Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024)

Đường Trường Sơn... một thời "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng"

  • 07:33 | Chủ Nhật, 19/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá về tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20”. Làm nên kỳ tích đường Trường Sơn không thể không nhắc đến Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn trưởng Đoàn công tác quân sự đặc biệt và giai đoạn đầu tiên “xoi” đường, một thời “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
 
Chân dung người mở đường
 
Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008) sinh ra trong một gia đình nho học giàu truyền thống cách mạng ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bố ông là thân sĩ Võ Thạc, Phó soái chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi trong phong trào chống Pháp do vua Duy Tân lãnh đạo. Khởi nghĩa Duy Tân thất bại, Phó soái Võ Thạc bị giặc bắt tra tấn đến chết.
Mẹ Thiếu tướng Võ Bẩm tên Nguyễn Thị Bằng, vốn người hiếu học, ham thích đọc sách báo, sớm thành hội viên Hội cứu tế Đỏ trong phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo những năm 1930.
 
Vợ chồng ông bà Võ Thạc, Nguyễn Thị Bằng có 4 người con: Võ Xe, Võ Cộ, Võ Khoa, Võ Bẩm. Hai người con đầu mất sớm. Võ Khoa học trường Kỹ nghệ thực hành Huế, tham gia phong trào bãi khóa chống chính quyền thuộc địa sau đó bỏ về quê vận động thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở huyện Sơn Tịnh. Bị giặc Pháp bắt, tra tấn, sau đó đau nặng rồi mất.
Cuốn hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến”.
Cuốn hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến”.
Chồng mất, ba con trai đầu qua đời... mọi hy vọng của người mẹ Nguyễn Thị Bằng dồn hết cho người con trai út Võ Bẩm. Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, khi mới 15 tuổi, Võ Bẩm đã theo Đảng làm cách mạng; 19 tuổi, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương; 20 tuổi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh. Đầu năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án rồi giam giữ qua các nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột.
 
Cách mạng tháng Tám thành công, ông vào Quân đội, đảm nhận qua nhiều chức vụ, cùng đồng đội chiến đấu dọc ngang khắp các chiến trường miền Trung, Tây Nguyên suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Tháng 4/1954, ông trở thành Chính ủy Trung đoàn 803, Quân khu 5. Sau khi cùng Trung đoàn 803 tập kết ra Bắc an toàn, Bộ Quốc phòng rút ông về Bộ Tổng Tham mưu làm Phó Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục rồi Phó cục trưởng Cục Nông trường Quân đội.
 
Khe Hó, điểm khởi đầu đường Trường Sơn
 
Theo dấu chân những người “khai sơn, phá thạch” mở đường Trường Sơn cách đây đúng 65 năm, chúng tôi về xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh, Quảng Trị) thăm Di tích lịch sử Khe Hó. Ở bản Khe Hó, bà Hồ Thị Đào (SN 1945), người Bru-Vân Kiều khi tôi hỏi thăm điểm khởi đầu tuyến đường Trường Sơn năm xưa, cho biết: “Không có bia di tích mô. Chỉ sót lại mấy lối mòn đường gùi thồ trước đây thôi”.
 
Nhớ lại thời điểm Đoàn trưởng Võ Bẩm đưa Đoàn công tác quân sự đặc biệt vào Khe Hó, bà Hồ Thị Đào bảo: “Mế cùng dân bản thấy họ đến đông lắm, giống thợ sơn tràng dưới xuôi lên. Không ai biết đó là bộ đội”. Được sự chỉ dẫn của bà mế Vân Kiều, chúng tôi đi sâu vào khu rừng bạt ngàn xanh dưới chân núi Đôộng Nóc.
 
Thăm nơi khởi đầu đường Trường Sơn, chúng tôi ngược dòng ký ức về những tháng năm mở đường Trường Sơn được Thiếu tướng Võ Bẩm ghi lại trong tập hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2006): “Ngày 5/5/1959, tôi trực tiếp gặp anh Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban thống nhất Trung ương. “Bộ Chính trị giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng theo tinh thần Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là Đoàn công tác quân sự đặc biệt”-anh Nguyễn Văn Vịnh nhắc đi nhắc lại- “Đây không phải lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Một công việc lớn, rất khó và tuyệt mật. Bởi vậy, anh làm việc gì và quan hệ với ai đều phải lập danh sách để xin ý kiến Bộ Chính trị”. Tôi trả lời anh Vịnh: “Để bảo đảm bí mật, cán bộ, chiến sĩ nên lấy ở những đơn vị bộ đội miền Nam tập kết và những người từng hoạt động ở miền Nam thời kháng chiến chín năm”.
 
Trước lúc chia tay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh căn dặn: “Bộ Chính trị chỉ cho phép các anh chuyển hàng và đưa người đến bờ bắc sông Bến Hải. Còn từ bờ nam trở vào chỉ tập trung xoi đường, những việc còn lại do các đơn vị, địa phương trong đó đảm trách... Giao cho anh “một mình một ngựa” làm sao cho nên sự nghiệp thì làm. Nhưng cũng đừng quên, sau các anh là cả hậu phương miền Bắc”.
 
Ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ đúng ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và sự nhạy cảm đặc biệt, chúng tôi thống nhất và đề nghị được lấy ngày 19/5/1959 làm ngày truyền thống của đoàn. Đoàn công tác quân sự đặc biệt gọi là Đoàn 559. Và như một sự thống nhất biện chứng-con đường Trường Sơn do Đoàn 559 khai phá, sau này được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế gọi là đường Hồ Chí Minh”, Thiếu tướng Võ Bẩm viết.
Khu vực Khe Hó, điểm khởi đầu đường Trường Sơn.
Khu vực Khe Hó, điểm khởi đầu đường Trường Sơn.
Vì sao là Khe Hó? Theo Thiếu tướng Võ Bẩm, khi cùng cán bộ Đoàn công tác quân sự đặc biệt tiến hành khảo sát tại miền Tây Vĩnh Linh, len lỏi giữa rừng Trường Sơn “xoi” đường vào Nam, Khe Hó được chọn làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn.
 
Khe Hó là một con suối nhỏ, sâu chảy dưới chân núi Đôộng Nóc gần thượng nguồn ngọn rào Thanh, tây nam Vĩnh Linh, cách Nông trường Bãi Hà gần một cây số, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, mở đường đi các hướng đều rất thuận lợi: Xuyên về phía tây nam, vượt đỉnh 1001, 1006, vượt sông Bến Hải, tới đỉnh 1701 còn gọi là động Hàm Nghi. Từ động Hàm Nghi vạch thêm lối sang Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán... vượt đường 9 đến Đá Bàn, Tà Riệp, vào Pa Lin (tây nam Thừa Thiên-Huế). Ngược ra phía Bắc là miền Tây Lệ Thủy, Quảng Bình, hậu phương tuyến đầu, trực tiếp chi viện cho miền Nam...
 
Vào tuyến, Đoàn công tác quân sự đặc biệt quy định bộ đội phải cải trang thành người dân, “địa phương hóa” triệt để từ trang phục đến cách thức sinh hoạt. Đặc khu Vĩnh Linh cung cấp cho đoàn hơn 1.000 bộ quần áo bà ba, 600 đôi dép cao su, dùng mây, tre đan gùi thay ba lô. Nguyên tắc cho mọi hành động lúc này là tuyệt mật, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
 
Sau khi hoạt động được 5 tháng với những thắng lợi bước đầu, căn cứ tình hình thực tế cách mạng, ngày 21/9/1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng; về mặt Đảng, trực thuộc Tổng Quân ủy. Nhiệm vụ Đoàn 559 xác định rõ hơn: Mở đường; vận chuyển vật chất; đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra Bắc; vận chuyển bảo đảm vật chất cho Đoàn 959 (Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam ở Trung-Hạ Lào). Đồng chí Võ Bẩm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559.
 
Cho đến hết năm 1959, chỉ với phương thức mang, vác, gùi, thồ, Đoàn 559 vận chuyển an toàn cho chiến trường Khu 5 và Bình Trị Thiên gần 2 nghìn khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và hơn 500 cán bộ cấp trung đội, đại đội. Chiến công tuy không lớn nhưng đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu những người “xoi” đường... Trở thành nền móng vững chắc để từ đó đường Trường Sơn không ngừng lớn mạnh, rộng khắp sau này.
 
Sinh trưởng trong một gia đình, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, 15 tuổi đời, tôi đã bước những bước đầu tiên trên con đường theo Đảng làm cách mạng cho đến khi rời quân ngũ năm 1980... vừa tròn 50 năm. Trong nửa thế kỷ đó... hạnh phúc lớn lao là hai lần được gặp Bác Hồ, được Bác động viên, giao nhận nhiệm vụ tổ chức mở đường Trường Sơn-con đường mang tên Bác” (trích Hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến”).
 
KỲ TÍCH ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
 
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559-Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá về đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: Trải qua 16 năm hoạt động (1959-1975), từ thuở ban đầu còn sơ khai “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã phát triển thành một mạng lưới vận tải quân sự chiến lược nối hai miền Bắc-Nam, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn dài gần 20.000km bao gồm 4 hệ thống trục dọc dài 6.810km và 21 trục ngang dài 4.980km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700km, hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm dài 1.300km.
 
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển cho các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và 5,5 triệu tấn xăng dầu; tổ chức đưa đón trên 2 triệu lượt cán bộ, bộ đội.
 
Trong 16 năm, bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu 111.135 trận, bắn rơi 2.455 máy bay; đánh thắng 1.263 cuộc hành quân của địch, tiêu diệt 18.740 tên, trong đó đỉnh cao là chiến thắng Đường 9-Nam Lào (1971) xóa bỏ vĩnh viễn cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ ngụy.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Vẹn nguyên ký ức ngày toàn thắng

(QBĐT) - Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức về ngày toàn thắng 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình (SN 1955, ở xã Quảng Thạch, Quảng Trạch). 

Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử...

(QBĐT) - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), những ngày này, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên trở thành điểm hẹn lịch sử của các lực lượng vũ trang, cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân cả nước.