Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tên con... tên gọi hòa bình

  • 08:33 | Thứ Ba, 16/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông nguyên là nhà báo chiến trường hoạt động tại vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh, Quảng Bình trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Như bao người dân miền Bắc XHCN, như những người con nước Việt với khát vọng thống nhất non sông… ông đặt tên các con lần lượt: Hòa, Bình, Thắng, Lợi, Hạnh, Phúc.
 
1. Ông tên Trần Quốc Vinh (SN 1932), chức vụ cao nhất khi nghỉ hưu là Vụ trưởng Vụ tổ chức, Báo Nhân Dân, hiện tại ở phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới. Ông Vinh kết hôn với bà Nguyễn Thị Tuyên (SN 1931) sinh hạ được sáu người con. Năm 1950, lúc tròn 16 tuổi, ông thoát ly theo cách mạng, tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Như bao người dân Việt hy vọng sau hai năm, hai miền thực hiện Tổng tuyển cử, non sông thu về một mối…
 
Thế nhưng cuộc trường chinh của cả dân tộc lại kéo dài 20 năm, đến Đại thắng mùa Xuân 1975 mới giành thắng lợi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
 
Trở thành người lính Vệ quốc, năm 1952, chàng trai trẻ Trần Quốc Vinh trở về thăm quê. Thấy mặt đứa cháu, ông nội bảo: “Con lấy vợ đi, sớm có cháu để ông bồng bế”. Người được giới thiệu với ông là bà Nguyễn Thị Tuyên. Tháng 10-1952, đám cưới giữa anh cán bộ kháng chiến với cô thôn nữ đẹp người, đẹp nết diễn ra, trở thành đám cưới theo đời sống mới đầu tiên trong làng.
 
“Chuyện đặt tên con cái của thế hệ ngày trước vốn ảnh hưởng rất nhiều yếu tố: về truyền thống văn hóa dân tộc; địa lý, phong tục, tập quán vùng miền; về quan niệm không được “phạm” tên tổ tiên, gia tộc… nhưng tên con là định danh một số phận, theo suốt cả đời người nên phải đẹp, hàm chứa nhiều ý nghĩa, kỳ vọng lớn lao từ đấng sinh thành"- ông Vinh kể- “Trong kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam, không những chi viện của cải, vật chất cho chiến trường mà còn đóng góp sức người vô cùng to lớn đối với tiền tuyến.
 
Ở miền Bắc, hầu hết các gia đình đều sinh rất nhiều con. Để từ đó, thanh niên miền Bắc kế thừa nhau, xung phong ra mặt trận, “Lớp cha trước lớp con sau. Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Ý nghĩa sâu xa đằng sau chuyện sinh nhiều con cái là vậy!”
 
Cưới nhau xong là đi, ông trở thành phóng viên chiến trường trên bom dưới đạn. Ngày hay tin chuẩn bị có con đầu lòng, ông Vinh tạt qua nhà, bà Tuyên hỏi chuyện đặt tên con. Ông chắc như đinh đóng cột: “Đẻ là đẻ nhiều luôn nhé, đủ sáu người. Tên tôi chuẩn bị sẵn rồi, ở nhà cứ thế mà đặt: Hòa, Bình, Thắng, Lợi, Hạnh, Phúc.
 
Nhưng nhớ thật kỹ, nếu con gái tên lót lấy chữ Minh, con trai kèm chữ Quốc”. Và ông bà Trần Quốc Vinh, Nguyễn Thị Tuyên lần lượt đón sáu người con: Trần Minh Hòa (SN1956), Trần Quốc Bình (SN 1959), Trần Quốc Thắng (SN 1962), Trần Quốc Lợi (SN 1964), Trần Minh Hạnh (SN 1967) và Trần Quốc Phúc (SN 1972).
Ảnh: Đức Thành
Ảnh: Đức Thành
Bây giờ mỗi lần nhắc chuyện đặt tên con, ông Vinh vẫn luôn tự hào: “Những năm tháng chiến tranh ác liệt, đặt tên con như tiếp thêm niềm tin cho bản thân, niềm tin cả một thế hệ, cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Những lần như thế, ông lại đưa tay vuốt mái đầu bạc phơ, cười hào sảng.
 
