Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lúa nước lên ngàn

  • 08:43 | Thứ Tư, 10/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 10 năm trước, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai dự án phát triển kinh tế-xã hội tại bản Tân Ly, xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy). Mục tiêu dự án là tổ chức lại bản Tân Ly thành một bản mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Cây lúa nước được Đồn Biên phòng Làng Ho xác định như cứu cánh giúp đồng bào rời bỏ phương thức canh tác “chặt-đốt-cốt-trỉa”, chuyển sang cách làm ăn mới. Lúa nước lên ngàn… qua 20 mùa gieo hạt đã giúp người Vân Kiều bản Tân Ly no ấm “cái bụng” hơn.
 
Dự án thoát nghèo
 
Bản Tân Ly nằm sát bên đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây với 78 hộ, 346 nhân khẩu. Ngược thời gian, từ khoảng năm 2010 trở về trước, hơn 95% số hộ trong bản thuộc diện đói nghèo.
 
Dự án phát triển kinh tế-xã hội bản Tân Ly chính thức khởi động vào năm 2009. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao cho Đồn Biên phòng Làng Ho đứng chân trên địa bàn xã Lâm Thủy trực tiếp đảm nhận, đỡ đầu. Kinh phí phục vụ cho dự án khoảng 900 triệu đồng. Mục tiêu dự án là quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư, làm nhà cho đồng bào, áp dụng cây, con mới vào sản xuất, trong đó lấy mô hình lúa nước làm khâu đột phá.
Bản mới Tân Ly Tải
Bản mới Tân Ly.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng Làng Ho huy động hơn 100 cán bộ, chiến sỹ với trên 1.000 ngày công lao động cùng đồng bào tiến hành cải tạo hơn 22.000m2 đất làm ruộng nước và nương rẫy; sửa chữa, nâng cấp đập thủy lợi Tân Ly đủ cung cấp nước tưới tiêu và phục vụ sinh hoạt; nạo vét 120m kênh mương thủy lợi, đắp 550m bờ ruộng, trồng 700 gốc dứa và hệ thống tre xanh chống xói lở; làm mới 250m đường từ trung tâm bản vào nơi sản xuất lúa nước…
 
Nhớ lại những tháng ngày gian khó giúp dân đó, Đại úy Đặng Văn Phong, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Ho chia sẻ: “Không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức người lính quân hàm xanh đổ xuống. Trong khoảng thời gian hai tháng triển khai dự án, bản Tân Ly vui như ngày hội. Vất vả, gian khó nhưng tình quân dân càng thêm bền chặt hơn với niềm tin chắc thắng về một sự đổi thay kỳ diệu cho bản Tân Ly”.
 
Già làng Hồ Văn Trung, người uy tín trong bản Tân Ly bảo: “Nhờ bộ đội biên phòng nhiều lắm. Khi đồng ruộng thành hình hài, bộ đội tiến hành phân chia đều cho dân bản, căn cứ theo số khẩu. Tính trên đầu ngón tay, hộ nhiều nhất được 4 sào, hộ ít nhất được 2 sào”.
 
Vụ lúa nước đầu tiên của bản Tân Ly, cả bản gieo cấy khoảng 3ha, năng suất đạt 3,5 tấn/ha. Dù năng suất thấp hơn rất nhiều so với đồng bằng nhưng đã ghi một dấu ấn về sự thành công. Từ đây, đồng bào Vân Kiều bản Tân Ly chính thức “bén duyên” cùng cây lúa nước.
 
