.

Mặt trời của người A Rem - Bài 1: Những viên gạch hồng dâng Đảng

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngược đường 20 - Quyết Thắng đến Km 39 là chạm trung tâm xã Tân Trạch (Bố Trạch), địa bàn sinh sống của đồng bào A Rem. Người A Rem “đoạn tuyệt” với hang đá đến nay ngót nghét hơn 60 năm, xã Tân Trạch định danh trên bản đồ hành chính huyện Bố Trạch cũng chừng đó thời gian (năm 1958). Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là trong 159 xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Bình, Đảng bộ xã Tân Trạch có tuổi đời trẻ nhất, chỉ mới trọn năm. Thế nhưng trên hành trình gian nan hướng về phía mặt trời, Đảng, Bác Hồ luôn ở giữa lòng người A Rem, trong lòng người A Rem hồn hậu. Những già làng A Rem bên chén rượu vào các ngày lễ trọng thường dạy bảo con cháu: “Nếu không có Đảng đưa lối, chỉ đường, người A Rem không có cơm no, áo ấm như ngày hôm nay đâu”.

Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Trạch, một trong những đảng bộ cấp xã, phường có tuổi đời trẻ nhất tỉnh Quảng Bình.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Trạch, một trong những đảng bộ cấp xã, phường có tuổi đời trẻ nhất tỉnh Quảng Bình.

Năm 1956, lần đầu tiên các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện ra tộc người A Rem trong các hang đá Bồng Cù, Hung Va, So Đũa... cheo leo lưng chừng núi đá vôi, lúc này chỉ vỏn vẹn có 18 nhân khẩu. Hành trình “đoạn tuyệt” với núi rừng, hướng về phía mặt trời của người A Rem trùng trùng gian nan. Để có một bản làng A Rem trù phú như ngày hôm nay, nhờ Đảng hun đúc lên những viên gạch hồng trung trinh.

Tôi trở ngược lại quá khứ, thử đếm những bước thăng trầm của tộc người A Rem xã Tân Trạch từ khi tìm thấy đến thời điểm định cư tại bản Km 39 như bây giờ. Theo giáo sư, tiến sỹ Trần Trí Giỏi (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày trong tác phẩm “Thực trạng kinh tế, văn hóa của 3 nhóm tộc người đang có nguy cơ biến mất” (NXB Dân tộc năm 1995) thì giai đoạn 1982-1983, huyện Bố Trạch huy động các địa phương toàn huyện, mỗi xã dựng cho mỗi hộ gia đình A Rem một ngôi nhà sàn khang trang cùng với nhu yếu phẩm thiết yếu, giống bò để chăn nuôi. Khu vực định cư được chọn tại Km 12, đường 20. Số tiền huyện Bố Trạch chi cho dự án này trên 1,5 triệu đồng (tính theo thời điểm đó là một số tiền không nhỏ).

Có nhà mới, người A Rem sinh sống ổn định chừng 4 năm thì tản mát vào rừng vì rất nhiều nguyện nhân: đau ốm, bệnh tật, xa nguồn nước, không có đất canh tác... Năm 1992, Bộ đội Biên phòng cùng cán bộ huyện Bố Trạch tiếp tục đi tìm, vận động người A Rem rời khỏi hang đá về định cư tại Km 39.

Trong nỗ lực chung trợ giúp những dân tộc có trình độ phát triển quá chậm, nguy cơ tuyệt chủng, người A Rem được hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng từ ngân sách Chính phủ nhằm ổn định cuộc sống. Tính đến thời điểm này, dân số A Rem tăng lên 98 người.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho biết thêm: Hiện tại có nhiều con em A Rem tốt nghiệp xong PTTH trở về rèn luyện, phục vụ cho cộng đồng, trở thành nguồn kết nạp đảng viên mới trong đó phải kể đến như: Y Chưởi, cán bộ y tế thôn bản; Y Man, Bí thư chi đoàn bản Km 39; Đinh Khang, bộ đội xuất ngũ; Đinh Chai, Đinh Hùng đang theo học Trường trung cấp Luật thành phố Đồng Hới...

Năm 2003, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (khi đó là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) có chuyến thăm đồng bào A Rem. Trước những khó khăn của bà con, bằng tất cả tấm lòng mình ông đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trên 3 tỷ đồng xây dựng 47 ngôi nhà mới cho đồng bào A Rem. Mốc thời gian này trở thành một bước ngoặc lớn với người A Rem, dân số toàn bản tăng lên 194 khẩu.

