.

Nguồn cội

.
16:24, Chủ Nhật, 21/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Một ngày tháng tư, nắng đầu mùa khô khốc và bỏng rát. Hai cô gái người Pháp ngược lên miền quê Xuân Bắc, xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) để tìm người thân. Có một cuộc trùng phùng đầy nụ cười cả những giọt nước mắt giữa những con người ở cách xa nhau hàng vạn km và thoạt nhìn tưởng sẽ chẳng có điểm tương đồng.
 
Chuyện người lính thợ
 
Ở tuổi 86, bà Trương Thị Tư (Hoa Thủy, Lệ Thủy) vẫn còn minh mẫn lắm dẫu trên thân thể còm cõi của bà đã chằng chịt vết dấu thời gian. Lần bị ngã giữa đường làng khiến bà nằm mê mệt suốt mấy ngày trời. Trời trở mùa, nắng gắt và hanh hao càng khiến thân thể nhọc mệt thêm phần nhức mỏi, tưởng như không gượng dậy được nữa.
 
Ấy vậy mà hôm nay, bà khỏe hẳn. Mấy đứa con của bà thủ thỉ: “Hai cô cháu gái ở Pháp hẹn mấy hôm nữa sẽ về thăm quê nên bà tỉnh táo hẳn, cứ khấp khởi mừng”.
 
Ngày gặp lại, hai cô cháu gái ôm chầm lấy bà lão như những người thân quen từ lâu lắm. Bao ký ức trong suốt hơn 80 năm cuộc đời cứ thế trở về nguyên vẹn trong tâm trí của bà Tư.
 
Bà kể, đó là những năm 30 của thế kỷ XX, cha bà-ông Trương Cường cùng rất nhiều đàn ông ở quê hương ông bị thực dân Pháp bắt đi làm lính thợ. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, cũng như gần 20.000 thân phận người Đông Dương khác, ông bị đẩy lên tàu sang Pháp.
 
Sau khi nước Pháp thua trận trước Đức quốc xã tháng 6-1940, chỉ có khoảng 4.500 người được trở về quê hương. Số còn lại được đưa về miền Nam nước Pháp và được trưng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất trong suốt thời gian chiến tranh. Ông Trương Cường cũng nằm trong số những con người không may mắn được hồi hương ấy.
Marjoie hào hứng xem lại cuốn album gia đình.
Marjoie hào hứng xem lại cuốn album gia đình.
Nhớ lại quãng thời gian đã qua, bà Tư bồi hồi kể: “Ngày cha đi, tôi chỉ mới chập chững biết đi. Mẹ cũng đang mang thai đứa em thứ hai. Ông đi biền biệt không một lời hồi âm. Mẹ con tôi bồng bế nhau rời Huế (quê ông Cường-PV) trở về quê mẹ ở Hoa Thủy để sinh sống. Phải gần 40 năm sau đó, chúng tôi mới gặp lại được cha mình, bằng xương bằng thịt”.
 
Bà Tư nhớ, đó là khoảng năm 1974, ở địa phương có một người đàn ông tên Pháp vừa trở về từ nước Pháp. Ngày ấy, chị em bà đã tìm đến nhà, viết một lá thư tay nhờ ông tìm cha giúp họ. Cảm kích tấm lòng và nỗi mong ngóng của hai người con gái, khi trở về Pháp, người đàn ông nàyđã tìm mọi cách để gặp bằng được ông Cường, trao tận tay lá thư mà người con gái đã nắn nót từng chữ bằng cả tấm lòng và những dòng nước mắt tủi phận. Giữa nước Pháp xa xôi, cuối cùng, bức thư ấy cũng đến được tay ông Cường.
 
Năm 1977, ông tìm về lại Lệ Thủy. Cha con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Bao nhiêu uất nghẹn, xót xa và cả những thương nhớ ruột rà chợt ùa về như mới ngày hôm qua. Bà Tư bảo, nửa tháng trời ông Cường trở về, ba cha con cứ thế quấn quýt bên nhau, kể cho nhau nghe thật nhiều câu chuyện, cả những khúc mắc dồn nén bấy lâu cũng được gỡ dần.
 
