.

Sông Son mùa xuân về

.
17:44, Thứ Bảy, 24/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - “Chưa cần khám phá những hang động kỳ vĩ ở Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ cần được du ngoạn và thăm thú những làng quê yên bình bên sông Son vào thời điểm này, tôi thấy mình đã không uổng công khi đến đây!”, bạn tôi đã nói như vậy sau chuyến du xuân ngắn trên quê hương di sản Phong Nha- Kẻ Bàng, nơi có dòng sông Son thơ mộng chảy qua...
 
Ngày đầu tiên của chuyến du lịch đầu xuân của bạn đến Quảng Bình, tôi dẫn bạn lên Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng không mua vé cho bạn vào tham quan các hang động như lẽ thông thường mà thuê thuyền cho bạn du ngoạn sông Son và đạp xe cùng bạn thăm thú những làng quê yên bình bên dòng sông ở vùng quê di sản...
 
Trên chiếc thuyền đưa chúng tôi khám phá dòng Son, ông Trần Văn Tự, một người dân địa phương bắt đầu câu chuyện bằng những truyền thuyết của dòng sông. Ông Tự kể, có ít nhất 2 truyền thuyết về sông Son. Một là câu chuyện về đôi trai gái yêu nhau, vì không môn đăng hộ đối, họ tìm đến cái chết trên dòng sông này để kết thúc cuộc đời, như một lời phản kháng trước các hủ tục. Thương cho mối tình của đôi trai gái này, dân làng đã đặt tên cho dòng sông là sông Son, như nhắc nhớ về một mối tình thủy chung son sắt trọn vẹn. Truyền thuyết thứ hai gắn với cuộc chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân của Nguyễn Ánh (Vua Gia Long). Cuộc chiến khốc liệt đã xảy ra trên dòng sông này, khiến nước sông nhuốm một màu đỏ như son. Tên gọi dòng sông Son ra đời từ đó. Khi nghe câu chuyện của ông Tự, bạn tôi bảo rằng, bạn thích và tin vào truyền thuyết về mối tình sắt son thủy chung của đôi trai gái kia gắn với tên dòng sông hơn...
 
Con thuyền của ông Tự từ tốn đưa chúng tôi chạy dọc theo dòng sông; qua những xóm làng bình yên với những tháp chuông nhà thờ lẩn khuất trong sương sớm. Đang giữa mùa xuân, sông Son đẹp như một bức tranh thủy mặc. Hai bên bờ sông lúc này là những bãi ngô xanh ngút ngàn tầm mắt, quyện hòa cùng màu tím của hoa xoan trước hiên những ngôi nhà nhỏ và màu đỏ rực của loài hoa vàng anh trên những ngọn núi đá ăn sát ra bờ sông... Trên dòng sông trong xanh mùa này, ngoài những chiếc thuyền du lịch ngược xuôi đưa khách tham quan động Phong Nha, còn có những con thuyền nhỏ của những ngư dân vạn chài đánh cá và những người dân cặm cụi vớt rong về làm thức ăn cho cá lồng. Tất cả những gam màu tươi đẹp và những hình ảnh quá đỗi thanh bình của cuộc sống trên dòng sông Son đã tạo cho chúng tôi một cảm xúc thật khó tả...
Cảnh sắc đẹp như tranh của sông Son.
Cảnh sắc đẹp như tranh của sông Son.
Thuyền dừng lại nơi bến phà Xuân Sơn, một “tọa độ lửa” trong chiến tranh chống Mỹ.  Ông Tự, người lái đò và cũng là người hướng đạo cho chúng tôi trong chuyến khám phá sông Son là một người dân xã Sơn Trạch lớn lên và có những năm tháng phục vụ chiến đấu bên bến phà lịch sử này. Đứng ở đây, ông Tự đã không giấu được niềm tự hào và xúc động khi giới thiệu với chúng tôi về bến phà Xuân Sơn, về truyền thống của quê hương mình: “Sơn Trạch bây giờ đã nổi tiếng trên khắp thế giới không chỉ là xã trung tâm của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mà còn là một địa chỉ đỏ, một điểm đến huyền thoại của lòng yêu nước, của ý quật cường”. Theo lời ông Tự, trong hàng triệu khách du lịch đến Phong Nha - Kẻ Bàng mỗi năm, ngoài để tham quan và khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ ở đây thì cũng không ít du khách đến đây chỉ để tìm hiểu về lịch sử của một vùng đất khốc liệt bậc nhất trong chiến tranh.
 
