.

Nhọc nhằn hạt muối Phú Lộc…

.
08:45, Chủ Nhật, 28/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Làng Phú Lộc, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh còn duy trì nghề làm muối. Nghề làm muối ở Phú Lộc có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc ấy, nghề muối thủ công chủ yếu phục vụ cho nhu cầu gia đình, buôn bán nhỏ lẻ, sau này mới mở rộng thành một làng nghề truyền thống. Có một thời gian làng muối Phú Lộc gần như bỏ hoang, nhưng đến những năm 80 thì làng muối hồi sinh và phát triển cho tới ngày nay. Qua bao thăng trầm và biến cố, những diêm dân ở làng muối Phú Lộc bao đời nay vẫn mặn chát với hạt muối và loay hoay tìm bài toán phát triển nghề muối…

Mặn chát hạt muối Phú Lộc

Đồng muối xã Quảng Phú nằm ngay dưới chân cầu Roòn, có diện tích khoảng 73ha, sản lượng đến nay ước đạt khoảng 5.000 tấn và là nơi nuôi sống 268 hộ với hàng trăm diêm dân thuộc 3 thôn Phú Lộc 1, Phú Lộc 2, Phú Lộc 3.

Diêm dân Phú Lộc luôn đối mặt với nguy cơ bị tư thương ép giá muối.
Diêm dân Phú Lộc luôn đối mặt với nguy cơ bị tư thương ép giá muối.

Trên cánh đồng muối Quảng Phú những ngày tháng 7, gắn bó với nghề muối hơn nửa đời người, vừa lấy tay quệt những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt đen xạm vì cháy nắng, diêm dân Nguyễn Văn Công (62 tuổi) thôn Phú Lộc 1 vừa tâm sự với chúng tôi, cả gia đình ông sống nhờ vào 7 sào muối trên cánh đồng này, ngày gặp trời nắng thì gia đình thu được khoảng 7 tạ muối, cho thu nhập cũng khoảng gần 1 triệu đồng.

Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông có thu nhập cũng khoảng hơn 40 triệu đồng. So với năm trước thì năm nay thu nhập cũng đỡ hơn vì thời tiết nắng nhiều.

Cũng theo ông Công, mấy năm trước, khi sự cố môi trường biển xảy ra, cả làng Phú Lộc không ai làm muối, cả đồng muối Quảng Phú bỏ hoang, tiêu điều, xơ xác. Để kiếm sống, ông phải đi làm thêm nhiều nghề để có thu nhập, nuôi sống gia đình, như: thợ nề, chặt cây thuê...

“Diêm dân ở Phú Lộc gặp nhiều khó khăn bởi không chủ động được nguồn tiêu thụ sản phẩm, mua bán mang tính thỏa thuận nên rất dễ bị tư thương ép giá, có năm giá muối đầu vụ tăng cao nhưng đến cuối vụ thì còn có một nửa. Họ đành phải chấp nhận điều đó, vì hạt muối làm ra thì không thể không bán…”, ông Công bộc bạch.

Diêm dân Phạm Thế Lực (37 tuổi) ở thôn Phú Lộc 2 mới theo nghề làm muối được khoảng 5 năm trở lại đây cho biết, năm nay, thời tiết nắng nhiều nên thu nhập từ hạt muối của gia đình cũng tăng lên đáng kể. Cả gia đình anh chỉ trông vào hơn 1ha đất làm muối hiện có để bảo đảm thu nhập và nuôi con ăn học. Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh đã bán được hơn 70 triệu tiền muối (khoảng 60 tấn).

Nghề muối là nghề truyền thống, làm muối ở Quảng Phú đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo, có nhiều gia đình giàu lên nhờ làm muối. Tuy nhiên, theo anh Lực, sản lượng muối năm 2019 đạt mức cao do thời tiết thuận lợi nhưng nỗi lo chính của diêm dân Phú Lộc vẫn là đầu ra và giá cả bấp bênh…

“Vì bấp bênh nên khi bước vào chính vụ, chỉ còn có khoảng 180 hộ ở Quảng Phú tham gia sản xuất muối. Để có những hạt muối, dù trời nắng như đổ lửa, bà con diêm dân vẫn phải ra đồng muối từ sáng tới trời tối mịt mới về.

Hơn nữa, trên địa bàn xã đang có tình trạng người dân đi vào các tỉnh miền Nam kiếm sống không kịp trở về để làm vụ muối; một số hộ khác do diện tích đất canh tác muối được cấp quá ít vì thế không triển khai làm muối; một số thì chuyển nhượng lại đất cho người khác…Do vậy, hiện nay, số diện tích đất không sản xuất muối ở Phú Lộc là khoảng hơn 30ha, đã làm giảm sản lượng chung của toàn xã…”, ông Tưởng Văn Bình, cán bộ nông nghiệp xã Quảng Phú cho hay.

Tìm đầu ra cho hạt muối

Người dân Quảng Phú nói chung và diêm dân Phú Lộc nói riêng bao đời nay không chỉ làm muối mà còn làm nông nghiệp và các ngành nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Nhưng đối với người dân nơi đây, nghề muối vẫn mang lại thu nhập cao so với làm lúa nhưng thiếu sự ổn định, thiếu định hướng bền vững và hơn nữa, hạt muối làm ra ở làng Phú Lộc luôn đối mặt với nguy cơ bị tư thương ép giá.

Câu chuyện giải bài toán tìm đầu ra cho hạt muối Phú Lộc được chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú. Theo ông Khanh, nghề làm muối hiện nay ở Quảng Phú đã mang lại thu nhập đáng kể cho bà con diêm dân.

Vụ muối năm nay, có gia đình ở Phú Lộc từ sản xuất muối cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/ngày. Nhưng như vậy vẫn không làm cho bà con vui được vì đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc vào tư thương, chuyện ép giá như thách đố diêm dân.

Hệ thống đê bao quanh trên đồng muối được xây dựng kiên cố.
Hệ thống đê bao quanh trên đồng muối được xây dựng kiên cố.

Ông Khanh cũng cho biết thêm, mới đây, Tổng Công ty muối Việt Nam đã đầu tư khoảng hơn 50 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng một số hạng mục tại cánh đồng muối Quảng Phú. Tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, song bên cạnh đó còn một số tuyến đường, tuyến kênh cần phải đầu tư để bảo đảm đáp ứng theo quy trình sản xuất…

Mặt khác, các hộ sản xuất muối ở Quảng Phú chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, các hộ gia đình tự quản lý, tự tiêu thụ nên giá cả không ổn định. Thêm nữa, nghề muối chỉ sản xuất 3-4 tháng/năm nên gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí…ông Khanh nhấn mạnh.

Theo ông Khanh, hiện nay, bài toán về hạt muối ở Phú Lộc dần được tháo gỡ do đề án thành lập HTX sản xuất dịch vụ muối Quảng Phú đang được chính quyền địa phương tiến hành một cách khẩn trương.

Qua đó, HTX sẽ khắc phục tình trạng manh mún ruộng sản xuất muối, tập trung sản xuất muối trên cánh đồng lớn, đáp ứng theo quy trình sản xuất nghề muối thực tế của địa phương nhằm nâng cao sản lượng muối trên đơn vị diện tích, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con.

Đồng thời, cần quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi, trạm bơm để bảo đảm thuận lợi trong công tác sản xuất, giảm chi phí để đem lại hiệu quả cao nhất; tìm các đối tác tiêu thụ sản phẩm muối ổn định về giá cả và về số lượng người sản xuất muối…

Ngọc Hải

,