Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Vẽ" lại "bản đồ" Hạc Hải…

  • 08:14 | Chủ Nhật, 01/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phá Hạc Hải mênh mông sóng nước, vốn nổi tiếng phong phú hệ động thực vật nước lợ. Người dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy quanh khu đầm phá này bao đời đã sống dựa vào nguồn sản vật tự nhiên nơi đây. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, hàng chục hộ dân xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy đã dấn thân "vẽ" lại bản đồ phá Hạc Hải để biến gần 160ha ngút ngàn cỏ lác thành ao hồ, ruộng đồng xanh tốt, màu mỡ…
 
Mưu sinh trên phá Hạc Hải…
 
Hạc Hải là khu đầm phá nước lợ thuộc hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tiếp giáp với cánh đồng các xã An Thủy, Lộc Thủy, Hoa Thủy và Hồng Thủy của huyện Lệ Thủy. Hạc Hải có diện tích trên 7.000ha không chỉ có vai trò như một hồ chứa điều tiết nước cho hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày nay mà còn cung cấp cho cư dân trong vùng nhiều loại thủy sản hết sức quý giá.
 
Chúng tôi đến Hạc Hải vào một ngày cuối tháng hai. Cái lạnh, cái nắng đan xen trong những ngày giữa xuân tạo cảm giác se sắt. Từ bến đò chợ Hoa Thủy, con thuyền nhỏ lướt qua những đám cỏ lác mọc um tùm hai bên bờ, bắt đầu đưa chúng tôi vào phá Hạc Hải.
 
Trước mắt chúng tôi, Hạc Hải hiện ra với những cánh đồng lúa nước trải dài, mênh mông xen với những con đê đất cao được người dân đắp lên để ngăn lũ. Thỉnh thoảng trên phá, chúng tôi bắt gặp những chiếc thuyền chài đang thả câu, buông rập tạo không khí nhộn nhịp trên vùng đầm phá. 
 Ngư dân thả rập trên phá Hạc Hải để mưu sinh.
Ngư dân thả rập trên phá Hạc Hải để mưu sinh.
Đi cùng thuyền với chúng tôi khám phá Hạc Hải là anh Võ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch tịch UBND xã Hoa Thủy. Anh Hòa chia sẻ, hàng năm, khoảng từ tháng 7 đến tháng 11 (Âm lịch) là mùa nước nổi ở phá Hạc Hải. Với bao thế hệ nông dân vùng đầm phá Hạc Hải, đây là mùa ấm no của người dân. Hiện nay, toàn xã có khoảng 200 hộ làm nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên trên phá Hạc Hải, cho thu nhập mỗi ngày từ 1-3 triệu đồng.
 
Trên phá, chúng tôi gặp anh Trần Hữu Lĩnh (40 tuổi) ở thôn 2 Xuân Bắc, xã Hoa Thủy-người đã "bám" phá Hạc Hải hơn 15 năm nay. Anh cho biết, vùng đầm phá Hạc Hải ngày xưa hay ngày nay đều rất nhiều loài thủy sản nhưng chủ yếu là cá, tôm cua, rạm và chim trời. Trước đây, anh Lĩnh đánh bắt thủ công, chỉ một vài lần quăng lưới là đã mỏi tay gỡ cá, tôm. Nay, cá, tôm có ít đi do hệ thống thủy nông Mỹ Trung được xây dựng để hạn chế nước mặn xâm nhập. Nhưng nghề đánh bắt cá, tôm trên phá Hạc Hải vẫn là nghề cho thu nhập khá cao của gia đình.
 
Anh Nguyễn Văn Sỹ (54 tuổi) ở thôn 2 Xuân Bắc, xã Hoa Thủy đang tranh thủ tháo rập đặt đêm qua ở phá Hạc Hải, anh cho biết, mùa này, người dân đã vào vụ đắp be bờ, đắp đê để làm nông nghiệp rồi. Ngày nay, tuy vùng phá Hạc Hải không nhiều tôm, cá như trước, nhưng không ít gia đình có ngày đánh bắt thu về hơn 3 triệu đồng.
 
Trước lúc chia tay, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh anh Sỹ, tay cầm hơn hai cân rạm, tôm và ốc mà mình vừa đánh bắt được thả xuống phá Hạc Hải, anh bảo với chúng tôi rằng: "Chỗ này toàn mấy con nhỏ mình thả xuống phá để nó sinh sôi phát triển, sau này con cháu mình đánh bắt tiếp...".
 
