc cho các tiết mục cá nhân. Với sức trẻ đang lên, đoàn bắt đầu các chuyến lưu diễn phục vụ khán giả các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh bạn. Từ đó, xuất hiện nhiều ca sĩ, diễn viên xây dựng được phong cách riêng của mình, dần chiếm trọn cảm tình của khán giả, như: Thùy Linh, Ngọc Tân, Đức Bột, Khánh Hồng…
Từ thời điểm này, đúng như mong ước nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Sự đã kỳ vọng: “Tôi tin sẽ có bài hát hay về Quảng Bình về thời kỳ đổi mới”. Nhiều ca khúc có giá trị nghệ thuật cao viết về quê hương lần lượt ra đời, vang xa, phổ biến trong cả nước cho đến tận bây giờ, như: Nhớ Nhật Lệ, Phố biển tình anh, Chia tay đầu phố nhỏ, Nhật Lệ trăng huyền thoại, Chuyện tình Phong Nha, Tâm tình với sông Gianh (Hoàng Sông Hương), Tình sông Nhật Lệ (Dương Viết Chiến), Đồng Hới và em (Quách Mộng Lân)…
Trong số các tác giả âm nhạc có nhiều đóng góp cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Cùng với sự phát triển chung của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, có bốn lượt nghệ sĩ trong đoàn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú: Ca sĩ Võ Đức Bột, ca sĩ Thùy Linh (Nguyễn Thị Thấy), ca sĩ Võ Thanh Nhân và nghệ sĩ múa Lê Thị Kiều Anh; gần đây, ca sĩ Thùy Linh được vinh dự phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Đó là kết quả xứng đáng suốt quá trình phấn đấu chuyên môn không mệt mỏi của cá nhân các nghệ sĩ, là công trạng chung của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, đồng thời là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và cơ quan chuyên môn trải qua 35 năm tái lập tỉnh Quảng Bình.
Ngày nay, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đã trở thành đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp giàu thành tích. Hy vọng rằng, với sự kế thừa bề dày truyền thống của đoàn, sự học hỏi, tri ân những thành tựu và công lao của các thế hệ lãnh đạo, diễn viên đi trước, mà trong đó có không ít người nay đã hóa thiên thu; cùng với sự nỗ lực phấn đấu tiếp cận các giá trị nghệ thuật đương đại, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình tiếp tục vượt qua thử thách, có những bước phát triển dài về chuyên môn trên con đường xây dựng quê hương.
Trần Hùng