Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lên dãy Hoành Sơn lấy... "lộc trời"!

  • 09:31 | Chủ Nhật, 08/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một sớm đầu tháng 3-2019, khi những con gà rừng vừa cất tiếng gáy nơi phía núi, rất nhiều đàn ông, phụ nữ, trẻ em ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) lại í ới gọi nhau cùng lên dãy Hoành Sơn để lấy "lộc trời". Theo chân một nhóm sơn tràng, chúng tôi cũng "cơm đùm gạo bới" trèo lên phía đỉnh núi để tham gia hái dâu rừng, một thứ "lộc trời" thường xuất hiện vào thời điểm mùa xuân...
 
Trổ tài... tìm dâu!
 
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ cuốc bộ băng rừng tiến lên phía đỉnh của một ngọn núi cao thuộc dãy Hoành Sơn, anh Tưởng Văn Xô (trú tại thôn Hợp Bàn, xã Quảng Hợp) đưa tay tắt ánh sáng ở chiếc đèn pin đội đầu rồi phán chắc nịch: "Bây giờ mặt trời cũng vừa mọc, chúng ta sẽ cắt rừng đi về phía này, cẩn trọng không cây ngấy, cây gai... xé toạc da đó. Thời điểm này đang vào cuối mùa, nên dâu rừng khan hiếm hơn bình thường. Nhưng các anh cứ yên tâm theo tôi, trong này có cả một khu rừng dâu dày đặc, tha hồ mà hái quả nhé...".
 
Nói rồi anh Xô xuất phát trước, tay cầm theo chiếc rựa mở đường dẫn chúng tôi băng qua một vạt cây vọt dày đặc. Vọt cao quá đầu người, đến mức không thể thấy được những gì phía trước mặt và ngay cả dưới mỗi bước chân. Thi thoảng mọi người trong đoàn lại té sấp ngửa vì đạp phải những cái hố sâu hoắm, bước hụt chân. Dù đã hết sức cẩn thận, nhưng vài thành viên trong đoàn vẫn không tránh khỏi trầy xước bởi những thứ cây gai mọc luồn vào đám vọt. 
Người dân xã Quảng Hợp thu
Người dân xã Quảng Hợp thu "lộc trời" sau gần một ngày lên núi tìm kiếm.
Quả đúng như lời anh Xô, vừa băng qua đám cây bụi, đập vào mắt chúng tôi là cả một vạt dâu rừng trĩu quả. Đưa tay bẻ một cành dâu rừng chi chít quả xanh đan xen với những quả chín đỏ mọng, anh Xô bày tỏ kinh nghiệm: "Khu rừng này có rất nhiều cây dâu rừng và hàng ngày cũng lắm người dân đi hái quả. Nhưng để biết được những vùng nào có dâu mọc thành từng vạt thì phải dùng "mẹo riêng" của người đi rừng. Đơn cử, việc đầu tiên là phải lục tìm "trí nhớ" ở đâu có cây dâu mọc thành từng khóm, vạt từ những chuyến đi hái dâu rừng trước đó. Tiếp đến là phải chọn những nơi có cây rừng mọc dày mà không có dấu vết mới của con người vừa vượt qua... Là dân đi rừng với nhau, nhưng người thì hái được nhiều, người lại hái được ít cũng xuất phát từ kinh nghiệm mà thôi!".      
 
Khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi bắt gặp một nhóm sơn tràng chừng 7-10 người từ phía đỉnh núi đi xuống, chị Đàm Thị Thu (thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp), một thành viên trong đoàn hồ hởi khoe: "Bây giờ đã cuối mùa nên hiệu quả thu gom giảm gần 1/2 so với thời kỳ dâu rừng chín rộ. Nghề này ngoài kinh nghiệm thì phải nhờ tới sự chăm chỉ, may mắn nữa các anh à. Nếu đi sau người ta và đến từng cây mọc lẻ tẻ để hái từng hạt thì hiệu quả rất thấp. Từ sáng tới giờ, tôi cũng hái được gần 15 lon (lon chế từ vỏ hộp sữa đặc, một loại dụng cụ người dân thường dùng để đong gạo-PV), cao gần gấp đôi những người trong đoàn. Chút xuống đến chân đập hồ Cây Bốm thì có thương lái đợi mua sẵn ở đó, giá mỗi lon dâu là 50 nghìn đồng. Nếu chịu khó đợi đến sáng hôm sau mang bán tại các phiên chợ trong vùng thì cao hơn chừng 10 đến 30 nghìn đồng/lon. Nhưng cách làm này lại "hao" mất một ngày đi hái dâu, tính ra không hiệu quả..."  
  