Hồi tưởng về một thời kỳ lịch sử hào hùng, ông Tự cho biết, trong chiến tranh chống Mỹ, xã Sơn Trạch nói chung và bến phà Xuân Sơn nói riêng được ví như túi bom để máy bay Mỹ ngày đêm trút xuống. Đây là tuyến đầu viện trợ cho chiến trường miền Nam nên máy bay Mỹ tập trung đánh phá. Ngày đó, bến Xuân Sơn lúc nào cũng dày đặc thủy lôi, bom từ trường. Hai bên bến phà ngày đêm bị máy bay bắn phá tan hoang, dày đặc hố bom...
 
Nghe câu chuyện của ông Tự, bạn tôi nói không thể hình dung được rằng nơi đây đã từng là một “tọa độ lửa”, một túi bom của chiến tranh.  Bởi trước mắt bạn, bến phà xưa nơi ngày đêm bom đạn cày xới, nay đã là một bến thuyền tấp nập đón khách tham quan, khám phá hang động Phong Nha - Tiên Sơn kỳ vĩ. Những người nông dân như ông Tự, khi xưa đã từng tự tay tháo nhà lót đường cho những chuyến xe qua, nay chính họ và con cháu họ là những người cầm lái những con thuyền lướt sông Son đưa khách khám phá hang động...
 
Sau một buổi sáng du ngoạn bằng thuyền trên dòng Son, buổi chiều, tôi đã quyết định cùng bạn đạp xe khám phá các làng quê xinh đẹp, yên bình trong vùng đệm di sản Phong Nha - Kẻ Bàng như: Làng Na, Xuân Sơn, Cù Lạc (Sơn Trạch); Khương Hà, Bồng Lai (Hưng Trạch) và đặc biệt là làng Cự Nẫm, một ngôi làng rất đặc biệt mà nhiều lần tôi đã giới thiệu với bạn như là một niềm tự hào của quê hương mình.
 
“Trong kháng chiến chống Pháp, Cự Nẫm là một làng chiến đấu kiểu mẫu. Còn những năm chiến tranh chống Mỹ, Cự Nẫm là nơi đặt binh trạm của bộ đội Trường Sơn; nơi dừng chân nghỉ lại một đêm của những đoàn quân trước lúc vào Nam đánh giặc... Và hôm nay, trên mảnh đất một thời phải hứng chịu mưa bom bão đạn đó, đang là điểm đến đầy hấp dẫn của khách du lịch khắp nơi trên thế giới.” - tôi tự hào giới thiệu về Cự Nẫm như thế với bạn.
Khách du lịch nước ngoài khám phá các làng quê ở vùng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng bằng xe đạp.
Khách du lịch nước ngoài khám phá các làng quê ở vùng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng bằng xe đạp.
Tôi cũng đã dẫn bạn đến gặp một số vị cao niên trong làng Cự Nẫm để bạn tôi được nghe họ kể câu chuyện huyền tích về làng “một đêm”. Những người cựu binh già ở làng Cự Nẫm, cho đến hôm nay họ vẫn nhớ vẹn nguyên  những ký ức của một thời ác liệt, hào hùng. “Lúc đó, ngôi làng này được gọi là “làng một đêm”, bởi từ năm 1969 đến năm 1973 các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận và các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm. Ngày đó, hết đợt này, đến đợt khác, bộ đội nườm nượp vào làng, rồi lại đi, lại vào liên tục. Người dân Cự Nẫm ngày lao động, đêm đến lại bốc vác, vận chuyển lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở. Ngày nào cũng có vài đoàn bộ đội đến, cả làng giúp bộ đội đến 1-2 giờ sáng mới đi ngủ. Tổng cộng, có 6 sư đoàn đã qua đây, đã ngủ lại đây trong sự đùm bọc của người dân Cự Nẫm”, họ kể.
 
