Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện của làng Mới…

  • 08:48 | Thứ Bảy, 23/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khoảng 10 năm trước, làng Mới (xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy) thường được nhắc đến với cái danh "5 không": không điện, không trường, không đường, không trạm và không có “thẻ đỏ”. Vì quá khó khăn, chính quyền địa phương đã phải “đặc cách” cho cả làng đều nằm trong diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu tiên. Giờ đây, làng Mới đã có những tín hiệu đáng mừng trong phát triển kinh tế. Nhưng trong hành trình thoát nghèo, vẫn còn những trăn trở ở phía trước cần được tháo gỡ…
 
Những ký ức về làng Mới…
 
Biết chúng tôi có ý định vào làng Mới, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy, Võ Danh Thuấn đắn đo bảo rằng: “Đường vào làng Mới đi lại khó khăn, lại đi giữa bạt ngàn rừng trồng, giữa rừng là những con đường nhánh, các anh lại không quen đường, để chúng tôi liên lạc với trưởng thôn làng Mới đón các anh ở trên đập Thanh Sơn…”
 
Sau khi được Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy liên lạc, chúng tôi bắt đầu đi vào làng Mới. Anh Đinh Mậu Sĩ, trưởng thôn làng Mới đón chúng tôi ở ngay tại đập Thanh Sơn như đã hẹn trước. Nắng tháng 5 như đổ lửa, kèm theo những cơn gió Nam quất rát vào mặt, hơn nữa, đập Thanh Sơn đang được thi công nên đường vào làng Mới bụi bay mù mịt, quãng đường vào làng ngót nghét gần 3km nhưng chúng tôi cảm thấy quá xa ngái.
 
Ngồi trên xe với anh Sĩ, qua câu chuyện kể dọc đường của anh, chúng tôi được biết rằng, hành trình phát triển kinh tế của làng Mới vẫn còn những rào cản nhất định, đặc biệt là con đường vào làng quá khó khăn này đã ngăn cách làng với các địa phương bên ngoài.
 
Sau hơn 30 phút vật lộn với con đường và sự khắc nghiệt của thời tiết, chúng tôi cũng đến được làng Mới. Làng Mới nằm trên một dải đồi bằng phẳng được bao quanh giữa những cánh rừng tràm, keo xanh tốt. Ấn tượng với chúng tôi khi đến làng Mới là trong làng có 1km đường đã được bê tông hóa để minh chứng rằng công cuộc đổi mới, hiện đại hóa cũng đã len lỏi vào làng.
Gập ghềnh đường vào làng Mới...
Gập ghềnh đường vào làng Mới...
Ngôi nhà của trưởng thôn Đinh Mậu Sĩ nằm ở giữa làng Mới, anh tiếp chúng tôi bằng ly nước lá rừng. Hồi tưởng về cuộc sống của người dân làng Mới khoảng 10 năm trước, anh Sĩ cho biết, năm 1966, làng Mới được thành lập theo chủ trương của xã Hưng Thủy sơ tán dân nhằm tránh bom đạn của chiến tranh và vừa xây dựng kinh tế mới. Với 50 hộ dân ban đầu lên định cư, nay làng Mới còn 27 hộ dân với 137 khẩu.
 
“Lúc đầu đi kinh tế mới người dân cũng háo hức lắm nhưng có những thời kỳ cuộc sống quá khó khăn, người dân lại không chịu được cái cảnh heo hút, buồn bã, nhất là bệnh sốt rét rừng, nên phần lớn dân ở đây đều bỏ làng mà đi. Những năm 1975, 1976 làng chỉ còn lại hơn chục nóc nhà và đa phần người dân ở lứa tuổi này của làng Mới đều thất học…”, anh Sĩ cho biết.
 
Bà Đinh Thị Rạng (61 tuổi) là người đầu tiên được cha mẹ "gồng gánh" vào làng Mới để lập nghiệp nhớ lại: "Hồi đó, chỉ biết làm lúa, hái tranh, làm chổi để đắp đổi cuộc sống qua ngày, cuộc sống vất vả khó khăn lắm. Bố mẹ tôi bảo rằng, dân làng Mới mình muốn đổi đời, giàu lên chỉ có trồng rừng mà thôi…”
 
Trăn trở làng Mới…
 
Từ ngôi làng mang danh "5 không", 100% số hộ đều được "đặc cách" là hộ nghèo, đến nay, làng Mới chỉ còn 1 hộ nghèo duy nhất, minh chứng cho những thay đổi và cung cách phát triển kinh tế của người dân làng Mới.
 