"Cả tháng nay do nhà trường cho nghỉ học để tránh dịch bệnh Covid-19 nên hai đứa con của tôi là Phạm Thị Thu Hiền (lớp 8) và Phạm Anh Tuấn (lớp 4) ngày nào cũng chăm chỉ theo mẹ lên rừng hái dâu. Bình quân mỗi ngày mấy mẹ con cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Số tiền này cũng khá dư dả để nộp tiền học phí và mua sắm thêm sách vở, áo quần mới cho các con trong thời gian tới", chị Nguyễn Thị Hoài trú tại thôn Hợp Bàn phấn khởi.
Đưa "lộc trời" về vườn nhà...
 
Anh Tưởng Thái Hoàng, Trưởng thôn Hợp Bàn tâm sự: "Những năm gần đây, dãy Hoành Sơn đã mang lại rất nhiều loại lâm sản phụ rất có giá trị cho người dân trong vùng, như: dâu, sim, muông, quả chòi mòi, củ mài, lá kim ngân, lá vằng, rau má, hạt dẻ, mật ong... Mỗi thứ lâm sản phụ đều có những tác dụng khác nhau, nhưng chung quy lại rất tốt cho sức khỏe con người. Những thứ lâm sản phụ này được người dân ví von như những thứ "lộc trời" ban tặng, bởi đã tạo sinh kế cho rất nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở nên khấm khá. Mùa nào thức nấy, cứ chịu khó vào rừng tìm "lộc trời" thì cũng kiếm được chừng 300-500 nghìn đồng/ngày/lao động, người nào may mắn thì thu về hơn 1 triệu đồng/ngày. Các anh xem, rất nhiều ngôi nhà xây kiên cố lợp ngói mới, thậm chí là nhà tầng của người dân xã Quảng Hợp mọc lên cũng chính nhờ rất nhiều vào "lộc trời" ở dãy Hoành Sơn ...!"
Một vườn cây sim được người dân xã Quảng Hợp trồng thành công ngay trong vườn hộ gia đình.
Một vườn cây sim được người dân xã Quảng Hợp trồng thành công ngay trong vườn hộ gia đình.
Theo ông Phạm Hồng Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, trước đây, do chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của rừng tự nhiên, nên tình trạng chặt phá rừng "vô tội vạ" đã diễn ra trên địa bàn xã. Khoảng chục năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhiều thứ cây lâm sản ngoài gỗ đã "hồi sinh" trở lại và mang tới một khoản thu nhập rất lớn cho người dân địa phương và ở các xã lân cận khác, như: Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Châu… Trong tổng số hơn 1.700 hộ, gần 7.000 nhân khẩu ở xã Quảng Hợp thì có trên 20% hộ dân chuyên đi lấy "lộc trời" ở dãy Hoành Sơn vào thời điểm nông nhàn. Gọi là nông nhàn nhưng "lộc trời" cũng tạo thêm cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho người dân chừng 6 tháng/năm. Không những thế, một số hộ dân trong xã còn sáng tạo mang những thứ "lộc trời" trên dãy Hoành Sơn về "thuần hóa" ở trong vườn nhà để mở ra cơ hội làm ăn mới.
 
Hiện nay, nông dân Quảng Hợp đã ươm trồng thành công khoảng 4ha cây lá vằng, trên 2ha cây sim... trong vườn nhà. Tiêu biểu như hộ ông Đặng Văn Ngọc ở thôn Hợp Hạ. Nhờ trồng 6 sàocây lá vằng trong vườn mà mỗi năm ông thu về hơn 40 triệu đồng. Hộ anh Tưởng Văn Xô trú tại thôn Hợp Bàn nhờ trồng 3 sào cây sim mà mỗi năm cũng thu về trên 2 tạ quả (hiện giá thị trường giao động từ 20.000-40.000 đồng/kg). Sắp tới, nếu những thứ "lộc trời" này phát huy hiệu quả kinh tế, địa phương sẽ khuyến khích người dân trồng đại trà để tạo thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập.
Văn Minh