Người A Rem Tân Trạch sống cùng “mái nhà chung” cùng người Ma Coong ở xã Thượng Trạch dọc miền biên viễn giáp nước bạn Lào. Thời điểm này, cộng đồng A Rem ghi nhận những đảng viên đầu tiên là Đinh Uôn, Đinh Ốc, Đinh Nâu. Họ được xem là những “hạt giống đỏ” đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, sớm giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, trở thành “rường cột” cùng với Bộ đội Biên phòng, cán bộ miền xuôi giúp đồng bào mình định cư bền chặt tại bản Km 39.

Năm 2003, xã Tân Trạch tiếp nhận thêm 9 hộ dân tộc Vân Kiều ở bản Đoòng nằm sâu giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào phạm vi hành chính do mình quản lý. Để kiện toàn, phát huy tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đồng thời vận động đồng bào ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy Bố Trạch tăng cường đồng chí Phan Thanh Bình, một cán bộ miền xuôi lên đảm nhận cương vị Bí thư Chi bộ xã Tân Trạch.

Giai đoạn 2003-2010, bằng nỗ lực của chính mình cùng với trách nhiệm trước Đảng, trước cộng đồng người A Rem, Bí thư Phan Thanh Bình đã bồi dưỡng, kết nạp, nâng số lượng đảng viên lên 13 người. Những đảng viên thời kỳ này có Đinh Đu sau này làm Chủ tịch UBND xã và hiện tại là Chủ tịch Hội Nông dân xã; Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã đương nhiệm... Những dự định, hoài bão giúp cuộc sống đồng bào A Rem đổi thay đang còn dang dở thì Bí thư Chi bộ Phan Thanh Bình về xuôi và mất do bệnh nan y.

Kế tiếp vai trò của Phan Thanh Bình là Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch tăng cường đảm nhận chức vụ Bí thư Chi bộ xã Tân Trạch. Trong khoảng thời gian 7 năm (2010-2017), Chi bộ Đảng Tân Trạch dưới sự chèo lái của Bí thư Nguyễn Chí Sỹ có những sự bứt phá rất ngoạn mục.

Tổng số đảng viên tăng lên 54 người trong đó có 30 đảng viên dân tộc A Rem; bình quân kết nạp đảng viên mới hàng năm 7 người. Tháng 8-2016, Chi bộ Đảng Tân Trạch nâng cấp lên thành Đảng bộ. Như vậy Tân Trạch là địa phương cuối cùng trong 159 xã, phường, thị trấn tại Quảng Bình có đảng bộ.

Bí thư đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ, không biết từ bao giờ được người A Rem trìu mến, thân thương gọi ông là Đinh Sỹ- “Châmrău A Rem” (người A Rem). Thực sự, người cán bộ miền xuôi này hết lòng vì đồng bào, sống no đói cùng đồng bào. Có những thời điểm mưa lũ chia cắt đường 20, vào mùa giáp hạt, người A Rem đói, ông lặn lội về xuôi gõ cửa tất cả những mối quen biết, các nhà hảo tâm xin gạo cơm, mắm, muối, áo quần... đem lên cho dân bản.

Một góc bản KM 39, nơi định cư của đồng bào A Rem.
Một góc bản KM 39, nơi định cư của đồng bào A Rem.

Sau 7 năm “cắm bản” làm Bí thư, Nguyễn Chí Sỹ đã làm cháy bùng lên ngọn lửa niềm tin vào Đảng, Bác Hồ trong tâm người A Rem: “Đội ngũ cán bộ xã Tân Trạch ngày càng được chuẩn hóa, đào tạo bài bản, trong đó lớp thế hệ đảng viên trẻ kế cận người A Rem lớn lên cả về bản lĩnh chính trị lẫn năng lực, trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng gánh vác, đảm nhận cuộc chiến chống đói nghèo, đưa cộng đồng người A Rem tiến sát hơn với cuộc sống miền xuôi”.

Trong tổng số 16 cán bộ, công chức xã Tân Trạch thì có đến 12 cán bộ, công chức là người A Rem. Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã; Đinh Tân, Chỉ huy trưởng Quân sự xã; Đinh Cu, Trưởng Công an xã; Đinh Chai, Bí thư Xã đoàn; Y Tất, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; Đinh Khinh, Chủ tịch Hội CTĐ xã; Đinh Đu, Chủ tịch Hội Nông dân xã... đều là đảng viên người A Rem gương mẫu, đầu tàu.

Lên với Tân Trạch, lên với đồng bào A Rem hồn hậu, chân tình, mến khách, tôi cảm nhận được một điều bất ngờ thú vị, lần đầu tiên sau hơn 60 năm rời bỏ hang đá, đồng bào cho hay “Châmrău A Rem” có hẳn một chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016-2020. “Đồng bào một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và tương lai tươi sáng đang rộng mở phía trước cho người A Rem”- già làng Đinh Rầu, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Trạch tràn trề hy vọng.

Ngô Thanh Long

Bài 2: Nơi gặp gỡ ý Đảng lòng dân