.

Màu của ấm no

.
08:41, Thứ Ba, 18/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đồng nghiệp của tôi trong một lần trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số về cây lúa nước từng nghe bà con thắc mắc rằng, người ngâm trong nước lâu cũng chết, vậy cây lúa trồng ở nước sao sống nổi. Đó đã là câu chuyện của nhiều năm về trước. Bây giờ, lên vùng biên giới xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), giữa điệp trùng đồi núi bao quanh là xôn xao tiếng cười nói của đồng bào Rục và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bên cánh đồng lúa Rục Làn. Vậy là cũng đã ngót nghét 10 năm, bà con dân tộc Rục ở đây làm lúa nước.
 
Cách đây hơn 60 năm, 34 người Rục ít ỏi còn lại sinh sống trong các hang đá ở vùng cao Thượng Hóa đã được BĐBP Quảng Bình kiên trì vận động về ở bản làng, hòa nhập cùng cộng đồng. Mặc dù đã được hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng tập quán sơ khai thuở ban đầu của người Rục vẫn dai dẳng đeo bám, cuộc sống của bà con vì thế còn rất bấp bênh.  
 
Chồng mất sớm, một mình nuôi 8 đứa con, trước đây, chị Hồ Thị Páy ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hoá làm rẫy, đi rừng vẫn không đủ no. Thế rồi, khi Đồn BP Cà Xèng vận động làm lúa nước, chị theo bộ đội sớm hôm ra đồng làm lúa, học kỹ thuật làm đất, gieo sạ, chăm bón. “Có bộ đội hướng dẫn nên làm lúa nước được, không khó. Nhà mình có 4 sào ruộng, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 12 tạ thóc, không còn lo đói khi giáp hạt, còn có thể nuôi 4 đứa con đi học nữa”, chị Páy khoe.
 
Bản Mò O Ồ Ồ có 80 hộ với gần 300 nhân khẩu, đều là bà con đồng bào Rục, hộ nghèo chiếm trên 85%. Trước đây, bà con chủ yếu trồng ngô, trồng sắn và số ít làm lúa rẫy, nhưng năng suất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống. Sau khi được Đồn BP Cà Xèng đóng trên địa bàn vận động, 63 hộ dân của bản đã tham gia trồng lúa nước.

Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũng như bảo đảm nguồn lương thực. Anh Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cho biết: “Từ khi làm được lúa nước, đời sống bà con trong bản đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhiều hộ còn dành dụm sắm nồi cơm điện, quạt máy, tivi...”.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Cà Xèng thu hoạch lúa cùng bà con.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Cà Xèng thu hoạch lúa cùng bà con.

Xuất phát từ thực tế đời sống khó khăn của đồng bào Rục, BĐBP Quảng Bình đã xây dựng dự án lúa nước Rục Làn ở bản Mò O Ồ Ồ, giao cho Đồn BP Cà Xèng trực tiếp triển khai thực hiện từ năm 2009. Giữa thăm thẳm núi ngàn, bộ đội chọn khoảnh đất bằng phẳng nhất, gần con suối chảy qua để làm lúa nước. 

Gọi là bằng phẳng, nhưng so với vùng núi, thực tế vẫn là cồn bãi nhấp nhô, cỏ dại mọc um tùm. Phải mất rất nhiều sức người, sức của của chiến sỹ biên phòng ngày đó mới có thể biến vùng cồn bãi ấy thành cánh đồng lúa nước như bây giờ. Diện tích ban đầu thực hiện là 10ha, hiện tại, đã chuyển đổi 4ha sang trồng ngô do thiếu nước sản xuất. Mỗi năm sản xuất 2 vụ với năng suất đạt từ 35-40 tạ/ha, đặc biệt từ năm 2017 đến nay, năng suất đều đạt khá, cơ bản giúp bà con tự chủ được lúa gạo.
 
