Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Mất ruộng" sau lũ...

  • 09:29 | Thứ Tư, 16/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau đợt mưa lũ kéo dài, hàng trăm hecta đất ruộng trên địa bàn tỉnh bị bùn đất vùi lấp nghiêm trọng. Trong đó, có hàng chục hecta rơi vào tình trạng không thể tái sản xuất trong khi vụ đông-xuân đang cận kề. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp để giúp người dân khôi phục sản xuất.
 
Ruộng thành đầm lầy
 
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 120ha ruộng các loại bị bùn đất vùi lấp sau lũ. Trong đó, có khoảng một phần ba rơi vào tình trạng không thể sản xuất được. Xã Hưng Trạch (Bố Trạch) là nơi có diện tích ruộng bị bùn đất vùi lấp nhiều nhất và cũng ở mức nghiêm trọng nhất.
Người dân có diện tích ruộng bị bùn đất vùi lấp sâu ở xã Hưng Trạch (Bố Trạch) không thể sản xuất vụ đông-xuân đúng lịch thời vụ.
Người dân có diện tích ruộng bị bùn đất vùi lấp sâu ở xã Hưng Trạch (Bố Trạch) không thể sản xuất vụ đông-xuân đúng lịch thời vụ.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, trên địa bàn xã có hơn 26ha đất ruộng bị bùn đất vùi lấp sau trận lũ vừa qua, trong đó, có cả ruộng lúa và ruộng hoa màu. Hơn một tháng kể từ khi lũ rút, chính quyền xã đã tìm nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa có cách nào “cứu” được diện tích đất ruộng này để giúp người dân sản xuất kịp mùa vụ. Theo chân cán bộ xã đến cánh đồng của thôn Khương Hà 4, chúng tôi mới thấy được sự nghiêm trọng của tình trạng ruộng bị vùi lấp sau lũ. Toàn bộ cánh đồng mấy hecta của thôn được bồi thêm một lớp bùn dày đặc. Thời điểm hiện tại, nhiều vị trí bùn mới chỉ khô ở bề mặt và tạo ra nhiều đường nứt, còn một số nơi vẫn đặc quánh.
 
Cán bộ xã Hưng Trạch đã từng dùng cây chọc thử xuống để đo, có nhiều vị trí bùn đóng sâu đến hơn 1m. Còn lại đa số đều sâu từ 0,5-0,8m. Bà Ngô Thị Vinh, ở thôn Khương Hà 4 cho hay: “Gia đình tôi có 2 sào ruộng, tất cả đều bị bùn đất phủ dày đặc. Bình thường như mọi năm đến thời điểm này, tôi đã ra đồng làm đất, chuẩn bị giống má gieo sạ vụ đông-xuân. Nhưng năm nay, ruộng bị bùn lấp hơn nửa mét, đến mức lấp luôn bờ nên cả đồng ruộng như hoang mạc!”.
 
Cũng theo UBND xã Hưng trạch, những thôn có diện tích ruộng bị bùn đất vùi lấp nhiều nhất là Khương Hà 3, Khương Hà 4, Khương Hà 5 và thôn Đông Giang. Mỗi thôn có từ vài chục đến vài trăm hộ có đất ruộng lúa hoặc hoa màu bị vùi lấp. Mỗi hộ bình quân bị vùi lấp từ 1-3 sào đất.
 
“Điều đáng lo nhất là tất cả diện tích bị vùi lấp này đã không thể phục hồi để trồng lúa và hoa màu được. Vì bùn đất này không phải là phù sa như trước đây, mà đây là đất sỏi pha sét. Chất đất này giống với loại đất tại những điểm sạt lở trên những ngọn núi ở sâu trong rừng”, ông Lê Ngọc Sơn cho biết.
 Cánh đồng thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) bị bùn đất vùi lấp dày đặc sau mưa lũ.
Cánh đồng thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) bị bùn đất vùi lấp dày đặc sau mưa lũ.
Tình trạng đất ruộng bị vùi lấp không chỉ ở huyện Bố trạch mà còn xuất hiện rải rác ở nhiều xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh sau đợt mưa lũ. Tại xã Trường Sơn, ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã cho biết, gần như toàn bộ hơn 110ha đất màu trồng lạc của xã đã bị bùn đất vùi lấp nên đến thời điểm hiện tại chưa thể vào sản xuất vụ mới được. Theo ông Nhì, diện tích này hiện bị bùn đất bồi lấp khoảng từ 0,4-0,5m.
 
“Chưa khi nào mưa lũ lại gây ra hậu quả lớn và ảnh hưởng lâu dài như đợt mưa lũ vừa qua. Nếu không tính toán giải pháp phù hợp thì rất có thể người nông dân sẽ mất luôn cả mùa vụ mới”, ông Nhì nói.
 
Chuyển đổi...
 
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, hiện tại, hàng trăm hộ dân có đất ruộng bị vùi lấp trên địa bàn vẫn chưa thể bắt tay vào sản xuất vụ đông-xuân dù mùa vụ mới đã kề cận. Người dân đang vô cùng lúng túng vì chưa biết phải xử lý như thế nào với lớp bùn đất dày đặc phủ lên mặt ruộng. Để có thể dọn sạch được lớp bùn đất này sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí vô cùng lớn mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không đủ nội lực để thực hiện. Nếu không có giải pháp kịp thời thì người dân không thể sản xuất vụ đông-xuân theo đúng lịch thời vụ.
 
Sau khi lũ rút, UBND xã Hưng Trạch đã có báo cáo gửi Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố trạch để tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các đơn vị chuyên môn của phòng và Sở Nông nghiệp-PTNT cũng đã về khảo sát thực tế, hiện ở nhiều khu vực, lớp bùn đất chỉ mới khô bề mặt chứ chưa khô ở lớp đáy.
 
Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Sau khi khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, giải pháp được đưa ra là người dân phải cày ruộng sâu hơn bình thường. Nhưng phải ít nhất sau một tuần trời nắng thì việc này mới triển khai được. Diện tích bị bùn sét không thể trồng lạc, UBND xã sẽ khuyến cáo người dân chuyển đổi qua trồng ngô”.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Trường Sơn (Quảng Ninh) bị bùn đất vùi lấp.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Trường Sơn (Quảng Ninh) bị bùn đất vùi lấp.
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, ngành nông nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ giúp dân có ruộng bị bùn đất vùi lấp. Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT, trong đó có Viện nghiên cứu Nông nghiệp đã về xã Hưng Trạch nắm tình hình thực tế và tìm giải pháp giúp người dân. Kết quả khảo sát bước đầu của Bộ Nông nghiệp-PTNT cho thấy, toàn bộ 26ha đất ruộng của xã Hưng Trạch bị vùi lấp hiện không thể khôi phục để sản xuất lúa và hoa màu như trước.
 
“Trước mắt, có hai phương án để người dân chuyển đổi diện tích đất bùn bị vùi lấp sang nuôi-trồng hoa màu khác. Những diện tích ruộng lúa bị bùn đất vùi lấp sâu sẽ để người dân đào ao nuôi cá. Còn những diện tích ruộng màu bị lấp sẽ tiến hành trồng thử nghiệm bí ngồi một mùa. Nếu hiệu quả tốt sẽ triển khai tiếp”, ông Mai Văn Minh cho hay.
 
L.Chi