.

Chinh phục đồi hoang

Thứ Bảy, 08/04/2017, 14:54 [GMT+7]

(QBĐT) - 30 năm trước, Ngô Hải Trường theo cha đi khai hoang vùng đồi phía tây thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. 30 năm sau, nơi cằn khô, sỏi đá, bạt ngàn cỏ dại và bời bời dây leo ấy... đã trở mình tựa câu chuyện cổ tích.

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng thăm trang trại, Ngô Hải Trường tâm sự, cơ ngơi có được như ngày hôm nay, anh không thể kể hết khoảng thời gian cha con anh đã cực nhọc, vất vả thế nào. Cha của Ngô Hải Trường, ông Ngô Minh Trúc, sinh năm 1940, thương binh thời chống Mỹ hạng 3/4. Ông Trúc là bộ đội thuộc Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc, từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Cao su và keo lai xanh mát đã thay thế cỏ dại và dây leo năm xưa.
Cao su và keo lai xanh mát đã thay thế cỏ dại và dây leo năm xưa.

Nhớ lại những ngày đầu cha rìu con rạ, cơm nắm, cá khô rời làng lên khai hoang vùng đất có tên Bổn Trong (tên vùng đất khô cằn, sỏi đá, xa xôi, heo hút giữa núi rừng để phân biệt với Bổn Ngoài - nơi dân cư sinh sống), cựu chiến binh Ngô Minh Trúc kể: "Vốn gia đình định cư tại thôn Tây, xã Vạn Ninh. Sau khi rời quân ngũ trở về quê, tôi chứng kiến gia đình và bà con sống trong cảnh "đất chật, người đông", liền nghĩ "kế sinh nhai", lăn lội lên khai hoang vùng gò đồi phía tây xã dọc theo đường 10.

Bước đầu được chính quyền xã cấp cho 4,5 ha đất đồi, hai cha con bắt tay vào khai hoang bất kể đêm ngày. Động viên con trai cứ thủng thẳng, tùy theo sức người mà lao động theo phương châm "vết dầu loang", vừa phát hoang vừa gieo trồng cây các loại cùng chăn đàn bò cả thảy có 7 con.

Những ngày đầu, cha con lặn lội tìm đến các lâm trường để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, keo, bạch đàn, rồi khi trồng lên nhiều cây vẫn bị chết, bị trâu bò phá hoại mà ngỡ mình không thể vượt qua...

Đến năm 1997, khi xã có chủ trương đưa dân lên khai hoang, phục hóa vùng đồi, diện tích đất gia đình tôi được cấp lên đến 13 ha. Hai cha con bắt tay khởi nghiệp, ban đầu trồng được 3 ha bạch đàn, 8 ha keo lai, nuôi 2 lợn nái, 15 lợn thịt. Gia trại từ đây đã "nên tấm nên món" dần được định hình".
Trước những khó khăn thiếu thốn về vốn liếng, năm 2011, ông Ngô Minh Trúc mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng, đầu tư mở rộng mô hình gia trại.

Theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông mua thêm 5 lợn nái và duy trì đàn lợn thịt 30 con. Quy mô nuôi trồng tăng dần theo thời gian, năm 2012, gia trại tăng lên 10 lợn nái, 30 lợn thịt, đàn bò 10 con và 15 con lợn rừng; đồng thời, trồng được 3 ha cao su và 8 ha keo lai. Giai đoạn này, gia trại ông Ngô Minh Trúc đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trang trại xanh, sạch, bền vững, thân thiện với môi trường.

Gần 80 tuổi, ông Ngô Minh Trúc an tâm giao lại tất cả tài sản cho con trai Ngô Hải Trường, người sát cánh cùng ông trong những tháng ngày khai hoang, phục hóa, chắt chiu từ trong đất cằn sỏi đá ra bao sản phẩm vì cuộc sống ấm no của gia đình. Vốn bản tính chăm chỉ, hiền lành, chịu thương, chịu khó, Ngô Hải Trường không phụ lòng tin của cha, anh quyết chí phát triển trang trại, tạo ra những hướng làm ăn mới, trở thành triệu phú vùng đồi xã Vạn Ninh và của cả huyện Quảng Ninh.

Ngô Hải Trường cho biết: "Năm 2013, tôi mạnh dạn đầu tư lấy thức ăn tại nhà máy nhằm giảm bớt chi phí. Hiện tại, mỗi năm lượng thức ăn tiêu thụ trong trang trại khoảng 135 tấn. Năm 2014, tôi mở rộng thêm chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, tìm hiểu, nắm bắt thị trường, tận dụng các cơ hội đẩy mạnh sản xuất. Quy mô trang trại tăng lên 27 lợn nái, 35 lợn thịt, 20 con lợn rừng, 11 con bò, hàng năm nuôi thêm từ 1.000-1.500 con gà thịt".

Tiếp qua năm 2016, Ngô Hải Trường đầu tư xây dựng hệ thống chuồng kín nuôi lợn nái trên 1 tỷ đồng, hệ thống chuồng nuôi lợn thịt  hơn 200 triệu đồng để nuôi 50 con lợn nái và trên 100 lợn thịt. Đến nay, doanh thu bình quân trang trại Ngô Hải Trường đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/năm.

Hàng ngàn con gà là nguồn thu của trang trại anh Trường.
Hàng ngàn con gà là nguồn thu của trang trại anh Trường.

Sau khi trừ chi phí cho lãi ròng từ 290 đến 300 triệu đồng/ năm. Ngô Hải Trường nhẩm "khoe" cùng chúng tôi với những con số  "biết nói": năm 2012, thu lãi 200 triệu đồng; năm 2013, lãi lên 250 triệu đồng; năm 2014 thu được 270 triệu đồng đến năm 2015 là 300 triệu đồng.

Mô hình sản xuất, kinh doanh của trang trại gia đình Ngô Hải Trường qua rồi thời gian nan, khốn khó và đã vươn lên làm giàu bền vững. Không những đủ ăn mà còn có vốn tích lũy, đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mở rộng quy mô trang trại, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Quan trọng hơn thế, hàng năm, trang trại giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ đạt mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Với tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia với những cảnh ngộ giống như mình ngày xưa, Ngô Hải Trường còn tạo điều kiện hỗ trợ về cây, con giống cho các hộ chăn nuôi trong xã, hướng dẫn cách làm ăn, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn giúp họ vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hương Trà