.

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp-Kỳ 1: Tiềm năng chờ khai phá

.
10:13, Chủ Nhật, 09/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Gặt lúa, chăn trâu, tắm sông, tham quan làng nghề, làng chài… là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp có thể mang lại cho du khách. Và với hơn 80% cư dân sinh sống ở khu vực nông thôn, Quảng Bình hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch nông nghiệp vốn nhiều tiềm năng này.

Xu hướng của tương lai

Nằm ở thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, The Duck Stop hiện là một trong số những điểm dừng chân yêu thích của du khách quốc tế khi đến Quảng Bình. Anh Trần Ngọc Quỳnh, chủ nhân của The Duck Stop cho biết, anh bắt đầu làm “hướng dẫn viên” du lịch nông nghiệp và xây dựng điểm dừng chân The Duck Stop bắt đầu từ năm 2016 một cách rất tình cờ.

Đó là khi trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh được một số du khách nước ngoài nghỉ ở các homestay bên cạnh đến tham quan, chụp ảnh và muốn được hướng dẫn cách cưỡi trâu, cho gà, vịt ăn. Đến nay, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, The Duck Stop ngày càng trở nên hấp dẫn du khách bởi chính các hoạt động trải nghiệm cùng với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Tại đây, chỉ với 20.000 đồng cho 5 phút trải nghiệm, du khách có thể làm các công việc nhà nông như chăn trâu, gặt lúa, lùa vịt... Với lượng khách đều đặn, bình quân mỗi tháng The Duck Stop mang về cho anh Quỳnh khoản thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng.

Cũng theo anh Trần Ngọc Quỳnh, hầu hết khách du lịch, đặc biệt là du khách từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc đều bày tỏ sự tò mò, thích thú với các trải nghiệm làm nông dân; đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để du khách khám phá sự khác biệt về văn hóa cũng như tập quán sản xuất nông nghiệp.

Tại tỉnh ta, những điểm dừng chân mang tính chất của loại hình du lịch nông nghiệp như The Duck Stop đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, từ trước đó, thông qua các mô hình du lịch cộng đồng homestay, các hoạt động trải nghiệm sản xuất nông nghiệp cùng người dân địa phương vốn đã được lồng ghép từ sớm và rất được lòng du khách khi đến Quảng Bình.

Du lịch nông nghiệp đang ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế.
Du lịch nông nghiệp đang ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, du lịch nông nghiệp đang ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế và là loại hình du lịch hứa hẹn phát triển trong tương lai.

Tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống được kết hợp với khoa học công nghệ, sinh thái, nông nghiệp sạch để thu hút khách du lịch.

Trong khi đó, tại Việt Nam, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Du lịch nông nghiệp sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có để vừa tạo thành điểm đến thu hút du khách, vừa thúc đẩy tăng chi tiêu của du khách thông qua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Đối với Quảng Bình, tiềm năng du lịch nông nghiệp ở tỉnh ta rất lớn bởi có đến 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn; cùng với lịch sử, truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỉnh ta hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với trên 29.770 cơ sở sản xuất. Đặc biệt, theo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta hiện có 53 sản phẩm thế mạnh, thuộc 5 nhóm sản phẩm.

Trong đó, có 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 6 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, 21 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm-nội thất-trang trí và 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Trong số này có 23 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 16 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 29 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với các mặt hàng truyền thống, như: nón lá dừa thêu ren, bộ khay quả trám, khay xoài đan xiên và kết hoa văn bằng sợi song mây, chiếu cói, nước mắm, mật ong Tuyên Hóa, khoai deo Hải Ninh, bánh mè xát Tân An… 

Khai thác chưa tương xứng tiềm năng

Tiềm năng du lịch nông nghiệp của Quảng Bình thực sự phong phú, tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì việc xây dựng sản phẩm, khai thác nông nghiệp làm du lịch trên địa bàn mới chỉ dừng ở giai đoạn bước đầu, giá trị của du lịch nông nghiệp còn nhỏ bé, quy mô đơn lẻ, sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Thực tế cho thấy, tại một số địa phương trên cả nước, như: Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Nam, một số tour đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, điển hình, như: tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam), tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long, tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải, Sa Pa…  Tuy nhiên ở tỉnh ta, các tour du lịch như thế vẫn còn rất hạn chế…

 

“…Du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn là những thuật ngữ về du lịch được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu về du lịch cũng như trong thực tiễn phát triển du lịch những năm gần đây tại Việt Nam…

Du lịch nông nghiệp được hiểu là một loại hình du lịch chủ yếu dựa vào nền tảng và kết quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo ra cho khách du lịch những hoạt động, những trải nghiệm khi họ đến thăm.

