Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nỗi lo sạt lở bờ biển ở Ngư Thủy…

  • 08:15 | Thứ Năm, 03/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, tại bờ biển xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, hiện tượng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng lớn đã khiến cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở đây thấp thỏm, lo âu. Hiện tượng bờ biển sạt lở làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của người dân và khiến cho những cánh rừng phi lao phòng hộ có tuổi đời hàng chục năm đứng trước nguy cơ dần biến mất…
 
Xã Ngư Thủy có khoảng gần 20km chiều dài đường bờ biển. Theo các bậc cao niên của địa phương, những năm trước, bờ biển ở đây vẫn còn cách xa khu dân cư hàng trăm mét, nhưng đến nay, bờ biển đã ăn sâu vào gần đến sát nhà dân. Đặc biệt, do bờ biển không có hệ thống kè chắn sóng, những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển đã bị sóng biển đánh bật qua hàng năm nên cứ mỗi khi gặp mưa bão, triều cường lại gây sạt lở. Và năm nay, tình trạng sạt lở bờ biển ở Ngư Thủy lại diễn ra nghiêm trọng hơn.
 
Theo chân ông Nguyễn Phương Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy, chúng tôi có mặt tại thôn Liêm Bắc, địa điểm bị sạt lở bờ biển nghiêm trọng của địa phương với việc biển đã lấn sâu vào đất liền từ 10-15m, chiều dài hàng trăm mét. 
Ông Trần Văn Khoái, thôn Liêm Bắc lo lắng: “Vườn nhà tôi, trước đây cách biển hàng trăm mét, bây giờ biển đã cận kề…”.
Ông Trần Văn Khoái, thôn Liêm Bắc lo lắng: “Vườn nhà tôi, trước đây cách biển hàng trăm mét, bây giờ biển đã cận kề…”.
Ông Trần Văn Khoái (SN 1937) thôn Liêm Bắc lo lắng cho biết: “Tôi đã hơn 80 tuổi rồi, chưa bao giờ thấy sạt lở bờ biển mạnh như năm nay. Mấy năm trước, sạt lở hàng năm cũng lấn vào đất liền cũng chỉ độ 1-2m. Năm nay, sạt lở đã lên đến cả hơn chục mét. Vườn nhà tôi, trước đây cách biển hàng trăm mét, bây giờ biển đã cận kề. Sạt lở ăn sâu vào đất liền còn khiến cho hàng phi lao chắn sóng được trồng trước nhà tôi hàng chục năm trước đang đứng trước nguy cơ bị sóng cuốn…”.
 
Cũng theo ông Khoái, sạt lở bờ biển ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày của hơn 160 hộ dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy, hải sản nơi đây.
 
“Trước đây, mỗi lần đi biển, người dân trong thôn Liêm Bắc chỉ cần mượn vài người để di chuyển thuyền đánh cá từ trên bờ xuống biển. Nay, do sạt lở, chiều cao của bờ cát nơi neo đậu thuyền đã cao hơn mặt biển 5m, vì vậy, để di chuyển thuyền xuống biển người dân trong thôn phải thuê máy cẩu hoặc dùng tời máy để kéo thuyền. Do vậy, rất vất vả và tốn kém tiền bạc cho ngư dân khi bám biển…”, ông Khoái chia sẻ.
Một đoạn bờ biển sạt lở tại xã Ngư Thủy.
Một đoạn bờ biển sạt lở tại xã Ngư Thủy.
Rời thôn Liêm Bắc chúng tôi di chuyển vào thôn Tây Thôn, giáp với xã Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu thêm về tình trạng sạt lở bờ biển của xã Ngư Thủy.
 
Gặp ông Mai Xuân Hiện (SN 1969) trên con đường bê tông dẫn ra biển, ông Hiện cho biết: “Tôi đã bám biển hơn 30 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra mạnh như năm nay. Năm 1985, ở đây cũng có tình trạng sạt lở bờ biển mạnh, nhưng chỉ ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 1m. Năm nay, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng nhất, có đoạn biển đã xâm thực vào bờ khoảng gần 20m. Con đường bê tông dẫn ra biển của thôn vừa được người dân làm, nay đã bị sóng biển đánh sập với chiều dài gần 20m. Nếu tình trạng sạt lở bờ biển như thế này còn kéo dài thêm 1-2 năm nữa thì những người dân ở đây chắc phải di chuyển đến nơi khác để ở thôi…!”.
 
Cũng theo chia sẻ của ông Hiện, ngôi nhà của ông hiện còn cách bờ biển khoảng 150m, người dân trong thôn cũng đã phản ánh tình trạng này đến chính quyền địa phương mong tìm giải pháp căn cơ để khắc phục.
Đường giao thông ở thôn Tây Thôn bị sóng biển đánh sập.
Đường giao thông ở thôn Tây Thôn bị sóng biển đánh sập.
Trao đổi với ông Nguyễn Phương Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy về tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra ở địa phương, ông cho biết, hiện tượng sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở xã Ngư Thủy từ cơn bão số 10 năm 2020 đến nay. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có hơn 14km bờ biển bị sạt lở, trong đó, có 4 thôn có bờ biển sạt lở nặng gồm: thôn Tây Thôn, Liêm Nam, Liêm Bắc, Nam Tiến với chiều dài sạt lở khoảng 6km. Sạt lở bờ biển đã cũng đã cuốn trôi 20m đường bê tông; nhiều hàng cây chắn cát và vùi lấp, cuốn trôi hơn 100 cây phi lao phòng hộ ven biển, có tuổi đời hàng chục năm.
 
“Hiện tượng sạt lở bờ biển đang diễn ra trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại đáng kể cho người dân địa phương, trước hết, là ảnh hưởng đến việc neo đậu tàu thuyền, việc đi lại của bà con và những cánh rừng phòng hộ ven biển đang bị mất dần. Để xử lý và khắc phục bước đầu tình trạng này, địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo cho người dân và huy động máy móc để san ủi cát sạt lở. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương có hạn nên không thể giải quyết được gì nhiều, rất mong sự quan tâm của các ban, ngành cấp trên…”, ông Thăng bộc bạch.
 
Đề cập đến vấn đề sạt lở bờ biển ở xã Ngư Thủy, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết rằng, trước mắt, địa phương cần bám sát, theo dõi diễn biến các khu vực sạt lở nguy hiểm để có biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, cần tập trung khắc phục hậu quả tạm thời, sau đó từng bước kêu gọi và tranh thủ nguồn lực của các cấp, chính quyền, nhân dân để xử lý những điểm sạt lở…
 
Ngọc Hải