Tiên phong "vẽ" lại "bản đồ" Hạc Hải…
 
Việc cải tạo vùng phá Hạc Hải để trồng lúa và nuôi trồng thủy sản được xem như một cuộc “cách mạng trong nông nghiệp”. Trong chuyến đi về phá Hạc Hải, chúng tôi đã tình cờ gặp anh Nguyễn Công Xuân (48 tuổi) ở thôn 2 Xuân Bắc-một trong những người tiên phong "vẽ" lại "bản đồ" Hạc Hải.
 
Anh Xuân chia sẻ, trước đây anh vốn là dân chăn nuôi vịt, sau đó qua nước bạn Lào làm ăn trầy trật rồi trở về quê. Nung nấu ý định ra Hạc Hải để sản xuất nông nghiệp từ lâu, trong một đêm suy nghĩ, anh bàn với gia đình quyết định ra phá Hạc Hải ngăn đê để làm lúa.
 
Ban đầu, ý định của anh được nhiều người chê "viển vông" vì vùng phá Hạc Hải chỉ sau đợt mưa là ngập chìm trong biển nước mênh mông. Nhưng với ý chí, anh vẫn quyết bám trụ vùng phá Hạc Hải. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được, anh Xuân dồn vào vùng phá.
 
“Năm 2003, tôi lao ra phá Hạc Hải như một con "thiêu thân", bất kể lúc nào rảnh là tôi lấy đất đắp đê. Lúc đó, đắp đê bằng sức người và hoàn toàn thủ công, nên công sức bỏ ra cũng rất nhiều, hiện nay, gia đình tôi đắp được hơn 850m đê. Từ tuyến đê đó, gia đình đã khai hoang được 6ha đất để trồng lúa và xen canh nuôi hơn 2 vạn con cua; 22 nghìn con tôm càng xanh”.
 
Theo anh Xuân, qua mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh cũng có thu nhập hơn 500 triệu đồng. Nhưng để có được thành quả ấy, hàng năm, anh Xuân còn bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để gia cố đê chống lũ…
Anh Nguyễn Công Xuân là một trong những người tiên phong
Anh Nguyễn Công Xuân là một trong những người tiên phong "vẽ" lại "bản đồ" phá Hạc Hải.
Tiên phong như anh Xuân, cũng có nhiều hộ gia đình ở xã Hoa Thủy đã bỏ ra không ít tiền của, công sức để đắp đê, ngăn vùng làm nông nghiệp. Anh Nguyễn Công Phát (44 tuổi) ở thôn 2 Xuân Bắc đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để gắn bó với vùng phá Hạc Hải này.
 
Với diện tích khai hoang đến nay được hơn 5ha, gia đình anh Phát cũng trồng lúa xen canh với nuôi 20 nghìn cá lóc và 40 nghìn cá rô đầu vuông. Ngoài ra, trong mấy vụ gần đây, anh đã đưa vào trồng hơn 450 cây cà na, gần 500 cây dừa xiêm và dừa nước. Thu nhập của gia đình mỗi vụ cũng từ 500-600 triệu đồng, trong đó lãi khoảng hơn 70%/vụ.
 
Chỉ tay vào con đê mà chúng tôi đang đứng, anh Phát bảo: “Nhìn đơn giản như vậy đó, nhưng gia đình tôi đã mất biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào đấy. Mỗi năm, gia đình mất khoảng 30 triệu để gia cố đê. Bây giờ, các tuyến đê cũng tạm ổn rồi, sang năm gia đình tôi không làm xen canh lúa cá nữa mà sẽ nuôi thâm canh cá để cho thu nhập tốt hơn…”.
 
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết, địa phương luôn ủng hộ, khuyến khích người dân mở mang diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi cá trên vùng đầm phá ngập nước, trong đó, có phá Hạc Hải. Hiện tại, toàn xã có gần 30 hộ khai hoang vùng phá Hạc Hải với diện tích mỗi hộ từ 1,5 đến 12 ha. Thu nhập mỗi hộ đạt từ 70-100 triệu/ha.
Ngọc Hải- Xuân Vương