Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những "chiến binh" dũng cảm

  • 09:14 | Chủ Nhật, 17/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên trong căn phòng với đủ loại máy móc, chằng chịt dây dợ là những sinh linh bé nhỏ đang giành giật sự sống từng giờ, từng phút trong cuộc chiến sinh tử. Cũng chính tại căn phòng này, niềm hy vọng của bao gia đình trẻ sinh non được nhen lên bởi chính y đức và sự tận tâm của những người thầy thuốc. Từ những lo lắng lẫn yêu thương, bao đứa trẻ sinh non đã lớn lên, hồn nhiên, mạnh mẽ sống như những “chiến binh” dũng cảm.
 
Cuộc chiến sinh tử
 
9h sáng. Các y, bác sỹ Đơn nguyên Hồi sức tích cực chống độc nhi sơ sinh, thuộc Khoa Nhi (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới) vẫn miệt mài với công việc thường ngày. Không gian không tiếng nói cười, chỉ văng vẳng tiếng máy móc, thỉnh thoảng đôi ba tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Bên trong những lồng ấp đặt cạnh nhau, những sinh linh bé nhỏ vẫn bền bỉ “chiến đấu”. Những lồng ngực mỏng manh phập phồng sự sống, nhưng lại nuôi lớn hy vọng của bao con người đang ngày ngày túc trực bên các bé.
 
Theo bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, trẻ sinh non có tuổi thai dưới 37 tuần. Tuổi thai càng thấp, trẻ càng nhẹ cân. Nhiều trẻ chỉ nặng từ 700-800g. Những em bé sinh non phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ sinh thường do cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Những trẻ này thường phải được chăm sóc trong lồng ấp, thở bằng máy và truyền dịch để nuôi dưỡng. 
 
Những ngày lưu lại tại đây, các bé sinh non được chăm sóc hoàn toàn và được theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên bởi các y, bác sỹ. Mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng với đủ những công việc cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên môn cao. Họ túc trực từng giờ cho ăn, thay tả, tắm rửa, truyền dịch... Mọi công đoạn đều cần sự nhẹ nhàng, khéo léo và hết sức cẩn trọng. Mỗi thay đổi trong từng nét mặt, từng cái cựa mình của trẻ cũng được theo dõi chặt chẽ. 
Sự chăm sóc tận tâm của các y, bác sỹ đã nuôi lớn hy vọng của các gia đình trẻ sinh non.
Sự chăm sóc tận tâm của các y, bác sỹ đã nuôi lớn hy vọng của các gia đình trẻ sinh non.
17 năm gắn bó với những em bé sinh non, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ rằng, bản thân cũng là một người mẹ, lại chứng kiến những em bé không may ra đời quá sớm với thể trạng yếu ớt nên tình thương chị dành cho những cháu bé này càng lớn. Có những em bé nặng chỉ hơn 700g, vừa ra đời đã mang nhiều căn bệnh vì biến chứng sinh non nên việc chăm sóc, điều trị để trẻ vượt qua được “cửa tử” này thực sự là một “cuộc chiến” cam go. Nhưng hạnh phúc của chị là được chứng kiến sự lớn lên từng ngày của trẻ. Hạnh phúc càng vỡ òa khi các bé được ra viện, trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ cha.   
 
Cùng con vượt “cửa tử”
 
Khi thai kỳ vừa bước vào tuần thứ 27, chị Nguyễn Thị Hải Yến (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) có dấu hiệu chuyển dạ sinh non. Nhìn thể trạng bé chỉ 825g khi vừa lọt lòng, các bác sỹ đều tiên lượng xấu. Nhưng “còn nước, còn tát”, em bé được chuyển sang chăm sóc đặc biệt tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực nhi sơ sinh, thuộc Khoa Nhi (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới). Những tháng ngày con trai lưu lại tại đây đối với gia đình chị thực sự là quãng thời gian khó khăn.
 
“Hai vợ chồng thuê một phòng trọ ngay sát bệnh viện. Mỗi ngày, có 8 lần gia đình được mang sữa vào để các điều dưỡng cho bé ăn. Chồng tôi cứ sáng sáng bắt xe lên Lệ Thủy làm việc, tối lại trở xuống để đêm thức dậy mang sữa vào cho con. Cuộc sống cứ kéo dài 108 ngày như thế. Hàng tuần, gia đình có hai lần được vào gặp con và được các bác sỹ trực tiếp trao đổi tình hình sức khỏe, cân nặng của con. Nghe con tăng lên được vài gram thôi cũng thấy khấp khởi mừng.”, chị Yến nhớ lại. Gần 4 tháng trời, chị Yến không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc. Những ngày tháng ấy, ra vào bệnh viện mỗi ngày, chứng kiến cảnh những người mẹ được ôm ấp đứa con bé bỏng, lòng chị lại trào lên nỗi xót xa. Nhưng rồi, nhìn con lớn dần lên, bắt đầu ăn được nhiều sữa hơn, cùng sự động viên của các y, bác sỹ, niềm tin và hy vọng cứ thế dâng lên từng ngày.
 
