Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cô gái Quảng Bình "say" trà Việt

  • 08:30 | Chủ Nhật, 05/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cố đô Huế chênh chao một chiều đông nắng nhẹ, tôi tìm đến Di Nhiên trà thất, ủ trong tay ly trà sen ấm nồng vương khói, nhấp từng ngụm thanh ngát và nghe câu chuyện về tình yêu trà Việt của cô chủ quán có tên Trần Thị Thanh Nhị, 34 tuổi, quê ở Đức Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình).
 
Duyên trà
 
Tuổi thơ Nhị đi qua ở làng quê Đức Phổ với những ấm trà ủ hoa dậy hương của ông ngoại. Nhị kể, ông ngoại cô rất sành trà, có thói quen uống trà vào mỗi buổi sớm. Và mùi hương của những ấm trà ông ngoại pha theo Nhị vào trong giấc ngủ, ấp ủ thành niềm đam mê tận sau này.
 
Nhị trực tiếp hái chè ở vùng Tà Xùa, Sơn La.
Nhị trực tiếp hái chè ở vùng Tà Xùa, Sơn La.
 
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế, Nhị được giữ lại trường làm giảng viên. Nhị kể: “Nhìn hoa sen ở Huế, tôi cứ nhớ trà hoa của ngoại. Vì vậy, tôi quyết định sẽ đến với trà, như cái duyên ngoại cho mình.” Năm 2014, Nhị cùng với một người bạn yêu trà khác khánh thành Di Nhiên trà thất, trở thành nơi chốn đi về của những người yêu trà ở mảnh đất cố đô thâm trầm này.
 
Khác với các nhóm trà thường kinh doanh cả trà tàu lẫn trà Việt, trong đó trà Việt chủ yếu dùng trà Thái Nguyên, vùng trung du, Di Nhiên lại chỉ dụng dòng trà thuần Việt, đặc sản như trà San Tuyết cổ thụ hoang dã, mọc hoàn toàn tự nhiên trên núi cao. Để có nguồn trà sạch, Nhị phải ra tận vùng trà Tà Xùa, Sơn La, là 1 trong 3 vùng trà cổ tốt nhất Việt Nam.
 
Nhị kể: “Trà ở đây sinh trưởng ở địa hình cao hơn 1.000m so với mực nước biển, lại là trà cổ thụ, quá trình tích lũy lâu nên nội chất cũng khác, nhiều vị ngọt. Đi giữa đồi trà với tán vươn trong mây, có cảm giác như chính những cây trà nối cõi trần và cõi tiên, vậy nên sau khi khi kết hợp để sản xuất trà sen, tôi đã đặt tên cho loại trà này là Tiên Khí. Hái trà cả ngày về rửa mặt không có tí bụi, sạch vô cùng”. Di Nhiên có hơn 40 loại trà, mỗi tên trà đều có câu chuyện riêng của nó.
 
Giữ nghề làm trà hoa truyền thống
 
Để giúp trà đến gần hơn với người Việt, đặc biệt là giới trẻ, Di Nhiên chọn dòng trà hoa hay còn gọi là trà luyện hương. Từ trà nền là trà san tuyết, mùa xuân quán có trà hoa mai, mùa hè có trà sen, thu về có trà cúc, đông sang thì trà hoa mộc, xen giữa các mùa có trà ngâu, sói, mai, hồng… Tất cả những loại này đều được cô chủ quán Thanh Nhị làm thủ công với cách sao chế truyền thống bằng chảo gang. Điều mà Nhị mong mỏi khi mở Di Nhiên trà thất là góp phần bảo tồn nghề làm trà hoa truyền thống của người Việt. Mùa nào thức nấy, Di Nhiên trở thành một quán đầy hoa, trà, khách khi đến quán cũng có thể trải nghiệm tự tay chọn hoa, sao trà.
 
Trong các loại trà, theo Nhị, trà sen là khó làm nhất bởi hương sen mảnh và dễ mất mùi, trong đó kỳ công nhất là làm trà sen gạo-được mệnh danh là thiên cổ đệ nhất trà. Để ướp được 1kg trà sen, phải mất 2.000 bông nếu là sen Huế và khoảng 1.200-1.400 bông nếu là sen Hồ Tây để tách gạo-túi hương ở đầu nhị vàng của từng bông sen. Ướp lần lượt 1 lớp trà, 1 lớp gạo, rồi bọc lại, khoảng 3 tiếng 1 lần mở ra để trà thông hương, sau đó, sấy cách thủy bằng cách dùng mâm đồng bỏ trên nồi nước để giữ hương cho trà.
 
