.

Tổ quốc phía trùng dương - Kỳ 3: Bên cột mốc chủ quyền

Thứ Ba, 17/01/2017, 17:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhìn từ xa, đảo Sinh Tồn Đông giống như một chấm xanh nổi bật lên giữa trời biển Trường Sa. Càng lại gần, sắc xanh ấy lại càng ngờm ngợp bóng cây phong ba, bàng vuông, dương..., với lô nhô những mái nhà. Đó là điểm khác biệt đầu tiên của đảo nổi so với những đảo chìm chúng tôi đã đi qua.

>> Kỳ 1: Chạm vào phần "máu thịt" thiêng liêng

>> Kỳ 2: Thao thức... Trường Sa

Chiến sĩ Lê Đình Hải (Lệ Thủy) trong phiên canh gác bên cột mốc chủ quyền.
Chiến sĩ Lê Đình Hải (Lệ Thủy) trong phiên canh gác bên cột mốc chủ quyền.

Gọi là đảo nổi, nhưng chất liệu làm nên dáng hình của nó cơ bản vẫn là cát. Một thứ cát không phải tinh, mịn như cát ở trong đất liền, mà thô và hạt to hơn. Bước chân đầu tiên lên đảo, tôi đã sục chân thật sâu vào trong lớp cát này và rưng rưng về một miền đất máu thịt của dân tộc. Để có được những đảo nổi như thế trên biển, biết bao thế hệ con dân Việt đã dầm mình trong nước biển dùng kè đá xếp lớp, trồng cây xanh, để bồi đắp, giữ đảo.

Vì vậy, lính đảo ở đây coi cây xanh tựa như một thứ “đặc sản” trên đảo, che chắn trước những bão giông nổi lên từ biển. Tôi đã gần như lặng đi, khi thong thả dạo bước trên những con đường nhỏ rợp bóng những hàng cây ấy.

Tắt qua một vòng các khu nhà trên đảo, tôi tò mò bước vào từng phòng ở của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Gối, chăn đều vào nếp vuông vức. Tất cả ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Có lẽ, môi trường quân đội ai cũng thế.

Ở vùng phên dậu này lại càng phải thật nghiêm. Đành rằng là quy định chung, thế nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về nội dung chấm điểm thi đua của đảo. Trong 5 nội dung (thang điểm tối đa 70), thì nội dung “nội vụ vệ sinh” chi li đến tiểu tiết như thế. Ví như, nội dung nội vụ gồm có sắp xếp ba lô, quần áo, chăn màn, quân tư trang... và vệ sinh gồm cả vệ sinh cá nhân... và công cộng có thang điểm đến 20.

Hễ cứ xuề xòa qua loa ở tiểu mục nào là y như rớt mất điểm ở tiểu mục đó. Ngỏ lời với trung tá Lê Ngọc Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, được anh cho hay, nếp sống, tác phong quyết định rất lớn đến ý thức rèn luyện, ý chí chiến đấu của người lính. Vì vậy, phải hình thành nếp sống, tác phong kỷ luật, kỷ cương từ những việc nhỏ đó. Và rằng, ý chí quyết tâm và nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ, là bản chất, bản lĩnh của người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi này.

Lúc vừa đặt chân lên đảo, đập vào mắt chúng tôi là một chiến sĩ khá trẻ, làn da vừa mới kịp bắt nắng, đứng gác nghiêm trang bên cạnh cột mốc chủ quyền. Hỏi ra mới biết, đó là Lê Đình Hải (20 tuổi), đồng hương Lệ Thủy với tôi. Xong phiên gác, tôi tìm gặp Hải. Ra đảo tháng 7 vừa rồi, mất một tháng, Hải mới làm quen với cuộc sống mới ở đây.

Hải bảo: “Cuộc sống ở đây tuy vất vả hơn ở trong bờ, nhưng anh em đoàn kết và sống tình cảm lắm, anh ạ. Đây là lần đầu tiên trong đời em sống xa nhà, mà ra đến tận Trường Sa, nên lắm thứ bỡ ngỡ, nhớ quê, nhớ gia đình. May có các anh đi trước gần gũi động viên, bày vẽ”. Hải nói với tôi giọng nhè nhẹ. Gương mặt, làn da mới bắt nắng gió và hơi muối biển càng khiến chàng trai 20 tuổi thêm phần chững chạc.