Cùng với chị Yến, mỗi ngày, có biết bao gia đình trẻ sinh non vẫn kiên cường cùng con “chiến đấu” để vượt qua ngưỡng cửa sinh tử. Bên ngoài hành lang phòng bệnh là những ông bố, bà mẹ đợi được đến giờ vào thăm con. Những dáng người mệt mỏi, những ánh mắt thấp thỏm, lo âu và cả những cái nắm tay thật chặt chan chứa hy vọng. Đằng sau cánh cửa ấy là những sinh linh bé nhỏ đang phập phồng sự sống. Để rồi, sau những ngày kiên cường, biết bao đứa trẻ đã thoát ra khỏi căn phòng cơ man máy móc ấy để trở thành những “chiến binh” dũng cảm, chiến thắng thử thách sinh tử của số phận.
 
Hành trình kỳ diệu
 
Tháng 4-2019, sau gần 5 tháng tận tình chăm sóc, bé gái con của vợ chồng chị N.T.H, ở phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) đã xuất viện trong sự hân hoan của gia đình và y, bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Đây được coi là trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất (740g) được nuôi dưỡng thành công tại bệnh viện. Niềm vui ấy là động lực to lớn cho những hy sinh lặng thầm của những y, bác sỹ đang ngày đêm miệt mài với công việc chăm sóc trẻ sinh non.
 
Đây là một trong rất nhiều trường hợp trẻ sinh non được cứu sống, phát triển bình thường sau những ngày kiên trì “chiến đấu” với bệnh tật. Nhiều em bé ra đời khi vừa 26, 27 tuần tuổi, mang trong mình nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhưng vượt lên tất cả, các bé đã lớn lên, khỏe mạnh và phát triển như một đứa trẻ bình thường khác. 
Từ một đứa trẻ sinh non chỉ nặng 1 kg, bé Phạm Ngọc Linh nay đã phát triển bình thường.
Từ một đứa trẻ sinh non chỉ nặng 1 kg, bé Phạm Ngọc Linh nay đã phát triển bình thường.
Cô con gái Phạm Ngọc Linh của chị Phan Thị Dung (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) ra đời khi thai kỳ mới chỉ hơn 6 tháng, cô bé Linh lúc ấy chỉ nặng 1kg. Gần 3 tháng trời nằm lồng ấp, với đủ biến chứng điển hình của trẻ sinh non như viêm phổi, suy hô hấp..., cuối cùng, bé cũng đã được xuất viện về nhà. Hơn 3 năm trôi qua, cô bé 1kg ngày ấy giờ đã là một học sinh mẫu giáo lém lỉnh, nhanh nhẹn và rất thông minh. Chị Dung bảo, với gia đình chị, đó là hạnh phúc vô bờ mà dẫu khó khăn, vất vả bao nhiêu chị cũng đều nhìn con mạnh mẽ sống mà cố gắng vượt qua.
 
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân chia sẻ rằng, điều hạnh phúc của những người trực tiếp điều trị cho trẻ sinh non là sự lớn lên, phát triển bình thường của các bé sau những ngày đứng giữa lằn ranh sinh tử. Những em bé như Gia Hy, Đại Dương, Thu Hà... đều được điều trị thành công sau khi sinh ra với cân nặng dưới 1kg. Nhiều năm sau đó, các gia đình và y, bác sỹ vẫn giữ mối liên hệ đặc biệt, thường xuyên gửi hình ảnh bé sau từng mốc phát triển. Nhìn những nụ cười đáng yêu ấy, sẽ không ai nghĩ rằng những “chiến binh” dũng cảm này đã trải qua những ngày tháng giành giật từng hy vọng sống mong manh nhất. Đó là một hành trình kỳ diệu, là câu chuyện cổ tích được viết nên bởi niềm tin y đức và tình yêu thương.
Để nâng cao nhận thức về sinh non, từ năm 2011, thế giới đã chọn ngày 17-11 hàng năm là Ngày thế giới vì trẻ sinh non. Tại Việt Nam, trong ngày này, nhiều hoạt động hướng về trẻ sinh non đã được tổ chức nhằm động viên và cung cấp những thông tin cần thiết trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sinh non.
Diệu Hương