Do đó, tất cả những gì liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể tạo ra sự hấp dẫn hoặc trải nghiệm cho khách du lịch đều có thể được coi là tài nguyên du lịch nông nghiệp.” – TS Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch.

Thanh Hải


 

,
  • Triết lý trồng rừng của hai lão nông Vân Kiều

    (QBĐT) - Trong khi nhiều người trồng rừng để bán lấy gỗ làm giàu, hai lão nông người Vân Kiều, Hồ Khay và Hồ Râng, ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh lại có cùng một suy nghĩ là muốn giữ lại cho đời sau một cánh rừng tự nhiên.

    27/05/2018
    .
  • Gốc "A Loang Ma Kẹo" ở Thượng Trạch

    (QBĐT) - Xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) có 18 bản, dấu chân tôi chạm gần hết 18 bản của đồng bào Ma Coong: Cờ Đỏ, Bụt, Nồng Cũ, Nồng Mới, Km 51, Chăm Pu, Km 61, Cà Roòng I, Cà Roòng  II, Ban, Cóc, Cồn Roàng, Cu Tồn, Tuộc, A Ky...

    24/08/2018
    .
  • Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 3: Cơ chế nào để hạt lúa… thăng hoa

    (QBĐT) - Khi khoán 10 đã bắt đầu "nhả" hết sự tinh túy của nó, trên đồng đất hai huyện đang cần có những cung cách làm ăn mới hơn để thổi thêm sinh khí cho hạt lúa, đáp ứng được đòi hỏi của phát triển trong giai đoạn mới…

    22/05/2018
    .
  • Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 2: Thủy sản và lúa

    (QBĐT) - Trong một ngày cuối tháng tư, chúng tôi đã có chuyến "điền dã" về vùng lúa bên phá Hạc Hải trên địa bàn xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Nắng chan hòa trải dài trên cánh đồng lúa bát ngát và không khó để nhận ra lúa bên này, lúa bên kia tuyến đê bao.

    21/05/2018
    .
  • Độc, lạ đồ da thủ công

    (QBĐT) - Naly Crafts - quán cà phê nằm khiêm nhường trên con phố nhỏ Ngô Quyền ngay giữa trung tâm thành phố Đồng Hới. Bên trong không gian ấy, đôi bàn tay khéo léo mặc sức tung tẩy với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Và thành quả từ những ngày miệt mài bên những tấm da "thuộc" ấy là những sản phẩm đồ da độc, lạ và đầy ấn tượng.

    17/08/2018
    .
  • Trẻ mãi với Trường Xuân

    (QBĐT) - Ít ai nghĩ trên vùng đất Trường Xuân năm xưa hoang vu, không đường, không điện, không nhà lại mọc lên một ngôi làng xinh xắn, giữa bốn bề xanh mướt những đồi cao su, chè, hồ tiêu...

    08/07/2018
    .
  • Khe Ngát... khát đất

    (QBĐT) - Định canh, định cư tại bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) từ những năm 1990 của thế kỷ trước, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đồng bào Vân Kiều ở bản vẫn không có đất sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.

    05/08/2018
    .
  • Ngược sóng Tam Lu

    (QBĐT) - Đã từng đọc báo, xem ti vi, nhìn thấy "cát tặc" hoành hành sông Long Đại và cảnh sạt lở bờ sông nghiêm trọng hồi cuối năm 2017, tôi cứ ngần ngại: Dòng sông thanh bình của cách đây 10 năm mình từng đi chắc đã không còn như trước nữa ?

    03/06/2018
    .