.

Tri ân liệt sỹ Gạc Ma thông điệp gửi muôn đời sau - Bài 1: Niềm tin từ thế hệ trẻ

Thứ Hai, 13/03/2017, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã sáu năm nay, đúng vào ngày 14-3 hàng năm (sự kiện Gạc Ma xảy ra ngày 14-3-1988), tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, nơi an nghỉ của liệt sỹ, anh hùng LLVTND Trần Văn Phương, người Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma năm nào, đồng đội anh, Đảng bộ, chính quyền thị xã Ba Đồn và thế hệ trẻ Quảng Bình lại trang trọng tổ chức lễ tri ân người anh hùng liệt sỹ cùng 63 liệt sỹ anh dũng hy sinh giữ đảo Gạc Ma.

Lễ tri ân 64 liệt sỹ Gạc Ma được tổ chức vào ngày 14-3 hàng năm tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc.
Lễ tri ân 64 liệt sỹ Gạc Ma được tổ chức vào ngày 14-3 hàng năm tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc.

Thị xã Ba Đồn một ngày đầu tháng ba, tôi ngồi cùng Phạm Phú Thép,  phóng viên báo Văn hóa thường trú tại Quảng Bình. Thật ra ghề báo đối với Phạm Phú Thép cũng rất nhẹ nhàng, anh xem như “làm dâu trăm họ”.

Câu chuyện giữa tôi và Phạm Phú Thép càng lúc càng say... và cuối cùng trở về với sự kiện Gạc Ma cách đây 29 năm về trước, sự hy sinh bi tráng của 64 liệt sỹ Gạc Ma kiên trung giữ đảo. Lịch sử dân tộc đã khắc ghi, nhưng đối với người trẻ thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất như chúng tôi, mỗi lần nhắc lại, sự kiện Gạc Ma vẫn tươi nguyên, như dòng máu thắm đỏ của những người ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Với tôi và Phạm Phú Thép cùng những người trẻ, xin trích dẫn lại câu chuyện Gạc Ma qua lời kể của CCB Lê Hữu Thảo, quê quán tỉnh Hà Tĩnh, nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma, Cô Lin 39 năm về trước: “5 giờ sáng ngày 14-3-1988, khi thủy triều bắt đầu rút, 30 chiến sỹ chúng tôi nhận lệnh lên đảo Gạc Ma cắm cờ và tập trung nguyên vật liệu để xây đảo. Chừng một tiếng sau thì tàu Trung Quốc xuất hiện thả xuồng cao tốc và cho lính tràn lên đảo ngăn không cho bộ đội cắm cờ, xây đảo. Khoảng 50 lính Trung Quốc trang bị súng AK, lưỡi lê bật sẵn quần nhau với bộ đội trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng”.

Thiếu úy Trần Văn Phương giữ chặt lấy cột cờ, giằng co mãi nhưng bọn chúng không uy hiếp được chiến sỹ ta, chúng bất ngờ nổ súng. Anh Phương trúng đạn. Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh đỡ lá cờ Tổ quốc từ thiếu úy Trần Văn Phương, đá văng khẩu súng của một tên lính Trung Quốc, một tên khác xuyên lê vào bả vai phải anh. Tiếng súng nổ chát chúa, anh tiếp tục dính thêm đạn vào người và đổ gục xuống.

Người băng bó cho Nguyễn Văn Lanh là anh Nguyễn Bá Ngọc, tôi-Lê Hữu Thảo cùng một số chiến sỹ khác đưa thương binh lên thuyền nhôm, trong đó có Võ Văn Tứ bị đạn pháo cắt lìa chân phải, máu ra nhiều. Chúng tôi dùng áo thấm máu và băng bó cho anh, nhưng trước khi thuyền về đến đảo Sinh Tồn thì anh Tứ đã hy sinh.

