.

Mặt trời của người A Rem - Bài 2: Nơi gặp gỡ ý Đảng lòng dân

Thứ Sáu, 15/09/2017, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm về phía tây huyện Bố Trạch, sâu giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, xã miền núi Tân Trạch có tổng diện tích tự nhiên trên 36 nghìn ha; dân số 93 hộ, 386 khẩu. Kể từ khi rời hang đá hơn 60 năm về trước, cộng đồng người A Rem bây giờ không ngừng lớn mạnh. Làm gì cho đồng bào A Rem thoát nghèo chính là câu hỏi từ chính nội tại thế hệ đảng viên trẻ A Rem cùng sự định hướng của Đảng, Nhà nước.

>> Bài 1: Những viên gạch hồng dâng Đảng

Kể từ khi sống định cư ổn định tại bản Km 39, đường 20- Quyết Thắng, đồng bào A Rem xã Tân Trạch “sở hữu” một khối tài sản đáng kể mà những năm tháng sống trong hang đá họ có mơ cũng chẳng bao giờ trở thành hiện thực: hệ thống bản làng kiểu mẫu với 50 nóc nhà sàn xinh xắn; khoảng trên 2 km đường giao thông bê tông hóa; trung tâm cụm xã gồm hệ thống trường học kiên cố, nơi học tập vui chơi của gần 120 trẻ em, học sinh A Rem; trạm y tế vừa mới đầu tư khang trang có bác sỹ cắm bản chăm sóc, điều trị sức khỏe đồng bào mỗi khi họ ốm đau.

Minh chứng cho sự thống nhất giữa “Ý Đảng lòng dân” của người A Rem chính là cách thức đồng bào gìn giữ và bảo vệ 8,5 ha rừng huê (gỗ sưa) trên 15 năm tuổi của mình. Đảng ủy xã có hẳn một nghị quyết giữ rừng huê; 47 hộ đồng bào theo đó chấp hành nghiêm túc trong đó đảng viên tiên phong, gương mẫu...

Và cho đến nay rừng huê của cộng đồng người A Rem vẫn phát triển tốt không bóng dáng “lâm tặc” nào dám bén mảng lại gần.

Về tư liệu sản xuất, người A Rem được giao bảo vệ 4.000 ha rừng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, mỗi năm kinh phí hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng giúp bà con mua thêm gạo, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Diện tích đất sản xuất đã trích giao 245 ha, trong đó có 186 ha đất trồng lúa rẫy.

Một tài sản khác mà người A Rem Tân Trạch “trân quý” đó là rừng huê tuổi đời 15 năm, diện tích lên đến 8,5 ha thuộc quyền sở hữu của 49 hộ dân. Ngoài phát triển diện tích lúa rẫy, đồng bào còn tích cực phát triển chăn nuôi với đàn bò 104 con; đàn lợn bản gần 100 con và trên 300 gia cầm...

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho biết: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện tại đời sống người A Rem vẫn đang hết sức khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo quá cao so với mặt bằng chung toàn huyện, trên 92%. 18 hộ gia đình đang ở trong những ngôi nhà tạm bợ cần sửa chữa, làm mới. Những khó khăn trên bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân: tư tưởng trông chờ ỷ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chưa chịu khó, chịu khổ làm ăn; trình độ dân trí thấp...”

Trong bối cảnh khó khăn chung của cộng đồng người A Rem như thế, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Trạch kịp thời ban hành chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội cho đồng bào giai đoạn 2016-2020. Chương trình hành động vì dân, được cán bộ, đảng viên, quần chúng A Rem nhiệt tình đón nhận và ủng hộ. Tôi hỏi Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Lầu: “Cái bụng dân bản ưng không?”.

Ông Chủ tịch UBND xã hồ hởi: “Ưng, ưng lắm! Nghèo đói, tăm tối, thất học, mê tín, dị đoan, rượu chè... làm cái đầu người A Rem mụ mị không nghĩ sâu, nghĩ xa được, nay có Đảng lo dùm, đồng bào ai chẳng ưng!”.

Tôi cầm cuốn “cẩm nang thoát nghèo” (theo cách Chủ tịch xã Đinh Lầu nói về chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội) đi một vòng quanh bản Km 39. Nhà đầu tiên tôi ghé là hộ gia đình Đinh Đu, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, hiện tại làm Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Với Đinh Đu, ông rất tự hào về gia đình mình. “Hơn lúc nào hết, tao bảo các con trong gia đình phải học tập, lao động theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, theo con đường Đảng định hướng. Chỉ con đường này mới được cơm no, áo ấm, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu”.

