Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Họa sỹ nhí" và "Chuyện của Mây"

  • 08:45 | Chủ Nhật, 09/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - "Chuyện của Mây” là cuốn truyện tranh với nội dung truyền thông về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên và thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và “họa sỹ” minh họa cho “Chuyện của Mây” là cô bé Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh lớp 8, Trường THCS số 1 Nam Lý (TP.Đồng Hới). Những nét vẽ hồn nhiên của Thảo Nguyên đã góp phần mang lại sự hấp dẫn, sinh động cho cuốn sách, được các bạn học sinh đón nhận hào hứng.
 
Say mê vẽ từ nhỏ, Thảo Nguyên có thể vẽ bất cứ lúc nào và ở đâu. Điều ngạc nhiên là ngoài những giờ học mỹ thuật ở lớp, em chưa tham gia một lớp học vẽ nào. Tất cả những tác phẩm của Thảo Nguyên đều được vẽ một cách ngẫu hứng và bắt nguồn từ sự đam mê.
 
Khi tôi đến nhà Thảo Nguyên ở phường Nam Lý thì gặp em và một người bạn đang vẽ tranh tường cho nhà hàng xóm. Với sự chú tâm hiếm thấy, những nét vẽ bay bổng của Thảo Nguyên đã dần biến bức tường trở nên sinh động hơn. Niềm say mê của Thảo Nguyên không chỉ mang lại những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống, mà nó còn là cầu nối để em trở thành “họa sĩ" minh họa truyện tranh tuyên truyền về sức khoẻ tình dục, sức khỏe sinh sản cho “Chuyện của Mây”, góp phần giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong thanh niên và vị thành niên người dân tộc thiểu số miền núi tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình” do nhóm tác giả bộ môn Địa lý, Khoa học xã hội, Trường đại học Quảng Bình thực hiện.
“Họa sỹ nhí” Thảo Nguyên vẽ tranh tường.
“Họa sỹ nhí” Thảo Nguyên vẽ tranh tường.
Thảo Nguyên cho biết, khi được tin dự án đang tuyển “họa sỹ” minh họa cho truyện tranh “Chuyện của Mây” với các nội dung truyền thông về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên và thành niên, em đăng ký ứng tuyển. Đó là mùa hè năm 2019, khi Thảo Nguyên chuẩn bị bước vào lớp 8. Chị Cao Thị Thanh Thủy, giảng viên Trường đại học Quảng Bình, cố vấn dự án chia sẻ: Một trong những khó khăn của dự án là kinh phí sáng tác, in ấn “Chuyện của Mây” rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, với yêu cầu của cuốn sách, nếu lựa chọn họa sỹ là trẻ em có thể sẽ tạo được sự đồng điệu, phù hợp với tâm lý của trẻ. Do đó, dự án quyết định kêu gọi các bạn trong độ tuổi học sinh ứng tuyển. Có 15 ứng cử viên tham gia với đề bài là tự kể một câu chuyện bằng hình ảnh trên một trang giấy. Kết quả, Ban giám khảo đã lựa chọn Thảo Nguyên bởi hình ảnh đẹp và cách trình bày ấn tượng."
 
Sau khi được tuyển chọn, Thảo Nguyên đã trực tiếp làm việc với cố vấn dự án. Em không chỉ thể hiện được năng khiếu hội họa mà còn biết cách thể hiện những ý tưởng một cách hồn nhiên nhưng vẫn luôn bám sát chủ đề câu chuyện. Có nhiều chi tiết, em còn trực tiếp góp ý hoặc bày tỏ suy nghĩ của mình và đề xuất điều chỉnh phù hợp với tâm lý độ tuổi. Nhờ đó, “Chuyện của Mây” hoàn thành đúng tiến độ và rất phù hợp với lứa tuổi cũng như đặc trưng văn hóa của trẻ vùng dân tộc thiểu số. Cuốn sách đã được các em đón nhận rất hồ hởi, góp phần quan trọng cho thành công của dự án.   
 
“Thành công của Thảo Nguyên ở tác phẩm đầu tay này là đã biết cách thiết kế, biên tập truyện tranh. Em cũng đồng thời được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và khả năng hợp tác cũng như tham gia các hoạt động cộng đồng một cách thầm lặng. Trong số 330 cuốn sách được in ấn, do kinh phí của dự án còn hạn hẹp, Thảo Nguyên cũng đã trích một phần thù lao khiêm tốn của mình để in sách gửi đến các bạn ở Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Lệ Thủy và các xã Ngân Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy). “Chuyện của Mây” là một cuốn sách phù hợp và bổ ích với các em học sinh dân tộc thiểu số. Khi có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục in thêm để có thêm nhiều học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh được đọc, góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ vị thành niên, chung tay đẩu lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.”, chị Thủy cho biết thêm.
“Chuyện của Mây” được các bạn học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú huyện Lệ Thủy hồ hởi đón nhận.
“Chuyện của Mây” được các bạn học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú huyện Lệ Thủy hồ hởi đón nhận.
Ngoài năng khiếu và niềm đam mê vẽ, Thảo Nguyên là một lớp phó học tập với thành tích học tập đáng nể. Em học tốt môn tiếng Anh, Ngữ văn nên từng tham gia các cuộc thi hùng biện, thi học sinh giỏi tiếng Anh và Ngữ văn. Ngoài thời gian học tập và vẽ, Thảo Nguyên còn đọc rất nhiều sách. Và em còn có một niềm đam mê khá đặc biệt nữa là nghiên cứu về áo dài Việt Nam. Thảo Nguyên sưu tầm rất nhiều tài liệu về áo dài để đọc và vẽ. Em cũng rất quan tâm đến môi trường và tích cực tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
 
Chia sẻ về ước mơ của mình, Thảo Nguyên cho biết, vẽ luôn là đam mê của em nhưng tương lai có thể em sẽ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh hoặc chuyên gia tư vấn tự do, cũng có thể là người sáng tạo nội dung và chia sẻ trên youtube… Về cuốn sách “Chuyện của Mây”, đây là một kỷ niệm đẹp và là niềm tự hào nho nhỏ của em khi được cùng mọi người tham gia truyền thông để bảo vệ sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, thanh niên, chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các bạn học sinh.
 
Ngọc Mai