.

"Hậu phương" của biển…

.
08:06, Thứ Hai, 14/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước đây, công việc của những phụ nữ làng biển chỉ dừng ở việc chờ chồng ngóng con đi biển trở về và nhặt nhạnh con tôm, con cá làm mắm, phơi khô cho bữa cơm gia đình. Thế nhưng bây giờ, những người phụ nữ làng biển đã ngày càng cứng cỏi, vững vàng hơn trong vai trò “hậu phương” của mình…

1. Sinh ra và lớn lên ở làng biển Thanh Trạch (Bố Trạch), chị Bùi Thị Bình (SN 1974) sớm có điều kiện tiếp xúc với con cá, con mực của biển quê hương, từ đó nuôi khát khao xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này.

Chị Bùi Thị Bình tất bật chuẩn bị hàng hóa cuối năm tại siêu thị Bình Minh Mart.
Chị Bùi Thị Bình tất bật chuẩn bị hàng hóa cuối năm tại siêu thị Bình Minh Mart.

Chị Bình chia sẻ, ở làng biển, cánh đàn ông đi tàu đánh bắt tôm cá, còn phụ nữ trên bờ theo nghề mua bán và chế biến hải sản. Từ năm 16 tuổi, chị đã đam mê với nghề buôn bán sản phẩm thủy sản của gia đình.

Hồi đó, ngư dân chỉ có thuyền nhỏ đi biển trong ngày, chị phụ giúp gia đình mua cá, mua mực về phơi khô rồi đổi gạo, mì chính cho cửa hàng thương nghiệp. Sau nữa thì mua thủy sản từ tàu cá rồi nhập hàng trực tiếp cho Xí nghiệp chế biến đông lạnh ở TP. Đồng Hới.

Khi đơn vị này phá sản (khoảng năm 2000), gia đình bắt đầu chuyển sang lĩnh vực chế biến thủy sản, chủ yếu là phơi khô cá, mực các loại; đến những năm 2006-2007, chị bắt đầu xây dựng cơ sở và mua sắm thiết bị để làm hàng đông lạnh.

Do nhu cầu quản lý, năm 2010, Công ty TNHH DVTM Thanh Quang được thành lập do anh trai là Bùi Thức Quang làm giám đốc. Từ đó, chị Bình kiêm luôn vai trò quản lý đầu mối từ liên kết thu mua sản phẩm của ngư dân đến xuất hàng cho doanh nghiệp, thương lái.

Với khát khao xây dựng thương hiệu sản phẩm, giúp cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm hải sản sạch, an toàn, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp-PTNT, Công ty TNHH DVTM Thanh Quang đã xây dựng chuỗi liên kết thủy sản an toàn có truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, Công ty đang liên kết với 70 tàu cá xa bờ của ngư dân để thu mua sản phẩm đánh bắt.

“Trung bình, mỗi tháng, Công ty thu mua khoảng 100 tấn hải sản, trong đó, 50% sản lượng là mực, còn 50% là cá các loại. Sản phẩm thủy sản của Công ty còn được giới thiệu tại siêu thị Bình Minh và một số cửa hàng thực phẩm sạch. Từ khi có liên kết với ngư dân và thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm thủy sản của Công ty được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao”, chị Bình cho biết thêm.

2. Không có đủ sức khỏe để mạnh mẽ trước sóng gió biển khơi như đàn ông, phụ nữ ở các làng biển lại gắn bó với biển bằng sự miệt mài, tảo tần theo cách khác. Là người đứng đầu một hợp tác xã trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Duế ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) luôn giữ vững “tay chèo” để từng bước phát triển nghề chế biến thủy hải sản tại địa phương.

Với suy nghĩ đơn giản là kết nối các chị em trong thôn lại để cùng nhau chế biến các loại thủy hải sản truyền thống của địa phương, năm 2010, bà Nguyễn Thị Duế đã đứng ra thành lập Hợp tác xã mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng (gọi tắt là HTX thủy sản Xuân Hồng).

Sau gần 9 năm hoạt động, đến nay, HTX thủy sản Xuân Hồng do bà Nguyễn Thị Duế làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc đã tạo việc làm ổn định cho 11chị em xã viên trong thôn, trong đó có nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn và hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Duế cho biết: “Hiện tại, sản lượng chế biến của HTX thủy sản Xuân Hồng ổn định hàng năm với khoảng 3.000 lít nước mắm, 24 tấn ruốc, 12 tấn cá khô các loại…

Chị Nguyễn Thị Duế luôn nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản của Quảng Bình.
Chị Nguyễn Thị Duế luôn nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản của Quảng Bình.

Tất cả các loại nguyên liệu chế biến đều được thu mua từ sản phẩm đánh bắt của ngư dân địa phương, mùa nào thức nấy, như: cá nục, cá cơm từ tháng 2 đến tháng 6 thì chế biến nước mắm, cá cơm từ tháng 6 đến tháng 8 thì phơi khô, con ruốc đi te từ tháng 10 đến tháng 12 thì phơi khô hoặc làm ruốc quết, con ruốc đánh giạ thì xay ủ làm nước mắm ruốc”…

Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, HTX đã chủ động, sáng tạo áp dụng phương thức bán hàng tập trung, đồng thời, phân phối qua các đại lý, nhà hàng và ký gửi hàng đến các địa phương lân cận. Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã tham gia nhiều hội chợ nông sản thủy sản trên khắp cả nước và được các đối tác đánh giá cao, có nhiều hợp đồng với số lượng lớn.

3. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với chị Bùi Thị Bình bị ngắt quãng nhiều lần bởi những cuộc điện thoại về công việc bận rộn cuối năm. Chị chia sẻ: “Là phụ nữ làng biển, chị vốn chỉ quen với buôn bán cá tôm, giờ quản lý hàng hóa ra vào của một siêu thị lớn, nên phải chạy đi chạy lại giữa kho đông lạnh của công ty và siêu thị, hết vận chuyển hàng thủy sản đến bố trí, xếp đặt hàng hóa trong siêu thị.

Cái “góc” chị yêu nhất trong siêu thị này là chỗ bố trí hàng thủy sản. Dù gì thì mình cũng là phụ nữ làng biển, mong muốn của mình là làm sao xây dựng được thương hiệu cho con cá, con mực của biển quê hương trên thị trường, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn”…

Còn bà Nguyễn Thị Duế thì chia sẻ: "Giá trị sản vật mà biển mang lại cho chúng tôi rất lớn. Đàn ông thì ra khơi mang tôm, cá về, còn phụ nữ chúng tôi ở nhà không thể kém cạnh, phải làm sao gắn kết lại để làm nên thương hiệu cho con tôm, con cá của biển quê hương, rồi đưa chúng vươn xa không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vượt biển ra tận nước ngoài"...

Những cuộc trò chuyện với chị Bùi Thị Bình, bà Nguyễn Thị Duế và biết bao người phụ nữ làng biển mà chúng tôi đã được gặp trên hành trình thiên lý đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Họ đã cho chúng tôi thấy rằng, là phụ nữ làng biển, họ không chỉ can trường và vững vàng chỉ cho riêng mình.

Trước mặt họ là biển cả, vốn mang lại cuộc sống ấm no, nhưng cũng đầy dữ dằn và hiểm nguy cho ngư dân. Chính vì vậy, họ đã "tiếp sức" cho ngư dân và cho biển bằng những việc làm tảo tần, bền bỉ để đưa thương hiệu thủy hải sản địa phương vươn xa...

Hiền Phương-Ngọc Lan

 

,