Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trường Sơn… những ngày đường tắc, lũ vây

  • 08:15 | Thứ Ba, 10/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 26-10-2020, sau một thời gian đắn đo nên hay không nên đưa hàng lên cứu trợ đồng bào xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh), chúng tôi quyết định đưa hai xe hàng vào với đồng bào. Đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây đến xã bị tắc do sạt lở nặng tại Km 117+300. Gặp Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhì đang ứng trực chỉ đạo công tác thông đường, gương mặt anh khá mệt mỏi qua hơn chục ngày Trường Sơn bị cô lập. “Nếu đường vào xã không thông, vài ba ngày tới đồng bào Trường Sơn sẽ đói”, anh bảo.
 
Đi qua những ngày đường tắc
 
Ngầm Khe Đen bị cuốn trôi chia cắt hai bản PLoang, Rìn Rìn
Ngầm Khe Đen bị cuốn trôi chia cắt hai bản PLoang, Rìn Rìn

Nếu bình thường, đến xã Trường Sơn có ba tuyến đường: từ Phong Nha- Kẻ Bàng qua U Bò; từ thị trấn nông trường Việt Trung theo Quốc lộ 9E và theo Quốc lộ 9B vòng lại đường Hồ Chí Minh nhánh tây.

Sau hơn 10 ngày dầm trong mưa lũ, tất cả hệ thống đường giao thông nối với xã Trường Sơn bị sạt lở nặng nề. Quốc lộ 9E sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá chưa khắc phục xong ở Trạm quản lý bảo vệ rừng Thác Voi. Đường Hồ Chí Minh nhánh phía bắc hư hỏng tại điểm cầu Rìn Rìn. Quốc lộ 9B và đường Hồ Chí Minh phía nam ra tồn tại hàng trăm điểm sạt lở, trong đó nặng nhất ở Km 41, Km 45 (QL 9B) và Km117+300 (đường Hồ Chí Minh).

Cho đến chiều tối ngày 26-10, dù đã huy động tổng lực người và phương tiện khắc phục sự cố tại Km117+300 nhưng do khối lượng đất đá quá lớn lên đến hàng nghìn mét khối nên đường vẫn chưa thông.

Xuất phát từ TP. Đồng Hới lúc 12 giờ trưa, đến 19 giờ ngày 26-10, đoàn chúng tôi mới tới trung tâm xã Trường Sơn. Ngày hôm sau, tranh thủ thời tiết khô ráo, UBND xã Trường Sơn, Hạt quản lý đường bộ Trường Sơn đã huy động tổng lực phương tiện, nhân lực, quyết tâm thông tuyến đoạn Km117+300 để hàng cứu trợ lên với người dân.
 
Cũng trong ngày 27-10, chúng tôi kịp đến với đồng bào Vân Kiều tại các bản Sắt, Trung Sơn, Dốc Mây, PLoang, Rìn Rìn… để hiểu hơn cuộc sống đồng bào khi chịu ảnh hưởng nặng nề của hai trận lụt lớn phía đầu nguồn sông Long Đại. 11 giờ sáng, tin vui báo về, xe qua được Km117+300 an toàn.
 Nỗ lực thông đường đến xã Trường Sơn
Nỗ lực thông đường đến xã Trường Sơn
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhì trao đổi: “Sau hai trận lũ, người dân Trường Sơn xem như trắng tay, nhất là đồng bào Vân Kiều. Diện tích lúa rẫy và sắn, hai loại cây trồng chủ lực ở các bản hoàn toàn mất trắng vì nước lũ. Tại các bản xa do đường tắc, lũ vây, đường bị cô lập nên đồng bào hoàn toàn tự chủ, cố gắng cầm cự chờ sự hỗ trợ từ miền xuôi”.
 
Già làng Hồ Hưng ở bản Dốc Mây “thiệt bụng”: “Đồng bào biết đường đến bản chưa thông nên động viên nhau có chi ăn nấy, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Bà con tin Đảng, Nhà nước không quên đồng bào mô. Nước rút, gạo cơm sẽ kịp đến bản ngay”.
 
Bản làng bị lũ vây
 
Ông Nguyễn Văn Muôn, trưởng bản Sắt bần thần: “Lần đầu tiên dân bản biết đến một cái lụt to đến vậy. Nước lên mà không chịu xuống, cứ trắng cả cánh đồng bản Sắt từ đêm 18-10 đến nay. 34 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu trong lũ lụt lại đối mặt với hiện tượng sạt lở núi. Ngọn núi Sắt sau lưng bản xuất hiện vệt nứt dài khoảng 700m. Nhiều hộ dân phải di dời lên chỗ an toàn che bạt ở tạm. Cái ăn, cái mặc giờ không lo vì miền xuôi lên hỗ trợ. Lo nhất là chỗ ở thiếu an toàn”.
 
Dốc Mây, bản sát biên giới Việt- Lào, nơi sinh sống của 23 hộ, 98 khẩu đồng bào Vân Kiều cho đến ngày 27-10 mới có thể cắt rừng, lội suối ra nhận lương thực, thực phẩm tập kết tại đập thủy lợi Trung Sơn.
 