Trà sao xong cho nghỉ 3 ngày, sau đó lại thêm gạo ủ trà, tiếp tục sao lần 2. Công đoạn sao trà hoàn thành trong 21 ngày với 7 lần vào hương như vậy. Sau một tháng trà nghỉ, sàng bớt gạo mới có thành phẩm. Để có được những công thức này là cả một quá trình vào Nam ra Bắc của Nhị, đến các vùng sản xuất trà có tiếng của Việt Nam, tìm học những nghệ nhân trong làng trà Việt.
 
Trong các loại sen, sen bách diệp ở Hồ Tây được hương hơn cả, vì vậy, thu sang, Nhị lại khăn gói ra Hà Nội, trực tiếp làm trà và giám sát các công đoạn sản xuất trà của các bạn trà ở vùng nguyên liệu. Các loại hoa khác như cúc, nhài... cũng được Nhị cẩn trọng liên kết với các vùng nguyên liệu trồng riêng làm dược liệu, bảo đảm không dùng hóa chất như ở các vùng trồng hoa thương phẩm. Trà của Di Nhiên vì vậy có loại giá lên đến trên 20 triệu đồng/kg. Quán có quy ước, mỗi loại trà khách chỉ mua từ 1 đến 2 túi nhỏ, bởi không có nhiều. Cũng có loại chỉ bán vào một ngày duy nhất là 30-1 âm lịch hàng năm như trà hoa mai và cũng chỉ được 15 ấm trong ngày.
 
Lan tỏa niềm yêu
 
Là nghệ nhân trà, nhưng công việc chính của Nhị vẫn là giảng viên đại học với học vị tiến sỹ, Nhị tất bật sắp xếp thời gian cho cả 2 công việc. “Thật may, chuyên ngành giảng dạy của tôi là môn cơ sở văn hóa Việt Nam và phương Đông, trong đó có một phần về ẩm thực nên thực chất 2 công việc này bổ trợ cho nhau”, Nhị chia sẻ.
 
Di Nhiên mùa sen.
Di Nhiên mùa sen.
 
Di Nhiên trà thất ngày càng được nhiều trà khách tìm đến, dù nằm sâu trong ngõ ở thành nội, trong đó không ít khách là người nước ngoài. Nhị ít khi đứng quán, nhưng hễ có dịp là Nhị mang áo dài, vừa trò chuyện vừa tự tay pha trà mời khách. Chị Susan, một du khách đến từ Mỹ bày tỏ: “Cách cô ấy nhìn nước bốc hơi để đo nhiệt độ nước, cách cô ấy chiết sạch nước đầu tiên của ấm trà, chia đều cho mọi người trong bàn để không ai uống quá đậm hay quá nhạt và cả những câu chuyện thú vị về trà Việt đã giúp chúng tôi hiểu thêm về một nét văn hóa của người Việt Nam.”
 
Nguyễn Thị Mai Quỳnh, trà nương ở Di Nhiên cho biết: “Nhiều bạn trẻ lần đầu đến đây thường hỏi về loại trà không đắng, không chát, trà nào không mất ngủ. Di Nhiên muốn mọi người đừng xem trà là thức uống của người già mà lãng quên đi nét văn hóa đáng quý lâu đời của người Việt. Các loại trà hoa của quán đã giúp trà đến gần hơn với người trẻ, thực tế lượng khách là các bạn trẻ đến quán ngày càng đông.”
 
Có lẽ, con đường nâng tầm trà Việt và bảo tồn nghề làm trà hoa truyền thống của cô gái Quảng Bình đang đi đúng hướng. Mới đây, Thanh Nhị đã giành giải nhì phần thi nếm trà và giải nhất phần thi trà với đồ ăn kèm trong cuộc thi danh giá Tea Master Cup Việt Nam 2019. Tháng 3-2020, cô sẽ là một trong ít nghệ nhân trà của Việt Nam mang sứ mệnh quảng bá trà Việt ra thế giới khi tham dự cuộc thi trà quốc tế tại Trung Quốc. Nhị tâm sự: “Người Quảng Bình bao giờ cũng có tình cảm sâu nặng đối với quê hương. Có lẽ cũng giống như nhiều người con xa quê khác, khi bản thân đạt được thành quả nào đó đều muốn đóng góp cho quê hương. Hiện, tôi đang "thai nghén" thêm một Di Nhiên ở Quảng Bình trong tương lai.”
 
Chia tay cô chủ Di Nhiên khi phố đã lên đèn, tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt dịu sáng của Nhị khi nói về trà. Nhị cảm ơn trà, còn tôi cảm ơn Nhị, cảm ơn bạn đã giữ lại phong vị qua các mùa hoa, giữ lại mùa hương cho tháng năm trong những chén trà, để ta không còn thảng thốt khi thời gian qua đi mà ta chưa kịp đến với mùi hương, màu hoa ấy. Đó cũng là cách để ta thấy gần gũi thêm, yêu thêm trà Việt, tinh hoa tự ngàn đời.
 
Phương Thảo