Nối tiếp những cuộc trùng phùng
 
Những năm lưu lạc ở nước Pháp, ông Cường kết hôn với một người phụ nữ người Pháp và sinh được một gái, một trai. Trở lại Pháp sau chuyến hồi hương năm 1977, câu chuyện về những người con gái Việt Nam được ông kể lại cho vợ và con mình ở Pháp. Một sợi dây vô hình dần được kết nối giữa những con người cách nhau hàng vạn km. Chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của nhau, bất chợt một ngày, họ nhận ra giữa họ còn có một kết nối linh thiêng của tình thân, máu mủ.
 
Năm 2000, nhiều năm sau ngày ông Cường qua đời, vợ chồng cô con gái người Pháp Marie Rose Wacheux về vùng đất Lệ Thủy để tìm lại những người chị cùng cha khác mẹ của mình. Bà Tư kể, lần đầu tiên gặp mặt nhau, chị em họ cứ ôm lấy nhau mà khóc. Hóa ra, đi qua bao ngày chiến tranh, đói khổ tưởng chỉ có đơn độc và mất mát, họ vẫn còn có những người thân yêu cùng chảy chung dòng máu.
 
Trong suốt những ngày lưu lại Việt Nam, bà Marie Rose Wacheux không cần đến phiên dịch. Bởi, trong một năm trước đó, nỗi khao khát được trở về quê hương thôi thúc bà tự mày mò học thêm tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt Nam và vùng đất Quảng Bình.
Chị em Elodie cùng các con, cháu gia đình bà Tư.
Chị em Elodie cùng các con, cháu gia đình bà Tư.
Nhiều năm sau đó, em trai bà Marie Rose và các con trai, con gái của bà thay phiên nhau trở về thăm họ hàng ở Việt Nam. Năm 2017, cô con gái lớn Elodie Wacheux đến Quảng Bình chỉ với một bức ảnh và một tấm bản đồ. Những câu chuyện kể của mẹ về những người thân nơi mảnh đất nghèo cứ thôi thúc bước chân cô gái trẻ.
 
Hai năm sau đó, tháng 4-2019, Elodie cùng cô em gái Marjorie quay trở lại nơi này. Hai người chị cùng cha khác mẹ của bà Marie Rose Wacheux nay chỉ còn lại bà Tư. Nhưng nơi mảnh đất này đã có một gia đình lớn với hàng chục cháu ngoại, chắt ngoại của ông Cường.
 
Cũng như rất nhiều những dịp hội ngộ trước đó, chuyến trở về quê hương của Elodie và Marjorie lần này tràn ngập niềm vui. Marjorie bảo rằng, cô không thể ngờ ở Việt Nam, mình lại có được một gia đình lớn đông vui đến vậy. Ai cũng hào hứng ôm lấy cô, trao cô nụ cười thật nồng hậu trong giây phút gặp gỡ đầu tiên. Khoảng cách về ngôn ngữ dần được xóa nhòa.
 
“Mẹ tôi đã già, chẳng còn đủ sức để ngồi máy bay vượt hàng nghìn km trở về Việt Nam. Dì Tư sức khỏe cũng yếu nhiều rồi. Vậy nên, chị em tôi hiểu, việc trở về thăm lại quê hương vừa là trách nhiệm nhưng cũng là tạo cho mẹ tôi thêm nhiều niềm vui. Từ ngày nhỏ, bà đã dạy chúng tôi hiểu về nguồn cội, rằng dù ở Pháp hay ở đâu trên thế giới này vẫn phải luôn nhớ chúng tôi còn có một gia đình lớn ở Việt Nam”, Marjorie bồi hồi.
 
Chuyến đi lần này đối với hai chị em Edolie và Marjorie thật sự ý nghĩa. Cùng với những người thân của mình, hai cô gái còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ những người bạn tại nhà hàng Red Peppers và Dolphin homestay (Đồng Hới). Họ chỉ đường cho cô về quê, dẫn cô đi thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khám phá những hang động còn nhiều bí ẩn tại vùng đất Ngân Thủy (Lệ Thủy).
 
Giây phút chia tay, hai cô gái ôm chầm lấy bà Tư. Nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt già nua của bà. Marjorie nắm lấy tay người phụ nữ ấy và hào hứng bảo: “Quê mình đẹp và yên bình quá! Cháu sẽ quay trở lại đây trong vài năm tới, cùng chồng và con trai mình. Chắc chắn là vậy!”.
 
Diệu Hương
,