Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mùa "săn" ong rừng

  • 08:25 | Chủ Nhật, 15/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ biết tách đàn, tạo giống ong, một số người nuôi ong lành nghề ở huyện miền núi Minh Hóa còn biết cách “săn” ong rừng về thuần hóa để làm giống. Cái hay của nghề "săn" ong về làm giống không chỉ đơn thuần là việc kiếm tiền mà còn được chiêm nghiệm tính kỷ luật, lao động cần cù của loài ong và được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều điều kỳ thú…
 
Ngược ngàn “săn” ong
 
Sáng sớm một ngày mùa đông, chúng tôi theo chân ông Đinh Long (70 tuổi), một người nuôi ong lành nghề ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa) ngược ngàn “săn” ong rừng về làm giống.
 
Ông Đinh Long hiện là Chủ tịch Hội Nuôi ong Minh Hóa, một bậc thầy trong nghề nuôi ong mật ở Minh Hóa. Bây giờ, ông Long không cần phải đi “săn” ong rừng về làm giống nữa, bởi ông đã tự mình tách đàn, nhân giống ong để nuôi và bán cho người nuôi ong; nhưng cái thú đi “săn” ong rừng vẫn cứ thôi thúc ông mỗi mùa làm mấy chuyến ngược ngàn cho đỡ nhớ nghề.
 Mùa đông giá lạnh, đàn ong thường chọn những cột điện rỗng ruột để làm tổ trú ngụ.
Mùa đông giá lạnh, đàn ong thường chọn những cột điện rỗng ruột để làm tổ trú ngụ.
Từ thị trấn Quy Đạt, chúng tôi ngược lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo để thực hiện chuyến “săn” ong. Dọc đường đi, chúng tôi cũng gặp những người “thợ săn” từ các xã Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Thanh và cả những người từ Hà Tĩnh cùng ngược ngàn “săn” ong. Rất dễ để chúng tôi nhận ra “thợ săn” ong bởi đồ nghề mà họ mang theo đều là một chiếc vợt bằng vải màn và vài ba cái chang (tổ mồi).
 
Theo lời ông Đinh Long, hàng năm khi những cơn gió heo may tràn về, tiết trời chuyển từ mát mẻ sang lạnh giá, cũng là lúc những đàn ong mật sống tự nhiên trong rừng sâu bắt đầu quá trình di cư tìm chỗ trú đông, tránh rét.
 
Chỗ mà đàn ong rừng làm tổ trú đông thường là những bọng cây hoặc những cột điện rỗng ruột. Nắm bắt được đặc điểm này, những người “thợ săn” ong dùng “kỹ năng” để dụ đàn ong vào ở trong những cái tổ ong mồi mang theo của mình.
 
Tổ ong mồi là một khúc gỗ, thường bằng gỗ mít, được khoan đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và khoét một cái cửa nhỏ ở giữa. Trước khi săn ong, người thợ dùng mật ong nguyên chất quệt một ít vào phía trên thành tổ để tạo mùi hấp dẫn đàn ong…
 
Kỹ năng “dụ” ong vào chang
 
Ông Long chọn một cụm cột điện (2 cột) nằm bên quốc lộ 12A đoạn qua xã Trọng Hóa (Minh Hóa) để treo những chiếc chang mang theo. Ông Long cho biết, trước đây, đàn ong thường chọn những bọng cây rừng, nhưng thời gian gần đây thì những cây cột điện rỗng ruột thường được đàn ong chọn để làm tổ trú ngụ qua mùa đông.
 
“Trong quá trình tìm chỗ trú đông, đàn ong "giao việc" tìm chỗ ở cho một số con ong khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhất trong đàn. Những con ong này được những người “thợ săn” gọi là ong "sứ”, có nơi gọi là “ong thăm”.
 
Chúng bay lượn khắp nơi và thường tìm các lỗ được đúc sẵn trên các cột điện hay lỗ tự nhiên trên thân cây để tìm chỗ trú cho đàn. Khi phát hiện ong "sứ", người “săn” ong nhanh chóng dùng vợt để bắt, sau đó, khéo léo cho ong "sứ" vào các tổ ong mồi và bịt kín nhốt khoảng 1-2 phút rồi mở cửa.
 
Theo “nghiệp vụ”, sau một vài phút thám thính trong ống mồi, nếu thấy đây là nơi lý tưởng để xây tổ thì ong "sứ" sẽ bay đi gọi đàn về.”, ông Long tóm tắt quy trình “săn” ong.
 