Đinh Đu có tất thảy 6 người con, ngoài đứa con gái đi lấy chồng xa, còn lại đều quần tụ trong bản Km 39. Đinh Tân, con trai đầu học xong lớp 12 thì đi bộ đội, tốt nghiệp trung cấp chính trị, trung cấp quân sự, bây giờ là Chỉ huy trưởng Quân sự xã, đảng viên.

Con trai thứ Đinh Hàn, cán bộ tư pháp xã, đảng viên. Y Chưởi, cán bộ y tế thôn bản; Y Man, Bí thư chi đoàn bản Km 39; Đinh Khang, bộ đội mới ra quân... Hạt giống tốt Đinh Đu gieo giữa đại ngàn Trường Sơn, bây giờ đang ra hoa, đơm trái. Cả gia đình sống giữa cộng đồng A Rem anh em bằng “ý Đảng, lòng dân”.

Ngôi nhà hai vợ chồng đảng viên trẻ Đinh Nghinh, Y Đan nằm ngay sát trục đường bê tông chính xã Tân Trạch, Đinh Nghinh là Phó Bí thư xã đoàn; Y Đan làm cán bộ phụ nữ xã, vợ chồng đều đại biểu HĐND xã Tân Trạch nhiệm kỳ 2016-2021. Nhắc đến câu chuyện làm gì để giúp đồng bào mình thoát nghèo bền vững, cả hai trả lời khá dứt khoát: “Không nên sinh đẻ nhiều mà dừng lại ở hai con như gia đình mình.

Sau đó, không nên trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, mà phải chăm lo lao động, trước để bảo đảm cuộc sống gia đình, sau giúp bản làng mình. Không lẽ cứ để người A Rem mãi mãi nghèo nàn, tụt hậu. Chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 mà vợ chồng mình trực tiếp đóng góp ý kiến sẽ giúp cuộc sống người A Rem tốt đẹp hơn”.

Đến hết năm 2016, xã Tân Trạch chỉ đạt 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gồm: quy hoạch, thủy lợi, nhà ở, hệ thống tổ chức chính trị xã hội và an ninh trật tự. Mục tiêu chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội giúp cộng đồng người A Rem hướng đến là làm sao nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và vai trò làm chủ của nhân dân.

 Trung tâm xã Tân Trạch ngày càng khang trang hơn.
Trung tâm xã Tân Trạch ngày càng khang trang hơn.

Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; lấy phát triển chăn nuôi làm trọng tâm gắn với trồng và bảo vệ rừng; nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, từng bước thay đổi tập quán canh tác, phong tục tập quán trên tinh thần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sớm đưa người A Rem thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển.

Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Lầu khái quát rõ cho tôi về một số chỉ tiêu cơ bản đồng bào A Rem cần hướng đến: phấn đấu năm 2020, Tân Trạch đạt thêm 5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ổn định diện tích trồng cây lương thực, tự bảo đảm lương thực hàng năm; phát triển số lượng đàn bò lên 200 con gắn với chăm sóc rừng di sản; bảo vệ nghiêm ngặt 8,5 ha rừng huê. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2 đến 3%; 100% hộ sử dụng điện năng lượng mặt trời; 100% học sinh trong độ tuổi đến trường. Đến năm 2020, trên 55% cán bộ, công chức A Rem có trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn từ trung cấp trở lên...

Hơn 60 năm rời hang đá trở về trong vòng tay yêu thương của đại gia đình 54 dân tộc anh em, tộc người A Rem đã có những thay đổi căn bản trong lối sống, trong tư duy cùng những định hướng phát triển bền vững. Những viên gạch hồng được Đảng nâng niu, đào tạo nên, trở thành “hạt giống đỏ” ngay chính trong cộng đồng, đủ sức chèo lái đưa người A Rem thoát khỏi đói nghèo.

Tôi chia tay vùng đất “nơi ý Đảng lòng dân hội tụ”- bản Km39 của những người A Rem hồn hậu để về xuôi. Không còn bao lâu nữa, ánh điện văn minh sẽ bừng sáng lên giữa sâu thẳm núi rừng di sản thế giới nhờ hệ thống điện năng lượng mặt trời. Điện sáng, tâm người A Rem trong sáng... vững bước trên con đường sáng theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu!

Ngô Thanh Long