Lính quân hàm xanh… thành “ông chủ nhiệm” bất đắc dĩ
 
Diện tích lúa nước giao lại cho đồng bào, nhưng bộ đội biên phòng luôn luôn trong tâm thế “bốn cùng” với bà con. Người lính tiên phong trên tuyến đầu “bốn cùng” là Đại úy Phạm Văn Dưỡng, cán bộ Đội vận động quần chúng. Thiếu tá Lê Ngọc Gia, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Ho nhớ lại: “Thực hiện chủ trương bộ đội biên phòng về tham gia cấp ủy tại địa phương, Đại úy Phạm Văn Dưỡng được Ban chỉ huy Đồn cử đến chi bộ bản Tân Ly làm Phó Bí thư chi bộ. Đại úy Dưỡng phụ trách luôn mô hình lúa nước tại Tân Ly”.
   Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Ho giúp người dân bản Tân Ly thu hoạch lúa.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Ho giúp người dân bản Tân Ly thu hoạch lúa.
Từ một người lính quân hàm xanh, không biết từ lúc nào Đại úy Phạm Văn Dưỡng kiêm thêm chức “ông chủ nhiệm”. Ấy là… theo như lời Bí thư, Trưởng bản Tân Ly Hồ Văn Ngọc: “Cán bộ Dưỡng như người con của bản, ngoài việc theo dõi, nắm bắt khí hậu, thời tiết để bảo đảm giúp dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, trong suốt quá trình phát triển cây lúa từ khi xuống đồng đến khi thu hoạch, đưa về nhà cất an toàn, lúc nào dân bản cũng cần cán bộ Dưỡng. Bón phân, làm cỏ lúa như thế nào cho đúng cách, đồng bào ới cán bộ Dưỡng.
 
Con sâu hắn phá lúa, đồng bào kêu cán bộ Dưỡng bày cho cách mua, dùng thuốc, phun khử diệt. Cây lúa làm đòng, bón lót thúc phân thời điểm mô cũng một tay cán bộ Dưỡng bày vẻ. Và còn rất… rất nhiều chuyện khác nữa, dân bản đều cần cán bộ Dưỡng”.
 
Đại úy Phạm Văn Dưỡng chia sẻ: “Đồng bào tin tưởng bộ đội biên phòng, vì thế mình càng cố gắng nhiều hơn. Về sản xuất lúa nước ở bản Tân Ly, hiện giờ, bà con rành lắm rồi nên vai trò “chủ nhiệm hợp tác xã” bất đắc dĩ nhờ thế nhẹ dần đi so với thời gian trước đây”.
 
Thêm một vụ lúa được mùa
 
Thiếu tá Lê Ngọc Gia, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Ho cho biết, diện tích lúa nước ở bản Tân Ly hiện tại là 3,3ha, tăng 0,3ha so với những ngày đầu tiên triển khai mô hình và nếu có thể sẽ khai hoang thêm được từ 0,2 đến 0,5ha nữa. Dù diện tích không nhiều vì bản Tân Ly hết đất bằng, nhưng vẫn là tài sản mà người Vân Kiều bản Tân Ly trân quý.
 
Chúng tôi lên bản Tân Ly vào trung tuần tháng năm, lúa nước chín rộ kịp vào mùa gặt. Để giúp đồng bào thu hoạch, Đồn Biên phòng Làng Ho đã cắt cử 50 lượt cán bộ, chiến sỹ xuống đồng. Trưởng bản Hồ Văn Ngọc bảo: “Với lực lượng và thời tiết thuận lợi như thế này, chỉ một tuần là đồng bào thu hoạch xong, nhanh chóng làm đất chuẩn bị vụ hè-thu”. Đại úy Phạm Văn Dưỡng cho biết: “Năm nay, lúa nước Tân Ly tương đối được mùa, năng suất đạt 5 tấn/ha. Đồng bào ai cũng phấn khởi. Nếu so với ngày đầu triển khai mô hình thì năng suất đã vượt gần gấp đôi”.
 
Cũng không còn giống như trước, lúa gặt xong đồng bào bỏ vào gùi đưa về nhà đập, đạp theo lối thủ công, hạt mất, hạt được, hạt rơi rớt lại đồng. Mấy năm nay, bộ đội biên phòng giúp bản Tân Ly 2 cái máy thổi lúa. Lúa gặt xong, tập kết ở bãi đất trống trên bờ. Việc còn lại là của máy thổi, đồng bào chỉ chờ hứng lấy hạt lúa vàng đầy bao đưa về nhà phơi khô khén.
 
Ngày mùa vui khắp cả bản Tân Ly. Già làng Hồ Văn Trung phấn khởi: “Nhờ công bộ đội biên phòng hết cả đó. Năm nay, bản làng ta no ấm cái bụng nhất rồi”.
 
Ngô Thanh Long