Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Biệt đội" ngư dân cứu hộ

  • 08:50 | Thứ Hai, 15/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng trăm chiếc bơ nan vùng biển bãi ngang được vận chuyển lên ô tô tải, kịp thời có mặt ở những địa điểm trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc các xã vùng giữa của hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh đang ngập chìm trong cơn “đại hồng thủy”. Cứu giúp đồng bào mình trong cơn hoạn nạn, đó là “mệnh lệnh” từ trái tim của những ngư dân miệt biển.
 
Vì nghĩa đồng bào
 
Anh Nguyễn Hữu Khánh, ngư dân thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) nhớ lại, tối ngày 18-10-2020, cơm nước xong, đang ngồi trước nhà thì con anh đi vào nói: “Bà con trong nớ nguy cấp lắm rồi, nhà ngập hết mà thuyền cứu hộ thì ít, nhiều bà con kêu cứu đó…!”. Nghe con nói, anh Khánh hỏi lại: “Mình thì có thuyền đây, có người đây nhưng chừ vô trong nớ bằng cách chi đây, lấy chi mà chở thuyền, đêm hôm thế này…!”.
 
Cùng thôn Thượng Hải, anh Ngô Minh Long, cập nhật tình hình lũ lụt qua mạng xã hội. “Thấy bà con kêu cứu trên Facebook muốn ngủ cũng không được, nằm xuống giường rồi lại bật dậy. Bà con vùng lũ thì đang cần, mình thuyền có, người có đây mà không biết đi cách chi để vào cứu giúp bà con vùng lũ đến nơi an toàn…”, anh Long nói.
Bơ nan của các “biệt đội” ngư dân tham gia cứu hộ và vận chuyển lương thực tiếp tế cho người dân vùng lũ.
Bơ nan của các “biệt đội” ngư dân tham gia cứu hộ và vận chuyển lương thực tiếp tế cho người dân vùng lũ.
Nghĩa đồng bào, hàng nghìn người dân các xã biển bãi ngang huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh trong đêm 18-10 cũng bồn chồn không yên. “Khi nghe có tiếng xe ô tô và những vệt đèn pha quét về phía bãi biển là chúng tôi biết có xe ra chở thuyền rồi. Anh em ào ra bốc thuyền lên xe tải, phân công nhau người đi trước, người đi sau.
 
Ngay trong đêm 18-10, chúng tôi đã có 6 thuyền vào tập kết ở ngã ba Cam Liên, bắt tay ngay vào việc tham gia cứu hộ. Số thuyền còn lại rạng sáng ngày 19-10 tiếp tục xuất phát”, anh Ngô Minh Long cho biết.
 
Ở xã biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, ngay trong khuya 18-10, một số thuyền cá đã được chở vào tập kết ở khu vực Dinh Mười để sẵn sàng tham gia cứu hộ. Sáng 19-10, sau khi nghe thông báo của chính quyền địa phương, những chiếc bơ nan cùng ngư dân đã “xuất kích” lên đường.
 
Anh Nguyễn Xuân Thỏa, thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh tâm sự: “Sáng sớm ngày 19-10, nghe thôn thông báo trên loa là anh em chúng tôi tập hợp lại, bốc thuyền lên xe tải đi ngay, mỗi thuyền đi mang theo tầm 5-6 người vừa luân phiên cứu hộ, vừa hỗ trợ vận chuyển hàng hóa. Bình thường, mỗi chiếc thuyền này 10 người chưa chắc nhấc lên được, nhưng hôm đó chúng tôi chỉ 6-7 người thôi cũng nhấc bổng nó lên thùng ô tô tải gọn gàng…”.
 
“Mệnh lệnh” từ trái tim!
 
Một sự may mắn, trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10-2020, xã Hải Ninh và xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc là những địa phương duy nhất của hai huyện không bị nước lũ đe dọa. Cũng nhờ vậy nên gần 150 chiếc bơ nan cùng hàng trăm ngư dân sức vóc, dạn dày kinh nghiệm được huy động đã không chút đắn đo, gấp rút “hành quân” ngay vào vùng lũ, vượt lên sóng to gió lớn cứu được hàng nghìn người dân ở giữa tâm lũ đến nơi an toàn.
 
Trong câu chuyện với ngư dân Ngô Minh Long, thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy anh cho biết, không thể nhớ hết là thuyền của anh đã cứu giúp được bao nhiêu người từ vùng ngập sâu đến nơi an toàn. “Có một chuyến tôi chở người ở thôn Bình Minh, xã Dương Thủy đi sơ tán thì gặp 1 trường hợp sản phụ đau đẻ lắm rồi mà không tới viện được vì không có thuyền.
 