Trở về với câu chuyện hôm nay, không có lợi thế như xã Sơn Trạch là nằm ngay trung tâm của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng những năm gần đây, Cự Nẫm với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và không khí làng quê yên tĩnh, thanh bình, người dân hồn hậu đang được khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tìm đến ngày một nhiều. Và bây giờ, Cự Nẫm không chỉ là làng “một đêm” như những năm chiến tranh mà nhiều đoàn khách du lịch đến đây đã ở lại dài ngày. Không chỉ khám phá làng thuần nông với bầu không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, du khách - đặc biệt là khách nước ngoài còn háo hức ra đồng làm đất, cày ruộng, gieo trồng và thu hoạch mùa màng cùng nông dân...
 
Một ngày ngắn ngủi không đủ cho tôi giới thiệu hết với bạn những cảnh đẹp về thiên nhiên, về bản sắc văn hóa truyền thống, cũng như cuộc sống thân thiện, chan hòa, tình nghĩa, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi... của những làng quê nơi miền di sản Phong Nha - Kẻ Bàng này. Nhưng khi chia tay, với ánh mắt và nụ cười đầy mãn nguyện bạn đã nói với tôi rằng: “Chưa cần khám phá những hang động kỳ vĩ ở Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ cần được du ngoạn và thăm thú những làng quê yên bình bên sông Son vào thời điểm này, tôi thấy mình đã không uổng công khi đến đây!”. Tôi tin đó là những cảm nhận thật lòng của bạn và càng tự hào về quê hương mình. Hẹn bạn một ngày không xa, tôi sẽ đưa bạn khám phá thêm những miền quê khác xinh đẹp, mến khách ở Quảng Bình.
 
Phan Phương
,
  • Đồng Hới qua góc nhìn du khách

    (QBĐT) - Qua góc máy của Lộc Phạm, một du khách vốn là kỹ sư IT đến từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Đồng Hới lại có thêm những trải nghiệm đầy thú vị qua một góc nhìn mới.

    27/02/2018
    .
  • Bình yên sông Gianh

    (QBĐT) - Trong giá rét ngày cuối năm, những nếp nhà bình yên nằm bên dòng sông huyền thoại, gắn bó, êm đềm như chưa từng đi qua nhọc nhằn, vất vả. Gần 600 ngày đã trôi qua từ thời điểm sông Gianh và người ven sông chịu bao sóng gió, gian nan từ sự cố môi trường biển.

    20/02/2018
    .
  • Cá lồng sông Son

    (QBĐT) - Những ngày cuối năm, người dân ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) lại vào vụ thu hoạch cá lồng nuôi trên sông Son. Nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã mang lại sự sung túc cho không ít hộ gia đình đang sinh sống nơi đây.

    19/02/2018
    .
  • Mẹ Đức

    (QBĐT) - Ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Trong ngôi nhà ấy có một người mẹ tuổi "xưa nay hiếm", đó là mẹ Hồ Thị Đức, sinh năm 1931, thân mẫu Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương, người Đảo phó đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, đã cùng với đồng đội anh dũng hy sinh trong trận hải chiến không cân sức với kẻ thù dệt nên "vòng tròn bất tử" 30 năm về trước để giữ gìn trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

    14/03/2018
    .
  • "Cội lim già" phía đầu nguồn Rào Đá

    (QBĐT) - Hồ Văn Hùng, sinh năm 1980, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, Lệ Thủy giới thiệu với tôi mình người ở bản Đá Còi. Tôi hỏi: "Ở Đá Còi, chắc Chủ tịch biết ông Hồ Văn Ba chứ!". Hùng cười hồn hậu: "Ông ấy là người sinh ra em!".

    13/02/2018
    .
  • Về quê hương hùng binh Hoàng Sa...

    (QBĐT) - Có một Lý Sơn tươi mới, rạng rỡ và thẳm sâu bên trong là khí phách ngàn đời của bao thế hệ người dân nơi đây trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương.

    09/03/2018
    .
  • Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

    (QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

    08/02/2018
    .
  • Nụ cười trong mắt trẻ vùng cao

    (QBĐT) - Những chuyến công tác lên với đồng bào vùng cao của người làm báo luôn đầy ắp kỷ niệm về tình cảm trân quý mà bà con trao gửi, kỳ vọng. Ấn tượng sâu lắng nhất, đáng nhớ nhất chính là sự hồn nhiên của trẻ nhỏ. Để khi về xuôi nhớ lại vẫn nao nao lòng. Dù còn nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nhưng nụ cười, ánh mắt hút hồn của con trẻ vẫn sáng lên, kỳ vọng về một ngày mai tươi sáng.

    07/03/2018
    .