Theo ông Nguyễn Văn Dạn (60 tuổi), người đã sống, bám đất ở làng Mới lập nghiệp mấy chục năm nay, làng Mới bây giờ khá hơn trước nhiều lắm, nhờ người dân đã biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, trong đó, đặc biệt chú trọng trồng rừng và cây ăn quả. Như gia đình ông đã nhận đất trồng 5ha rừng, hơn 100 gốc tiêu, nuôi hơn 100 con gà. Thu nhập từ vườn rừng của gia đình ông mỗi năm cũng ngót nghét gần trăm triệu. Tuy nhiên, phát triển kinh tế ở làng Mới bây giờ cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi con đường vào làng chưa được đầu tư xây dựng. Bởi lý do này, những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, kể cả cây rừng bán cho tư thương đều bị mất giá đến 50%.
 
“Nếu không giải quyết được những khó khăn về giao thông, thì người dân làng Mới còn phải vất vả nhiều năm nữa, nhất là việc học hành của con em. Tôi trồng 1ha cao su từ năm 2011 đến nay không dám thu hoạch dù đã quá lứa, nguyên nhân chủ yếu vì khi khai thác bán ra thị trường thì bị tư thương ép giá bởi đường xá khó khăn”, ông Dạn cho biết.
 
Anh Đinh Mậu Bảy (41 tuổi), là lớp người trẻ ở làng Mới, quyết trở về quê hương để lập nghiệp. Anh Bảy đã từng bỏ làng vào miền Nam để kiếm sống với nghề lái xe, nhưng vì một biến cố, anh phải bỏ nghề, khăn gói về làng Mới bám đất để làm mô hình vườn rừng, ao cá. 
 
Theo chia sẻ của anh Bảy, cuộc sống của gia đình anh và người dân làng Mới trước đây gặp rất nhiều khó khăn, bữa ăn hàng ngày có được chủ yếu do đi làm thuê, hái tranh, chặt củi, làm chổi… Cuộc sống của người dân làng Mới thay đổi từ khi được Nhà nước đầu tư hệ thống điện vào làng đầu năm 2013, có điện cả làng Mới thay đổi, từ tư duy canh tác, trồng trọt đến chăn nuôi.
 Anh Đinh Mậu Bảy, lớp trẻ ở làng Mới, quyết chí làm giàu từ rừng trồng, đào ao thả cá.
Anh Đinh Mậu Bảy, lớp trẻ ở làng Mới, quyết chí làm giàu từ rừng trồng, đào ao thả cá.
Gia đình anh Bảy cũng thay đổi từ đó, anh đã nhận đất trồng hơn 2ha rừng keo, tràm, đào hơn 6 sào mặt nước để thả cá và trồng hơn 200 gốc tiêu. Theo anh Bảy, tiềm năng thế mạnh của làng Mới vẫn là trồng rừng, tuy nhiên, người làng Mới vẫn cần Nhà nước đầu tư cho hệ thống thủy lợi để trồng lúa. Hiện cả làng có hơn 3 mẫu đất để trồng lúa, nhưng lúa chỉ làm được 1 vụ và cũng chỉ nhờ trời dù làng Mới nằm cạnh hồ nước ngọt Thanh Sơn. Trong khi các địa phương khác được hưởng lợi từ hồ này nhưng dân làng Mới lại không được thụ hưởng.
 
Đem những trăn trở của người dân làng Mới trao đổi với ông Võ Danh Thuấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy được biết, trước đây, cuộc sống của người dân làng Mới gặp rất nhiều khó khăn. Đời sống người dân làng Mới thay đổi từ khi được Nhà nước đầu tư một 1 thống điện hơn 8 tỷ đồng phục vụ cho khoảng hơn 20 hộ dân. Từ khi có điện, cuộc sống làng Mới đã có những thay đổi, bà con đã mạnh dạn phát huy nội lực, thế mạnh để trồng hơn 30ha rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, tận dụng khe suối để trồng lúa nước và đào ao thả cá...
 
“Địa phương cũng rất trăn trở với những khó khăn hiện tại của làng Mới như hệ thống đường giao thông, thủy lợi, tuy nhiên, vì nguồn lực có hạn nên mong các cấp, các ngành, quan tâm, tạo điều kiện đầu tư xây dựng một số công trình cho làng Mới để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, tiến tới làm giàu…”, ông Thuấn cho biết.
Ngọc Hải-Xuân Vương