Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tô b'rău Arem

  • 08:05 | Chủ Nhật, 07/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tiến sĩ Nhân chủng học Peter Bill Larsen, Giảng viên trường Đại học Geneva-Thụy Sĩ, sau nhiều năm nghiên cứu về tộc người Arem ở Quảng Bình đã chia sẻ: “Quan hệ của người Arem với rừng, với môi trường ở đây thật đặc biệt. Kiến thức bản địa và văn hóa của họ rất có giá trị, không chỉ về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa với cuộc sống hiện tại. Làm sao để bảo tồn các giá trị đó và giữ lại các quyền sử dụng tài nguyên cho những người sống trong khu rừng gắn bó với tổ tiên của họ đến nay? Tôi nghĩ phải nhanh lên mới kịp!”.
 
 Bài 1: Rừng là nhà                                                             
 
Với người Arem, khu rừng như bà mẹ vĩ đại, ôm ấp chở che; như một ngôi nhà ấm cúng cất giữ cho họ cái ăn, cái mặc. Ở trong ngôi nhà đó, họ đã thực hành kinh tế đạo lý và văn hóa yêu thương, chia sẻ. Những kiến thức sinh tồn trong khu rừng với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt và những giá trị văn hóa của tộc người Arem đáng trân trọng và cần được gìn giữ, phát huy.
 
Ngôi nhà hang đá
 
Arem nghĩa là rèm đá. Hang đá là nhà của người Arem trước khi bà con được đưa về nơi ở mới và định cư ở cây số 39, đường 20 Quyết thắng, trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB). Cách bản Arem (Tân Trạch, Bố Trạch) chừng 2 giờ đi bộ, trên một ngọn núi cao cạnh con suối Rục Cà Roòng còn lưu giữ một “bảo tàng sống” về ngôi nhà hang đá của người Arem. Đó là “ngôi nhà” của ông bà Đinh Nê-Y Rú.
Ngôi nhà hang đá của ông bà Đinh Nê-Y Rú, bản Arem.
Ngôi nhà hang đá của ông bà Đinh Nê-Y Rú, bản Arem.
Nhà là một hang đá đủ cao để tránh thú dữ, đủ rộng để cả nhà cư trú, gần suối để lấy nước và bắt cá. Xung quanh nhà là nơi có đất để làm rẫy. “Nhà” của ông bà Đinh Nê có cả gác xép chứa thóc, có cối giã gạo, có tay lưới, bếp lửa và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
 
Đặc biệt, giường ngủ của ông bà được kết bằng tre chắc chắn treo lên vách hang, phòng khi có thú dữ vào được đến đây. Lương thực dự trữ trong hang có thể đủ cho 2 người trong một tháng. Bà Y Rú đã bước qua tuổi 80, nhưng hai ông bà vẫn về suối Rục Cà Roòng và ở nhiều ngày trong ngôi nhà hang đá của mình.
 
Ông nói: “Mùa đông nhà ni ấm, còn mùa hè thì mát lắm”. Hang đá chính là một kiến thức bản địa quý của người Arem để giúp họ có thể sinh tồn trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của thiên nhiên nơi rừng sâu. Điều đó lý giải vì sao những ngày đầu được sống trong những ngôi nhà sàn khang trang ở bản mới, người Arem lại muốn quay về rừng, về ngôi nhà hang đá của mình.
 
Mẹ thiên nhiên
 
Ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, một người gắn bó nhiều năm với đồng bào Arem cho biết: “Không chỉ có ông bà Đinh Nê, mùa hè, mỗi tháng người Arem cùng nhau về dưới suối Rục Cà Roòng một lần và ở lại đó vài ngày. Đó như những ngày hội của họ. Họ thoải mái tắm giặt, bắt cá, bắt ốc dưới suối, hái măng và hoa quả trong rừng để ăn. Buổi tối thì đốt lửa bên bờ suối, uống rượu, hát hò, nhảy múa đến khuya, vui lắm! Lúc đầu xã cũng cấm vì sợ bà con sẽ quay lại với cuộc sống săn, bắt, hái, lượm, nhưng về đây mới thấy người Arem đối xử với rừng không như chúng ta vẫn nghĩ”.
Tiến sĩ Peter Bill Larsen trả lời phỏng vấn của PV Đài PT-TH Quảng Bình.
Tiến sĩ Peter Bill Larsen trả lời phỏng vấn của PV Đài PT-TH Quảng Bình.
Về suối, người Arem như được trở lại với chính mình. Người già đốt lửa, trẻ con bơi lội, phụ nữ hái măng, đàn ông bắt cá, tháng 3 thì trèo cây lấy mật ong. Già làng Đinh Rầu là “kho tàng những điều bí ẩn” của người Arem. Chỉ đến khi để cho ông tin mình là người tốt, muốn bảo vệ người Arem thì ông mới trò chuyện cởi mở. Qua lời kể của ông thì với người Arem, rừng như một bà mẹ vĩ đại, một vị thần mà người Arem tôn kính. Người Arem muốn hái cây măng, bắt con cá dưới suối cũng phải xin mẹ rừng, xin thần linh.
 