Chiến hạm Trung Quốc vẫn tiếp tục nã pháo dồn dập vào các tàu hải quân ta, lính Trung Quốc xả AK vào bộ đội đang trôi trên biển. Tàu HQ-604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7, tất cả chỉ còn một màu đỏ rực máu và lửa, tàu HQ-604 chìm vào lòng biển mặn. Tàu HQ-505 gần đảo Cô Lin và HQ-605 phía đảo Len Đao cũng bị tấn công và trúng đạn. HQ-605 bốc cháy, chìm lúc 6 giờ ngày 15-3. HQ-505 cháy phần đuôi, kiên cường nhằm thẳng bãi cạn Cô Lin lao lên cắm cờ chủ quyền Việt Nam.

Trong trận hải chiến không cân sức giữ đảo Gạc Ma, Cô Lin, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, 9 người khác bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trong 64 liệt sỹ hy sinh, tỉnh Quảng Bình có 13 người.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, liệt sỹ Trần Văn Phương được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Sau bốn năm hai tháng ở lại với đồng đội giữa sóng nước Trường Sa, tháng 5-1992, liệt sỹ Trần Văn Phương được trở về cùng với gia đình, mãi mãi an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc.

Hơn 6 năm nay, Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, nơi liệt sỹ Trần Văn Phương an nghỉ, cứ đúng dịp 14-3, đồng đội anh, Đảng bộ, chính quyền thị xã Ba Đồn, phường Quảng Phúc và thế hệ trẻ Quảng Bình lại trang trọng tổ chức lễ tri ân anh cùng 63 liệt sỹ anh dũng hy sinh giữ đảo Gạc Ma.

Rất nhiều đoàn viên, thanh niên thắp hương tri ân liệt sỹ Gạc Ma.
Rất nhiều đoàn viên, thanh niên thắp hương tri ân liệt sỹ Gạc Ma.

Phạm Phú Thép nhớ lại: “Khởi đầu lễ tri ân liệt sỹ Gạc Ma vào năm 2012, những người làm báo ở tỉnh Quảng Bình cùng với gia đình, đồng đội liệt sỹ Trần Văn Phương, chính quyền các cấp huyện Quảng Trạch cũ tổ chức một buổi lễ trang trọng gắn danh hiệu Anh hùng LLVTND lên một chí liệt sỹ. Tiếp đó, năm 2013, khi Công ty Phú Mạnh thành lập, dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng Phú Mạnh vẫn quyết định nhận đỡ đầu mẹ Hồ Thị Đức, thân mẫu liệt sỹ Trần Văn Phương và duy trì lễ tri ân liệt sỹ Gạc Ma hàng năm vào ngày 14-3”.

Lễ tri ân liệt sỹ Gạc Ma theo thời gian thu hút rất nhiều người tham gia, và “vòng tròn bất tử” Gạc Ma cứ lan tỏa ra, rộng khắp, ngọn lửa niềm tin được thế hệ trẻ Quảng Bình thắp lên, truyền đi, cháy mãi.
Trong câu chuyện, Phạm Phú Thép cho biết thêm: “Lễ tri ân liệt sỹ Gạc Ma năm nay, mọi công tác chuẩn bị được Công ty Phú Mạnh lo chu đáo, đàng hoàng. Khác với mọi năm, năm nay lễ tri ân nhận được sự quan tâm của rất nhiều ban, ngành, đoàn thể ở thị xã Ba Đồn và trong tỉnh Quảng Bình. Đồng đội anh hùng Trần Văn Phương ở khắp mọi miền đất nước, qua sự kết nối từ CCB Lê Hữu Thảo sẽ có mặt tại lễ tri ân.

Đặc biệt trước đó, vào đêm 13-4, tại Trung tâm Văn hóa thị xã Ba Đồn, Thị đoàn Ba Đồn sẽ đăng cai tổ chức buổi giao lưu giữa thế hệ trẻ Quảng Bình với những người anh hùng giữ đảo Gạc Ma, Cô Lin, nhân chứng sống trong sự kiện hải chiến Trường Sa năm 1988. Thông qua buổi giao lưu, thế hệ trẻ Quảng Bình sẽ hiểu rõ hơn về từng tấc đất biển đảo Trường Sa có được hôm nay đã thắm máu đào lớp lớp những người đi trước như thế nào”.

Ngô Thanh Long

Bài 2: Thông điệp gửi muôn đời sau