Theo lời dạy dỗ của ba mẹ, xứng đáng với từng cái tên thiêng liêng được đặt, các con ông Vinh sau này đều thành đạt: Nguyễn Minh Hòa, nguyên  Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp; Trần Quốc Bình, Phó GS-TS, giảng viên đại học tại Hungary; Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo; Trần Quốc Lợi, Cục trưởng Cục Thống kê; Trần Minh Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV in báo Nhân Dân Đà Nẵng...
 
2. Ông Nguyễn Học Quân (SN 1918), nguyên quán thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh. Thời kỳ tiền khởi, ông hoạt động cách mạng tại địa bàn xã Hiền Ninh rồi gặp bà Trần Thị Nghĩa, họ nên duyên vợ chồng. “Đất lành chim đậu”, ông Nguyễn Học Quân định cư tại thôn Trường Dục, quê vợ. Năm 1946, ông Quân vào bộ đội Nam tiến đánh thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Sau này, ông về Quảng Bình hoạt động trong ngành Y tế cho đến năm 1974 thì nghỉ hưu.
 
Vợ chồng ông Quân sinh hạ 6 người con: Nguyễn Thị Lùng, Nguyễn Chí Quyết, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Hữu Chí, Nguyễn Đức Hòa và Nguyễn Đại Bình. Nếu lấy tên những người con trai hợp lại sẽ thành câu khẩu hiệu: “Quyết chí hòa bình”.
 
Ngôi nhà khá khiêm tốn ở thôn Trường Dục hiện tại do người con trai thứ tư Nguyễn Đức Hòa kế thừa, chăm lo hương hỏa. Ông Hòa nguyên trước đây là Phó Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh, trong câu chuyện về đấng sinh thành, ông bùi ngùi: “Ba mẹ tôi mất đã hơn mười năm, nhưng đạo đức, nhân cách, lối sống, kỳ vọng từ ba như sợi chỉ đỏ xuyên suốt thế hệ anh chị em chúng tôi sau này. Sở dĩ ông đặt tên cho các con trai Quyết, Chí, Hòa, Bình là vì ông theo cách mạng, đi qua hai cuộc chiến tranh, khát vọng nơi ông là hòa bình, thống nhất đất nước.
 
Ba dạy, con gái thì ở hậu phương tăng gia sản xuất, con trai lớn lên phải ra nơi hòn tên, mũi đạn, góp công, góp sức quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Theo lời dạy, anh em chúng tôi nỗ lực không ngừng. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ai cũng góp một phần công sức nhỏ bé cho Tổ quốc”.
 
Trong những người con trai ông Nguyễn Học Quân có hai người trở thành tấm gương sáng cho những thế hệ cháu chắt nội tộc noi theo là Phó GS-TS Nguyễn Hữu Chí (SN 1951) nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương và Phó GS-TS Nguyễn Đại Bình (SN 1957) nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K.
 
3. Ngày Xuân nhắc chuyện đặt tên con của thế hệ trước, càng yêu thêm truyền thống, văn hóa cội nguồn, hồn cốt dân tộc. Một cái tên đẹp hàm chứa nhiều ý nghĩa, là sự kỳ vọng từ đấng sinh thành, ông bà, tổ tiên. Trong muôn vàn cách thức đặt tên con, thì ở giai đoạn lịch sử diễn ra hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, chống Mỹ, tên mỗi người lại hòa chung trong dòng chảy thời đại, khát khao chiến thắng, mơ ước thống nhất, độc lập dân tộc, đất nước hòa bình, non sông về chung một nhà.
 
Ngô Thanh Long