Hồ Văn Thiu, Bí thư chi bộ bản chia sẻ với chúng tôi: “Đường đi còn nguy hiểm lắm, phải vượt qua hàng chục điểm ngập, trong đó có 9 điểm nước ngập sâu. Nhưng bà con phải ra gùi gạo, lương thực, nhu yếu phẩm vô thôi. Để tích trữ lại, chứ nếu bị lũ vây thêm nữa sẽ đói đứt bữa”.
 
Từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi vào hai bản PLoang, Rìn Rìn, nước lũ phá tan hoang ngầm tràn Khe Đen. Bản PLoang có 32 hộ, 135 nhân khẩu; bản Rìn Rìn 26 hộ, 100 khẩu, đều là đồng bào Vân Kiều. Nước lũ phá nát đường đi, bà con chỉ còn biết bao bọc nhau chờ nước rút.
 
Bản Trung Sơn, trận lũ trước bị cô lập đến 8 ngày, đợt lũ sau chịu thêm 7 ngày tắc đường. Nước rút đi, để lại sự hoang tàn cho bản. Trung Sơn có 78 hộ dân, 352 nhân khẩu, cây trồng chủ lực của bản là sắn. Sau lũ ngâm, lũ ngập, 100% diện tích sắn tại bản Trung Sơn bị hư hỏng.
 
Chị Hồ Thị Dần ngồi bần thần trên diện tích khoảng 2 sào sắn của gia đình, buồn bã nói: “Cố gắng tận thu những gì còn sót lại để bán lấy tiền mua thức ăn. Vì sắn ngập nước nên giá rẻ như cho, một nghìn đồng một cân”.
 Sau những ngày đường tắc, lũ vây, đồng bào bản Dốc Mây đã được hỗ trợ lương thực, thực phẩm
Sau những ngày đường tắc, lũ vây, đồng bào bản Dốc Mây đã được hỗ trợ lương thực, thực phẩm
Sau lũ vây, các cô giáo mầm non bản Trung Sơn trở lại với điểm trường, với những đứa trẻ Vân Kiều hồn hậu, tổ chức buổi học đầu tiên vào ngày 27-10. Những đứa trẻ Vân Kiều vô tư, không biết đến nỗi khổ bố mẹ sau những ngày đường tắc, lũ vây, vẫn trong trẻo từng nụ cười. Cô giáo Trương Thị Thúy Nga, phụ trách điểm trường Trung Sơn bảo: “Thương bọn trẻ… sau lũ lụt, các cháu cần nhiều đến cái ăn, cái mặc”.
 
Bài học về an toàn khi đường tắc, lũ vây
 
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cùng chúng tôi trở lại điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn cầu Rìn Rìn và điểm ngầm cầu Khe Đen bị nước cuốn trôi dài hơn 20m. Nguyễn Văn Nhì kể: “Ra đây mà bản thân vẫn còn ám ảnh về những thầy cô và người dân bị mắc kẹt chỗ ngầm Khe Đen đêm 19 và sự cứu hộ thành công từ các lực lượng chức năng của xã vào sáng 20-10”.
 
Theo lời kể Nguyễn Văn Nhì, vì quá lo lắng chuyện gia đình, các thầy cô gồm Trần Xuân Trường, Nguyễn Thị Nhi, Nguyễn Thị Mai, giáo viên tại điểm trường PLoang, Rìn Rìn thuộc Trường tiểu học Trường Sơn cùng hai cặp vợ chồng người dân đi làm rừng đã quyết định băng lũ về nhà. Đến ngầm Khe Đen, do ngầm bị trôi nên phụ nữ ở lại phía bản. Ba người đàn ông liều lĩnh lội qua ngầm Khe Đen đến Lâm trường Trường Sơn kêu cứu.
 Sau khi đường thông, nhiều chuyến xe hỗ trợ đã lên với người dân xã Trường Sơn
Sau khi đường thông, nhiều chuyến xe hỗ trợ đã lên với người dân xã Trường Sơn
Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ xã Trường Sơn, Bộ đội biên phòng Đồn Làng Mô nhanh chóng tiếp cận cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người bị lũ vây. Phương án cứu hộ duy nhất đưa ra là sáng 20-10 điều đò chạy từ xã Trường Sơn lên Khe Đen ứng cứu. Đêm 19, sáng ngày 20, mưa rất lớn…
 
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nhì lo thức trắng đêm: “Nghĩ dại… mấy cô, mấy thầy ở lại liều lĩnh vượt ngầm Khe Đen, lỡ có chuyện chi thì ân hận cả đời. Mong cho đến sáng. Sáng 20-10, con đò dọc băng mình trong nước lũ tiếp cận những người gặp nạn, cứu hộ thành công và chở mọi người về bản Khe Cát an toàn trong hạnh phúc vỡ òa”.
 
“Sau sự việc này, thêm một lần nữa chúng tôi càng thấm thía hơn phương châm “bốn tại chỗ” khi thiên tai, lụt bão xảy ra. Đối với địa bàn phức tạp, luôn bị  lũ chia cắt thường xuyên như xã Trường Sơn, càng phải quán triệt hơn phương châm “bốn tại chỗ” để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người”, Nguyễn Văn Nhì chia sẻ.
 
Sau những ngày đường tắc, lũ vây… những chuyến hàng nghĩa tình từ miền xuôi nối nhau lên với xã Trường Sơn. Đồng bào Trường Sơn càng thấm thía hơn… vì rằng qua cơn hoạn nạn, mới tỏ được lòng nhau.
Ngô Thanh Long