Vừa rồi, kiểm tra bắn súng, trong điều kiện cả ngày lẫn đêm, Hải bắn trúng 13/13 phát. Đạt loại xuất sắc, thế là chỉ huy liền “thưởng nóng” cho Hải gọi điện về nhà. Suýt tí nữa thì Hải khóc vì mấy tháng mới được nghe lại tiếng nói thân thương của bố mẹ. Thoắt cái, Hải chạm nhẹ vào tay tôi một chiếc vỏ ốc biển, thỏ thẻ: “Em tặng anh món quà từ Trường Sa”. Hải bảo, nhưng đổi lại tôi phải chuyển cho cậu những bức ảnh chụp lúc nãy.   

Lại nhớ, bữa tiệc văn nghệ chia tay của những cựu binh và tân binh ở đảo Đá Lớn C trước đó mấy ngày. Bữa tiệc đêm ấy đã lộ diện một sắc thái khác của cuộc sống sinh hoạt và những con người nơi đảo xa. Đó có thể là chất lính Trường Sa, cũng có thể gọi là tình người nơi sóng cả.

Sau những chiêu trò hoạt ngôn của người dẫn chương trình, cả hội trường lặng phắc trước lời chia sẻ của một chiến sĩ sắp chia tay đảo vào đất liền. Đó là chiến sĩ Lê Tùng, người Ninh Thuận. Kết thúc đợt nghĩa vụ này, Tùng được Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tặng giấy khen chiến sĩ hạng nhất. Tùng rưng rưng vì sắp phải rời ra những người anh em đầy nghĩa tình, ấm áp. Rằng, một năm ở trên đảo, cậu rất nhớ nhà.

Thế nhưng, giờ đây Tùng lại cảm thấy rất buồn. Và rồi Tùng bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Đại tá Nguyễn Hưng đang ngồi ghế dưới bỗng bật đứng dậy, tiến lại gần và ôm choàng lấy người lính của mình. Là chỉ huy, nhưng ông cũng đã từng là một người lính, cũng biết được cuộc sống, tình cảm người lính ở nơi khó khăn, gian khổ để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảo nổi Sinh Tồn Đông
Đảo nổi Sinh Tồn Đông.

Khi xuồng đưa những người lính đảo và chúng tôi từ Tiên Nữ lên tàu, ngang qua vùng biển sóng gió, thấy 2 tàu đánh cá tỉnh Phú Yên đang neo đậu ở đây. Một ngư dân vào khoang thuyền cầm lấy con cá vẫy chúng tôi, ý chừng muốn cho cá, rồi lại nhặt một con mực (xem chừng là mực khô) cũng lặp lại động tác y như trước. Lần này, chúng tôi vẫy vẫy tay chào đáp lại, từ chối. Dù chỉ diễn ra trong khoảnh khắc không lời, song cảm thấy ấm áp biết bao...

Mối gắn kết và những biểu hiện tương tự giữa quân và dân trên vùng biển  này không phải là chuyện hiếm. Bên những cột mốc chủ quyền này còn có lắm chuyện sắt son, nghĩa tình hơn thế. Như trường hợp ngư dân Bùi Ngọc Hải, trên tàu cá QNg90289 (tỉnh Quảng Ngãi) không may bị máy xay đá cắt một đường sâu thấu xương, từ cổ tay lên đến khuỷu tay, đã được các chiến sĩ đảo Đá Lớn băng bó, thuốc thang và khâu lại vết thương khoảng 1 tháng trước đó.

Trung úy Vũ Văn Lan, Chính trị viên điểm đảo Đá Lớn C cho biết: “Lúc đó là 2 giờ sáng, hai ngư dân lập cập, hốt hoảng dùng thuyền thúng bơi vào đảo nhờ cứu chữa. Chúng tôi nhanh chóng sơ cứu, rửa vết thương và băng bó tạm, rồi liên hệ với bác sĩ ở điểm đảo Đá Lớn A và đưa sang đó để khâu lại”.

Nghe chuyện, tôi cứ nghĩ nếu không có những người lính trên đảo này, thì ngư dân Quảng Ngãi kia sẽ phải xoay xở như thế nào với cánh tay bị thương, giữa trời nước mênh mông, khuya khoắt như đêm hôm ấy? Vậy ra, giữa lồng lộng biển khơi này, những người lính trên đảo chìm lẫn đảo nổi không những có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải, mà còn là niềm tin và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân trên biển.

Dương Công Hợp

Kỳ 4: Từ “chung chiêng lều bạt”...