Để có được kết quả này là cả một hành trình dài và gian nan của những người lính mang quân hàm xanh. Trước khi triển khai mô hình, các cán bộ, chiến sỹ phải tự tìm học các kiến thức, kỹ thuật của nhà nông, sau đó dạy lại cho bà con.
 
Tuy nhiên, do nhận thức của bà con còn hạn chế, nên việc vận động rất gian nan. Để thay đổi tập quán sản xuất đã ăn sâu vào máu của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ phải đi từng nhà vận động và quan trọng hơn cả, với bà con là phải mắt thấy tai nghe, phải cầm tay chỉ việc.
 
Bởi vậy, Đồn BP Cà Xèng, từ chỉ huy đến chiến sỹ đều vác cuốc ra đồng, trở thành người nông dân thực thụ. Đồn trưởng Đồn BP Cà Xèng, trung tá Hoàng Ngọc Thiên tâm sự: “Anh em trong đồn đều coi việc trồng lúa là nhiệm vụ quan trọng. Từ khi làm đất, gieo cấy đến khi thu hoạch, ngày nào cũng vậy, đồn đều cử cán bộ ra đồng theo dõi, để nếu có dấu hiệu bất thường hay sâu bệnh, kịp thời gọi bà con cùng triển khai phòng trừ”.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Cà Xèng thu hoạch lúa cùng bà con.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Cà Xèng thu hoạch lúa cùng bà con.
Mùa gặt, đa phần quân số của đồn được cắt cử ra đồng cùng đồng bào thu hoạch. Bộ đội, bà con mỗi người một tay, người gặt, người gánh, mồ hôi dưới cái nắng tháng 5 chưa kịp lau đã ráo, vậy mà tiếng cười nói thì giòn vang. Lúa tập kết về một chỗ, bộ đội vận hành máy tuốt ngay góc ruộng, thóc cứ thế đổ đầy từng thúng, trai bản chạy xe máy rà rà, chở lúa về nhà phơi.
 
Nói đến máy tuốt, máy cày, trung tá Hoàng Ngọc Thiên chia sẻ: “Trước đây, chưa có máy móc, bộ đội và dân bản vất vả lắm. Chúng tôi thấy rằng, nếu tất cả công đoạn đều làm thủ công thì bà con vẫn mãi tụt hậu, nhất định phải đưa cơ giới vào sản xuất như ở đồng bằng”.
 
Vậy là bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm với đồng bào, đại úy Bùi Văn Hải đã kết nối với các tổ chức thiện nguyện kêu gọi sự giúp đỡ. Và thật may mắn khi đã có nhiều người hảo tâm chung tay giúp đỡ cho bà con 1 máy tuốt lúa, 2 máy cày với trị giá khoảng 80 triệu đồng. Nhờ có máy móc, thời gian thực hiện các công đoạn giảm xuống chỉ còn 1/3, năng suất vì thế cải thiện rõ rệt.
 
Tháng 5 trời như đổ lửa, để chuẩn bị cho vụ mới, cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Cà Xèng lại quần quật trên đồng ruộng, cởi trần lái máy cày, cùng bà con hăng hái làm đất, vào vụ hè-thu. Niềm vui của những người lính biên phòng chính là chứng kiến sự đổi thay của bà con từ suy nghĩ đến hành động. Bà con đã biết dậy sớm đi làm đồng, không còn trông chờ, ỷ lại mà đã biết giá trị và niềm vui của lao động.
 
Có lẽ, cánh đồng lúa Rục Làn là minh chứng rõ nét nhất cho tình quân dân thắm thiết ở miền biên viễn xa xôi này. Mùa gặt, nắng vàng ươm khắp bản làng đồng bào Rục. Một màu vàng khác, thật ấm áp cũng trải đều từ cánh đồng đến khắp các sân nhà của đồng bào-màu của lúa chín. Và những ngày này, các khoảnh mạ vừa gieo đã bén đất, lên xanh. Những sắc màu đó xin được gọi là màu của ấm no.
 
Phương Thảo
(Đài PT-TH QB)
,