Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Quảng Trạch:

Rộn ràng mùa biển

  • 12:23 | Chủ Nhật, 28/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau thời gian khá dài phải nằm bờ, những tháng gần đây, hàng chục chiếc tàu thuyền đánh bắt hải sản công suất lớn, nhỏ của ngư dân ở các xã Cảnh Dương, Quảng Phú (Quảng Trạch) đã vươn khơi bám biển trở lại và cập bờ trong niềm vui được mùa các hải sản giá trị.
 
Vươn khơi sau những ngày nằm bờ
 
Cách đây 5 tháng trước, cảnh hàng chục tàu thuyền công suất lớn, nhỏ đều trong tình trạng nằm bờ trong thời gian khá dài không còn là chuyện lạ ở xã Cảnh Dương và xã Quảng Phú. Tàu nằm bờ, cả chủ tàu và những người dân làm các dịch vụ hậu cần nghề biển cũng gặp cảnh lao đao không kém. Nhiều nơi phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa và thậm chí là phá sản.
 
Tuy nhiên, trái ngược với không khí im lìm cách đây mấy tháng, dọc theo khu neo đậu tàu thuyền của 2 xã Cảnh Dương, Quảng Phú những ngày này, không khí rộn ràng, tấp nập với cảnh tàu thuyền ra vào và bà con ngư dân vận chuyển cá vào bờ đóng gói xuất bán cho thương lái.
 Tàu ra khơi đánh bắt giúp nhiều người dân có thêm việc làm.
Tàu ra khơi đánh bắt giúp nhiều người dân có thêm việc làm.
Vừa trở về sau chuyến ra khơi đánh bắt gần 15 ngày trên biển, anh Nguyễn Cường, xã Cảnh Dương vui mừng cho biết, sau một thời gian phải nằm bờ do không tìm được bạn tàu và nguồn hải sản khai thác ít, gần đây, tàu cá công suất 830 CV của anh đã ra khơi trở lại. Chuyến đi này anh đánh bắt được hơn 1 tấn cá hố và mực. Sau khi trừ mọi chi phí, anh thu được mấy chục triệu đồng.
 
Tay thoăn thoát đóng cá vào thùng, chị Nguyễn Thị Thu vừa phấn khởi nói: “Chuyến ra khơi này, vợ chồng tôi đánh bắt được hơn 1,3 tấn cá hố. Số cá hố này sau khi được đóng vào các thùng xốp sẽ được xuất bán cho các thương lái”.
 
Không chỉ ở Cảnh Dương, tình hình sản xuất của bà con ngư dân xã Quảng Phú cũng đã trở lại bình thường. Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ tàu cá có công suất 850 CV chia sẻ: "Những tháng trước do quy định các tàu công suất lớn phải lắp máy giám sát hành trình mới được ra khơi nên tàu tôi và một số tàu cá trong xã phải nằm bờ để trang bị lại máy móc. Sau khi đã lắp đặt xong máy giám sát hành trình, tàu tôi lại tiếp tục ra khơi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và trở về cách đây mấy ngày. Chuyến đi vừa rồi, tàuđánh bắt được 5 tấn mực và cá các loại. Sau khi trừ chi phí, chuyến tàu này, tôi lãi hơn 100 triệu đồng".
 
Làng biển “hồi sinh”
 
Ông Đồng Vinh Quảng, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: "Cảnh Dương có khoảng 640 tàu thuyền, trong đó có khoảng 200 chiếc công suất lớn thường xuyên đánh bắt xa bờ. Trước đây, do sản lượng khai thác đạt thấp, nhiều tàu cá không tìm được bạn tàu và một số tàu cá vướng Nghị định 26/2019/NĐ-CP nên không thể ra khơi. Đến nay, tất cả các tàu thuyền dưới 15m, có công suất trên 90 CV không đủ điều kiện để đánh bắt vùng khơi đã cơ bản được ngư dân cải hoán đạt tiêu chuẩn vươn khơi.
 
Sản lượng khai thác hải sản của xã Cảnh Dương 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong những tháng hè tới, dự đoán sản lượng đánh bắt của bà con ngư dân sẽ đạt cao hơn. Hiện tại, chỉ có khoảng 40 chiếc đang phải nằm bờ do các chủ tàu làm ăn thua lỗ không bảo đảm khả năng để vươn khơi, số tàu còn lại đều ra khơi đánh bắt và được mùa cá vụ Nam".
    Người dân vui mừng được mùa cá hố
Người dân vui mừng được mùa cá hố
Tàu thuyền ra khơi đánh bắt trở lại không chỉ giúp các chủ tàu có nguồn thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương trên bờ. Khi những con tàu đánh bắt vừa cập bờ, hàng chục lao động lại bắt đầu tất bật với công việc quen thuộc trước đây của mình. Bà Nguyễn Thị Thương (55 tuổi), xã Cảnh Dương cho biết, bà đã gắn bó với công việc phân loại thủy sản cho các tàu từ mấy chục năm nay. Ở địa phương mà hầu hết người dân đều sống dựa vào biển, ngoài công việc này thì không có công việc nào phù hợp hơn với sức khỏe của bà. Công việc không quá vất vả nhưng cho thu nhập ổn định.
 
Với những người làm các nghề, như: phân loại, sơ chế thủy sản..., công việc của họ phụ thuộc hoàn toàn vào các tàu đánh bắt. Tàu ra khơi đồng nghĩa với việc những lao động này có việc làm. “ Nghề phân loại thủy sản cũng kiếm được 100.000 đồng/ngày. Họ đi biển thì mình mới có việc để làm, chứ họ không đi thì xem như mình thất nghiệp”, bà Nguyễn Thị Lài, xã Quảng Phú cho hay.  
 
Tàu ra khơi đánh bắt trở lại cũng giúp các dịch vụ hậu cần khác được “hồi sinh”. Mặc dù số lượng bán ra chưa bằng so với những năm trước nhưng so với cảnh phải đóng cửa thì đây là niềm vui và hy vọng của những người làm nghề sống dựa vào biển. Trở lại với xưởng sản xuất đá cung cấp cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ của gia đình ông Lê Thành Vinh ở xã Cảnh Dương, khác với cảnh im lìm trước đây, không khí sản xuất đã nhộn nhịp hơn.
 
Ông Vinh vui mừng cho biết, cách đây mấy tháng, do không có đầu ra nên xưởng sản xuất đá của gia đình ông phải hoạt động cầm chừng, có lúc phải tạm dừng hoạt động nhiều ngày liền. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi tàu thuyền ra khơi đánh bắt trở lại, nhu cầu sử dụng đá lạnh để bảo quản hải sản tăng lên nên xưởng sản xuất đá của gia đình ông cũng trở lại hoạt động như trước.
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch, nhờ bà con ngư dân tích cực ra khơi bám biển nên tổng sản lượng thủy, hải sản nuôi trồng và đánh bắt trong 5 tháng đầu năm của huyện đạt 5.159 tấn, bằng 49,4% kế hoạch, tăng 7,11% so với cùng kỳ; trong đó, nuôi trồng đạt 211,8 tấn, tăng 2,67% và đánh bắt đạt 4.948 tấn, tăng 7,27%.
Đ.Nguyệt