Cũng theo ông Long, từ khi ong "sứ" bị bắt đưa vào tổ mồi đến hết quá trình những đợt ong liên tiếp đến được gọi là quá trình "ong thăm". Đây là thời điểm mà người thợ săn ong hồi hộp đến nín thở. Bởi lúc con ong "sứ" rời tổ ong mồi bay đi sẽ có hai khả năng xảy ra. Một là nó bỏ đi tìm chỗ khác, hai là nó về gọi đàn. Nếu đợi khoảng 3-7 phút không thấy ong trở lại, người “săn” ong biết là thất bại và phải tìm con khác làm lại quy trình, với hy vọng đàn ong sẽ kéo về…
 
Ngoài cách bắt ong “sứ” đưa vào ổ mồi để nó kêu gọi đàn về, hiện nay, những người “thợ săn” ong còn đi tìm những cây cột điện đã có đàn ong làm tổ để săn.
 
Ở những cột điện này, đàn ong đã làm tổ trú ngụ, có nghĩa là nó đã yên vị trong đó và khả năng để nó rời bỏ tổ để vào các tổ mồi là rất khó xảy ra. Chính vì vậy, những người “thợ săn” ong buộc phải sử dụng “kỷ xảo” là dùng những que hương hun khói vào trong cột điện để “phá tổ”. Đàn ong không chịu được mùi khói hương sẽ “vỡ tổ” bay ra ngoài.
 
Trong khi đó, người “thợ săn” ong đã treo những cái tổ mồi xung quanh khu vực đó. Đàn ong trong lúc “vỡ tổ” bay ra, phát hiện những cái chang treo sẵn thì bay vào để trú ngụ.
 
Theo những người "thợ săn" ong lão luyện thì cách làm này tuy bắt được nhiều tổ ong hơn nhưng không hiệu quả vì đàn ong bị xông khói sẽ yếu đi và khi đến công đoạn “san ong” sẽ rất khó khăn.
 
Sau khi đàn ong vào hết trong tổ, người “thợ săn” ong sẽ dùng lá cây hoặc giấy bịt lỗ lại và đưa cả tổ ong mồi cùng đàn ong trong đó về nhà, bắt đầu một quy trình khác gọi là “san ong”.
 
Từ tổ ong mồi nhỏ gọn, đàn ong sẽ được san sang những tổ khác rộng lớn hơn. Từ đây, đàn ong bắt đầu quá trình sinh trưởng, làm việc để 2-3 tháng sau, qua mùa xuân, không khí ấm áp, trăm loài hoa đua nhau nở, đàn ong sẽ cho những tổ ong mọng mật. 
Nghề nuôi ong lấy mật đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân ở huyện miền núi Minh Hóa.
Nghề nuôi ong lấy mật đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân ở huyện miền núi Minh Hóa.
“Săn” ong mật rừng về thuần hóa làm giống là một nghề độc đáo bởi ngoài nguồn thu nhập khá, nghề này rất dễ gây “nghiện” bởi được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều điều kỳ thú.
 
Trong một mùa săn ong, khoảng 3 tháng, có nhiều người thu được hàng chục tổ, nhưng cũng có người chỉ được vài ba tổ. Ở thời điểm hiện tại, bình quân 1 đàn ong giống có giá 500 nghìn đồng, thậm chí có đàn đông “quân” có giá lên đến 1 triệu đồng.
 
Bà Lưu Thị Thiện, một “thợ săn" ong đến từ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, trong mùa “săn” ong này, bà đã bắt được trên 10 tổ ong. Cùng với những mùa trước, hiện gia đình đã có 40 đàn ong đang cho mật, mang về một nguồn thu khá cho gia đình…
 
Mặt trời dần khuất sau dãy núi Giăng Màn, cũng là lúc những người “thợ săn” ong kết thúc một ngày làm việc. Hành trình về xuôi của ông Long hôm nay không có một tổ ong nào nhưng chúng tôi đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị với nghề “săn ong”, một nét “văn hóa rừng” hiếm hoi giữa thời văn minh kim khí này. “Cái hay của nghề “săn” ong, ngoài việc kiếm được tiền, chúng tôi còn được hòa vào thiên nhiên, được nghe tiếng thở của núi rừng.
 
"Săn" ong và nuôi ong mới biết được đây là một loài rất tinh khôn, có tính kỷ luật cao, lao động cần cù và hiệu quả. Mỗi lần ngẫm về thế sự tôi lại nghĩ về đàn ong mật, nghĩ về việc “săn ong” để chiêm nghiệm, bồi đúc sự kiên trì, nhẫn nại. Sau mỗi lần như vậy lại thấy thư thái vô cùng...”, ông Long tâm sự.
 
 Phan Phương