Vậy là tôi chở luôn chị ấy và người nhà đến Bệnh viên đa khoa huyện Lệ Thủy. Lúc này khoảng 12h ngày 19-10, đói không chịu nổi, chúng tôi chạy thuyền tìm các nhà cao tầng để xin ăn, mấy anh em ai cũng nhớ mãi đến nay”, anh Long giọng bùi ngùi.
Ngư dân Trần Văn Minh, 41 tuổi, thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh kể lại chuyến đi cứu hộ với phóng viên: "Tui nghe thôn thông báo là tức tốc đưa thuyền lên xe tải đi vào khu vực Dinh Mười ngay trong sáng 19-10. Chuyến đầu tiên đi xã Tân Ninh, rồi cứ thế lần lượt đi các xã Hàm Ninh, Duy Ninh để chở hàng và cứu hộ.
 
Khi đến thôn Tả Phan, xã Duy Ninh gặp 3 mẹ con trong một gia đình ngồi khóc do nhà bị ngập sâu, tui chở qua bên Dinh Mười tá túc an toàn". “Ngán nhất là vô những vùng ngập sâu mà gặp tường rào gắn chông phía trên, thủng thuyền, mẻ chân vịt là cái chắc. Tuy nhiên, anh em lái thuyền toàn là ngư dân có kinh nghiệm, điều khiển rất giỏi nên hoạt động cứu hộ, cứu trợ rất an toàn”, anh Minh bộc bạch.
 
Trong đợt lũ lụt lịch sử này, xã Ngư Thủy Bắc đã huy động 54 thuyền và hơn 325 ngư dân; xã Ngư Thủy 64 chiếc và trên 350 ngư dân; xã Hải Ninh 20 thuyền với hơn 100 lượt ngư dân trực tiếp vào vùng lũ để ứng cứu bà con bị ngập sâu trong nước và tiếp tế lương thực, thực phẩm.
 
Người dân vùng lũ hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy rất cảm kích trước tấm lòng nghĩa hiệp của ngư dân vùng biển. Cùng với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhờ có những ngư dân mang “mệnh lệnh” từ trái tim kịp thời “xuất kích” mà hàng nghìn người dân an toàn trong cơn lũ dữ.
 
Không nghĩ đến chuyện khen thưởng
 
Sau những ngày đêm cứu hộ, cũng chính những con thuyền và những ngư dân lại kiên trì bám trụ ở vùng lũ để làm nhiệm vụ cứu trợ, giúp đỡ hàng trăm đoàn thiện nguyện tiếp tế hàng hóa, lương thực cho bà con. Đặc biệt, hàng trăm phụ nữ vùng biển vừa túc trực nấu nướng phục vụ cho lực lượng cứu hộ của xã nhà, vừa vận động, kêu gọi hỗ trợ hàng hóa cho người dân vùng lũ.
 
Họ say sưa cứu hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ đến mức “quên luôn” là gia đình mình cũng đến lúc không còn cái ăn, lâm vào khó khăn tạm thời do mưa lũ không sản xuất, đánh bắt được, gạo mắm, cá khô cũng đã mang đi cứu trợ hết... 
 
Ghi nhận những việc làm mang đầy nhân văn của ngư dân sau cơn “đại hồng thủy”, chính quyền huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đã kịp thời khen thưởng, biểu dương các chủ thuyền, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật thời điểm đó cũng đã có thư khen những hành động nghĩa hiệp của ngư dân miệt biển bãi ngang. Càng vinh dự là các cấp có thẩm quyền đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho nhân dân và cán bộ của các xã bãi ngang Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy và Hải Ninh.
 
Ngư dân Nguyễn Hữu Khánh, xã Ngư Thủy chia sẻ: “Chúng tôi đi cứu hộ bởi bà con vùng lũ đang cần, anh em tự nguyện hoàn toàn, không ai nghĩ đến chuyện sẽ được khen thưởng gì đâu. Không ai mong muốn thiên tai lũ lụt xảy ra, nhưng nếu những năm sau mà có bão lụt, chúng tôi lại lên đường!”. Cũng như anh Khánh, nhiều ngư dân chúng tôi có dịp gặp gỡ đều cho rằng: Cứu hộ là bởi bà con vùng lũ đang cần... Nhưng những phần thưởng là hết sức xứng đáng, là sự ghi nhận, biểu dương kịp thời cho những đóng góp của cán bộ, nhân dân các xã bãi ngang.
 
Cơn “đại hồng thủy” trong tháng 10-2020 đã “lập kỷ lục” về sức tàn phá, đỉnh lũ cao trên 1m so với tất cả các đỉnh lũ từ xưa đến nay ở Quảng Ninh và Lệ Thủy. Và cũng trong cơn “đại hồng thủy” này, lần đầu tiên trong lịch sử ngư dân miệt biển rầm rộ đưa thuyền cá vào cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào vùng lũ hai huyện. Không ai mong muốn nhưng thiên tai, lũ lụt vẫn cứ xảy đến và ngày càng khốc liệt hơn. Và để phòng chống thiên tai hiệu quả, bên cạnh lực lượng chức năng, rất cần có những “biệt đội” cứu hộ, với nhân lực và phương tiện sẵn có, với nghĩa đồng bào sâu nặng ân tình như ngư dân vùng biển bãi ngang.
 
Anh Tuấn