Tìm được cây thuốc quý thì chỉ lấy rễ phụ, giữ lại rễ chính để cây còn ra rễ khác cho lần sau mình đến xin. Lấy tổ ong thì xua cho ong bay đi, lấy phần có mật, chừa phần đầu lại để ong còn nhớ tổ của mình mà quay về. Mỗi cây có tổ ong gắn với tên của một chàng trai Arem: cây ong này của Đinh Chai, cây này của Đinh Ất, cây kia của Đinh Đỏ…Ai bảo vệ được tổ ong thì mùa sau lại được lấy mật ở cái cây của mình. Người Arem làm rẫy cũng vậy, sau một mùa thu hoạch thì họ đi chỗ khác canh tác, để cho “đất nghỉ” mà hồi sinh lại chất dinh dưỡng rồi mùa sau quay lại gieo hạt.
 
Văn hóa chia sẻ
 
Học giả Nguyễn Hữu Thông, Nguyên Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, người có nhiều công trình nghiên cứu về bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền Trung, trong đó có tộc người Arem thuộc dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình nhận định: "Trong thâm sâu văn hóa của người Arem là yêu thương và chia sẻ. Họ biết ơn mẹ rừng và từng hang đá, gốc cây, con suối đã che chở và cho mình ngôi nhà, thức ăn, nước uống, cây thuốc chữa bệnh… Có cái ăn là họ chia đều cho nhau. Dù là một tộc người thiểu số nhưng tính cộng đồng rất cao. Vì vậy mà người Arem đã vượt qua được nhiều thử thách trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt để tồn tại".
 
Nếu bạn đến Arem và chứng kiến cảnh người già, thanh niên, trẻ em Arem trật tự xếp hàng ngồi chờ trước “nhà đẻ” rồi lần lượt vào chúc phúc cho đứa trẻ vừa chào đời thì bạn sẽ thấy bên cạnh những hủ tục lạc hậu, sự nhu mì trước các thế lực siêu nhiên, văn hóa ứng xử của người Arem rất đáng để họ tự hào.
Già làng Đinh Rầu trong rừng bách xanh.
Già làng Đinh Rầu trong rừng bách xanh.
Một người bạn và cũng là cộng sự của Tiến sĩ Peter Bill Larsen kể rằng, khi anh đưa hình ảnh Đinh Poóng hát dân ca của người Arem lên trang cá nhân của mình, Peter sốt sắng bảo anh gỡ ngay hình ảnh này, vì: đây là vốn quý trong văn hóa của người Arem cần được lưu giữ và đăng ký bản quyền trước khi công bố rộng rãi.
 
Già làng Đinh Rầu cũng nói rằng, ngôn ngữ của người Arem khá đặc biệt: Người Arem có thể nói và hiểu tiếng của người Kinh, người Sách, người Mày, người Rục… “nhưng mềng nói tiếng của mềng thì họ không hiểu”.
 
Tô b'rău Arem
 
Ngoài mẹ rừng thiên nhiên rộng lớn, người Arem còn có một khu rừng khác, đó là rừng cây huê rộng 8,5ha đã gần 20 năm tuổi. Đây là rừng cây mà cố Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Thanh, thời kỳ là Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, đã phát động làm đất, trồng cây và giao cho người Arem chăm sóc, bảo vệ. Người Arem coi đây là rừng cây ân nghĩa, là niềm tin mà cán bộ của Đảng trao cho dân bản. Từ việc chăm sóc và bảo vệ tốt rừng cây gỗ quý, hiện tại, bản Arem lại được Vườn quốc gia PN-KB tin cậy giao bảo vệ 4.000ha rừng, trong đó có rừng cây bách xanh quý hiếm trên 500 năm tuổi.
 
Ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia PN-KB cho biết: “Dân bản Arem tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm của Vườn tuần tra, phát hiện, bảo vệ rừng. Bà con có kiến thức bản địa rất tốt nên chúng tôi yên tâm giao rừng cho họ”. Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết thêm: Với việc bảo vệ rừng, mỗi năm bản Arem được “trả lương” 400 triệu đồng. Số tiền này được dùng mua gạo, chở về cấp phát tận tay các hộ gia đình, giúp bà con có lương thực dự trữ, phòng khi mất mùa, thiếu đói.
 
Khi cùng dân bản Arem và lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia PN-KB đi tuần tra trong rừng nguyên sinh, tôi nghe già làng Đinh Rầu thốt lên: “Tô b'rău Arem”. Tôi hỏi già làng nghĩa của câu ông vừa nói, ông giải thích: “Tô b'rău tiếng Arem là người trồng rừng. Tô b'rău Arem: Tôi là người trồng rừng, tôi là người Arem”. Tôi thắc mắc tại sao lại nói người Arem là người trồng rừng, ông cười : “Rừng là nhà của mềng tê. Mềng trồng rừng như người ta xây nhà của họ!”.
 
Tiến sĩ Nhân chủng học Peter Bill Larsen đến Quảng Bình từ năm 1998. Ông từng làm cố vấn của Dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng do Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới thực hiện. Gần đây nhất, khi là giảng viên của trường Đại học Lucerne- Thụy Sỹ, tiến sĩ Peter đã cùng các cộng sự triển khai dự án nghiên cứu về quyền con người trong hệ thống di sản thế giới, tập trung ở các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là địa điểm được lựa chọn tại Việt Nam. Hiện, tiến sĩ Peter Bill Larsen giảng dạy tại trường Đại học Geneva-Thụy Sĩ. Ông vẫn đang dành nhiều tâm huyết cho công trình nghiên cứu của mình và các cộng sự về quyền con người và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở vùng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, trong đó có tộc người Arem.
 
Trần Hồng Hiếu
 
  Bài 2: Tôi là người Arem